Đây là cảnh tượng quen thuộc trong gia đình bà Thanh 12 năm qua. Theo hướng dẫn từ bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, trong tình huống cấp bách không thể đến viện hoặc gọi cấp cứu, vợ chồng bà sẽ tiêm thuốc để kiểm soát triệu chứng của người con.
Vài phút sau tiêm, Minh trấn tĩnh, ngồi sụp xuống một góc tường, không cảm xúc, người mẹ ngồi cạnh, ôm con. Chàng trai đã uống thuốc duy trì chứng tâm thần phân liệt nhiều năm nhưng bệnh thường xuyên tái phát bất chợt. Khi đó, gia đình phải dùng thuốc liều cao để khống chế. Một lần, cơn điên của Minh hung bạo đến mức anh ném đồ đạc, gây chảy máu cho người mẹ.
Minh không dám ngủ một mình, nên bà Thanh trải thảm, nằm cùng con trong ánh đèn sáng. "Mỗi đêm với tôi thật dài", bà nói, "Nhưng phải chịu chứ biết làm thế nào". Minh không ngủ theo cách của người bình thường, thường xuyên thức đến rạng sáng. Bà Thanh mất ngủ theo, sức khỏe suy giảm.
Người mẹ trấn an con khi đang điều trị. Ảnh: Thúy Quỳnh
Ông bà Thanh nhận chẩn đoán Minh bị bệnh tâm thần phân liệt vào năm 2012 - khi ấy chàng trai đang làm công chức một cơ quan, sau khi rời đại học kinh tế với tấm bằng giỏi. Bệnh khởi phát với dấu hiệu người mắc nghe thấy những lời nói thì thầm, hầu như là tiếng mắng mỏ, đe dọa, cười chê, nhạo báng, chỉ trích các vấn đề cá nhân. Những tiếng nói khiến Minh lo lắng, đau khổ, ngồi thu mình độc thoại. Sau đó ảo thanh sai khiến người đàn ông hành động vô thức như đánh đập người thân, bỏ đi lang thang. Bác sĩ không tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh, chẩn đoán có thể do yếu tố nội sinh như gene.
Vợ chồng bà từng có lúc thay nhau đi theo con trong vô định, bất kể mưa hay nắng. Cặp đôi dựa vào tiền lương hưu và khoản tiết kiệm để chi trả cho vô số phương pháp điều trị trong nhiều năm tại các bệnh viện tâm thần.
"Tôi dường như không còn khái niệm về niềm vui tuổi già, không thể đi đâu, thậm kể cả việc rời khỏi ngôi nhà này", bà Thanh nói. Người phụ nữ từng mổ 4 lần do các vấn đề khác nhau, từ khớp gối đến sọ não. Hơn một thập niên chăm con tâm thần càng vắt kiệt sức lực của bà, khiến người phụ nữ nhiều lần suy sụp, có dấu hiệu bệnh lý tinh thần.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 14 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới các dạng rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt, trong đó 0,5% mắc tâm thần phân liệt. Đây là một bệnh loạn thần nặng, thường khởi phát triệu chứng ở người trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời. Hiện chưa xác định được nguyên nhân chủ yếu gây bệnh, nhưng có thể do một số yếu tố nội sinh, bao gồm gene, di truyền..., theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Phó Trưởng khoa Lâm sàng, phụ trách Đơn nguyên chức năng, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương.
Chưa có thống kê chính thức về số người nhà bị ảnh hưởng tâm lý khi chăm bệnh nhân tâm thần, song các bác sĩ nhận định tỷ lệ này ngày càng tăng. "Khi bạn dành nhiều thời gian với một người có thái độ sống tiêu cực, bi quan thì nhận thức, suy nghĩ của họ cũng ảnh hưởng đến nhận thức của bạn, dễ bị tổn thương và trầm cảm hơn", chuyên gia lý giải.
Thực tế, người chăm sóc gặp nhiều áp lực song luôn chịu đựng, kìm nén, hoặc không thừa nhận bệnh tật của bản thân, dần dần có những rối loạn tâm lý, hành vi, sức khỏe tâm lý ngày càng xấu đi. Các triệu chứng trầm cảm mà họ chưa từng trải qua trước đây như lo lắng, ít giao tiếp, suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, lặp đi lặp lại.
Đặc biệt, theo bác sĩ Dũng, sức khỏe tâm thần ở Việt Nam vẫn bị kỳ thị nặng nề, xuất phát từ các chuẩn mực văn hóa. Đa số coi gia đình có người bị điên là "đáng xấu hổ", họ dè chừng, tránh tiếp xúc. Điều này khiến cuộc chiến với căn bệnh trở nên đơn độc.
"Chăm sóc con mắc tâm thần là một hành trình dài và cô đơn, nhiều lúc tôi chỉ muốn hét lên", bà Thanh nói, khi nhớ về những áp lực bủa vây, nhất là khi bị hàng xóm, họ hàng xa lánh.
Các bác sĩ khuyên người chăm sóc cần ưu tiên sức khỏe tâm thần của mình, trước khi nghĩ đến việc giúp đỡ người trong gia đình. Nếu đang gặp phải các triệu chứng trầm cảm, hãy liên hệ với nhân viên y tế để được đánh giá, phát hiện sớm và được hỗ trợ kịp thời.
"Mỗi người cần tự chăm sóc mình, cởi mở chia sẻ vấn đề của bản thân, tránh giấu bệnh khiến khi phát hiện tình trạng đã trở nặng", bác sĩ khuyên.
Bệnh nhân tham gia lớp thiền tại viện. Ảnh: Thúy Quỳnh
Hai năm nay, Minh chuyển về điều trị Bệnh viện Tâm thần Mai Hương. Bác sĩ nói tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài, diễn biến tái phát bất chợt, dù uống thuốc đều.
Bệnh nhân tham gia các đợt điều trị kéo dài 60-90 ngày, được trải nghiệm các hoạt động như thiền, yoga để tái hòa nhập, thích nghi xã hội. Tuy nhiên, các chứng bệnh không hết hẳn, anh thi thoảng vẫn lẩm bẩm một mình. Qua nhiều năm điều trị, cơ thể anh trở nên béo phì, hoạt động chậm chạp, cảm xúc khô lạnh, không thể tự chăm sóc bản thân.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ ở tuổi 70 vẫn phải lo sinh hoạt cho con như vậy, nhưng không còn lựa chọn nào khác ngoài sự kiên trì, ít nhất thì con trai tôi cũng có thể khá hơn một chút", bà Thanh nói.
Người mẹ tâm sự trong những giờ phút đen tối nhất, bà không bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ con, vì "chúng là máu thịt của tôi". Hằng ngày, ngoài việc chăm con, bà có thói quen nghe kinh Phật, cầu nguyện "cho con và cả gia đình được khỏe mạnh, bình an".
Thúy Quỳnh