“Trường chuyên khác gì nơi luyện gà, học lệch, áp lực”

“Cứ đỗ được trường chuyên trước đã, còn không đỗ trường chuyên thì bạn làm gì có tư cách phán xét trường chuyên và học sinh trường chuyên”

“Trường chuyên chẳng phải nơi tất cả đều màu hồng, nhưng ít ra, học sinh chuyên vẫn được ưu tiên đó đây trong cuộc sống”.

“Ai chẳng muốn vào trường chuyên, vấn đề là bạn có năng lực để vào hay không”

Chỉ đọc những dòng bình luận này mà không biết trước câu chuyện, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ mình đang “xuyên không” về 5-10 năm trước, cái thời điểm mà câu chuyện “trường chuyên lớp chọn” cực kỳ ồn ào. Khi ấy, người người nhà nhà lôi chuyện nên hay không học trường chuyên ra mổ xẻ, ai cũng có lý lẽ riêng của mình, không ai chịu nhường ai.

Nhưng không phải đâu, những tranh luận kia mới xảy ra cách đây vài ngày thôi. Nói chính xác là vấn đề cũ này lại đang một lần nữa bị lôi lại. Mà nguồn cơn thì không có gì mới: một bà mẹ là tiến sĩ giáo dục có con không đỗ trường chuyên lên tiếng về lý do không cho con học chuyên.

Các lý do vị này đưa ra để chứng minh cho luận điểm “không cho con học trường chuyên” của mình có rất nhiều: trường chuyên áp lực, trường chuyên học lệch, trường chuyên có tính cạnh tranh quá cao, học sinh trường chuyên khó chấp nhận thất bại, dễ đau ốm… Và cũng bởi vậy, vị này đã quyết “phá công cuộc vào Ams của con”, không cho con đi học thêm nhằm mục đích để con… thi trượt. Và rồi thông điệp được đọng lại cuối cùng: “Tớ cực hài lòng và tự hào về con (vì đã không đỗ vào Ams mà theo học một trường không chuyên khác)”.

photo-5-16863628651031703144181.jpg

Trường chuyên lớp chọn - một câu chuyện rất cũ bỗng nhiên bị đào lại

Không biết ý nghĩa đằng sau của thông điệp này là gì, liệu rằng có phải là một pha “flexing” như thuật ngữ mà các bạn Gen Z được sử dụng gần đây? Không chắc nữa, nhưng có một điều mà chúng ta phải thừa nhận, chỉ vì một bài đăng “vu vơ” của vị chuyên gia này mà đã làm nảy sinh một cuộc tranh luận xoay quanh một vấn đề không… đáng được tranh luận.

Cái gì tốt thì mình chọn

Theo Khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục năm 2019, trường chuyên là trường “dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

Việc ra đời cũng như nhiệm vụ của trường chuyên đó chính là “phát triển năng khiếu” của học sinh. Học sinh trước tiên phải có “năng khiếu về một số môn học” nếu muốn đăng ký học tập vào trường chuyên lớp chọn. Bên cạnh đó, việc theo học tại đây cũng là một cách để các bạn khẳng định năng lực, có cơ hội để rèn luyện trong một môi trường tốt, xa hơn nữa là có nền móng vững chắc để vào được một trường đại học như ý. Ở cương vị các bậc làm cha làm mẹ, mong muốn con mình được theo học ở một môi trường tốt, dễ phát triển thậm chí còn lớn hơn.

Nguyễn Trung Minh Trí (lớp 10TH2 trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM) bày tỏ: “Theo lẽ thường thì ai cũng muốn con mình học trường tốt, như ba mẹ mình mặc dù không ép bản thân vào trường chuyên nhưng mình vẫn quyết tâm thi. Ngay kể cả không được vào trường chuyên thì mình cũng sẽ chọn những trường cấp ba có chất lượng tốt.

photo-4-16863628642271262946173.jpg

Cậu bạn Nguyễn Trung Minh Trí đang theo học trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM)

Chứ thật sự là không có phụ huynh nào không muốn con mình vào trường tốt, chỉ là tùy vào năng lực của con, phụ huynh từ đó đưa ra những điều chỉnh để kỳ vọng đúng với giới hạn năng lực của con”.

Đồng quan điểm, Bảo Trân (học sinh lớp 12A4, trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) chia sẻ, quan điểm của mỗi phụ huynh về trường chuyên lớp chọn là khác nhau, nhưng cô bạn tin trong sâu thẳm mỗi bậc cha mẹ, đều sẽ cảm thấy tự hào nếu con học trường chuyên. Quan trọng là độ phù hợp, mong muốn và năng lực của các bạn nữa.

Bên cạnh mong muốn của phụ huynh, bản thân nhiều bạn trẻ cũng ấp ủ ước mơ được học trường chuyên, có chăng là lý do của mỗi người mỗi khác. Chẳng hạn như Bảo Trân, cô bạn chọn thi vào trường chuyên là vì muốn trở thành “a small fish in a big pond” (một người bình thường trong một tập thể giỏi) thay vì làm “a big fish in a small pool” (thằng chột làm vua xứ mù). Hay Nguyễn Huỳnh Đức (cựu học sinh 12 chuyên Sử, trường THPT Chuyên Sơn La), chọn học trường chuyên vì đơn giản đó là... trường chuyên.

“Khi chuẩn bị thi vào lớp 10, chưa bao giờ mình nghĩ sẽ học một trường nào khác ngoài ngôi trường chuyên của tỉnh cả. Hồi cấp 2, mình không phải là một người học quá tốt, nhưng chính vì động lực học trường chuyên, lớp chọn trong mình quá lớn, mà mình đã quyết tâm học ngày học đêm để chinh phục mục tiêu mà bản thân đã đặt ra.

Mình nghĩ là đa phần mong muốn học chuyên đều bắt nguồn từ nguyện vọng bên trong của các bạn. Cũng có một vài trường hợp bị bố mẹ thúc ép thi vào, nhưng không nhiều. Ít nhất là trong tập thể lớp của mình, ai cũng thi chuyên bởi vì yêu chuyên”, Huỳnh Đức nói.

Tương tự với Trương Kỳ Tông (cựu học sinh của trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa), không giống như mọi người, nam sinh bắt đầu theo học trường chuyên từ cấp 2. Nguyên nhân chính để Kỳ Tông lựa chọn theo đuổi con đường học hành đó đều đến từ chính bản thân:

“Việc thi vào trường chuyên là do mình mong muốn. Từ lớp 5, mặc dù không được ba mẹ định hướng nhưng mình có nghe các bạn trò chuyện về chương trình học chuyên tốt như thế nào như: có chương trình tích hợp, được học tiếng Đức… Bên cạnh đó, việc là một học sinh chuyên cũng là một thành tích rất đáng tự hào với nhiều học sinh”.

photo-3-1686362863490514784781.jpg

Trương Kỳ Tông chọn học trường chuyên vì bản thân yêu thích

Khi trường của mình bị… chê

Lựa chọn vào trường chuyên có thể xuất phát từ yếu tố cá nhân, cũng có thể từ gia đình, đôi khi là một vài yếu tố khách quan nữa, nhưng một khi đã là lựa chọn, thì người ta đều có trách nhiệm với nó. Đó là lý do mà khi ngôi trường mà mình đang theo học, ngôi trường mà mình đã phải nỗ lực rất nhiều mới bước chân vào được bị... bêu xấu, các bạn học sinh đều cảm thấy bất bình ít nhiều.

Lấy ví dụ vụ ồn ào liên quan đến chuyên gia kể trên, khi vị này đưa ra các quan điểm không muốn cho con học trường Ams đã nhấn mạnh việc học trường chuyên áp lực thế nào, nói chung chỉ toàn là điều xấu. Không dừng lại ở đó, hàng loạt những quan điểm có phần "độc hại" của một bộ phận cư dân mạng hướng đến học sinh chuyên, trường chuyên cũng được đưa ra. Người cho rằng học ở trường chuyên như "gà công nghiệp", người thì ném đá trường chuyên học lệch, học chủ yếu để tạo ra “gà chọi” để đi thi.

Để đáp lại, các bạn học sinh đã có những cách khác nhau để “phản kháng” như: nêu quan điểm của bản thân, lập luận rằng học trường chuyên, lớp chọn không hề “xấu xí”, “méo mó” như mọi người thường nghĩ.

Chứng kiến cách phản ứng đó của bạn bè đồng trang lứa, Võ Trọng Nhân (học sinh THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP HCM) bày tỏ, việc tranh luận (debate) của các bạn không phải cãi cùn, cãi cố mà là đang bảo vệ danh tiếng của trường các bạn đang theo học.

“Chúng ta luôn được khuyến khích tranh biện để tìm ra giải pháp của vấn đề. Trong trường hợp của vị chuyên gia trên, nếu các bạn debate theo cách lịch sự thì hoàn toàn hợp tình hợp lý, nhất là khi bài đăng của vị chuyên gia đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng của trường chuyên mà các bạn theo học.

Còn ở phía vị chuyên gia, cũng nên cần dung nạp, chắt lọc quan điểm của các bạn học sinh. Nếu chuyên gia đó luôn miệng đáp trả lại ý kiến của các bạn học sinh theo cách thiếu thiện chí, có phần thô cứng rồi kết luận rằng các bạn học sinh ‘hỗn’, ‘học sinh chuyên có vậy thôi à’, thì rõ ràng vị chuyên gia đó không còn lý lẽ nào để bảo vệ quan điểm rồi", K.A một học sinh chuyên khác chia sẻ.

Cũng là một học sinh trường chuyên, Minh Tâm (trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP HCM) thú nhận khi trường của mình bị chê, nếu đây là người quen, hoặc đây là ý kiến cô bạn trực tiếp nghe được qua một cuộc hội thoại, một đoạn tin nhắn thì Tâm sẽ giải thích cho họ hiểu bằng những lập luận khách quan nhất. Còn nếu đây là ý kiến ở một bài đăng trên mạng xã hội thì nữ sinh sẽ xem xét tính xác thực của thông tin trước. Trong trường hợp đây là một thông tin chủ quan, bịa đặt thì Tâm sẽ bình luận một cách lịch sự, khách quan để người đăng có thể nhìn nhận lại ý kiến của mình.

photo-2-1686362862466634951484.jpeg

Minh Tâm (trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP HCM)

“Nếu có người chê ngôi trường mà mình đang học thì chắc chắn bản thân sẽ không tốn sức để đứng ra tranh luận với họ mà sẽ tìm những cách khác để nâng cao giá trị và danh dự của trường cũng như của chính mình. Các hoạt động có thể kể đến như là xây dựng các chương trình, tổ chức các cuộc thi trí tuệ, tôn vinh các cá nhân xuất sắc và tiêu biểu, ngoài việc học tập kết hợp với các hoạt động ngoại khóa sôi nổi… Tất cả các hoạt động đều được công khai và lan truyền rộng rãi với tất cả mọi người để show được tài năng và giá trị của trường”, Bùi Khánh Linh (trường THPT Chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La) chọn cách “dĩ hòa vi quý” hơn.

Tương tự, Bảo Trân (trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) nói: “Mình nghĩ đây là câu chuyện từ thời nào rồi, mỗi người một quan điểm, mình không thể đứng lên cãi lại. Thay vào đó mình nghĩ các bạn học sinh chuyên khi nghe như vậy thì càng có động lực để chứng minh rằng trường chuyên là cả một niềm tự hào mà không để ai có thể xúc phạm vào được”.

Áp lực đồng trang lứa ở đâu cũng có, chẳng riêng gì trường chuyên

Khi được hỏi “nếu có cơ hội được chọn lại, bạn vẫn sẽ chọn trường chuyên chứ”, thì đa phần các bạn học sinh đều ngay lập tức trả lời có, thậm chí còn có những phát ngôn chắc nịch: “Chắc chắn rồi, không vào học chuyên thì học đâu nữa”. Phải có những lý do đằng sau nào đấy để các bạn học sinh đưa ra quyết định nhanh chóng như vậy, có thể là môi trường học tập tốt, nhiều học động ngoại khóa, thầy cô giỏi, nhiều cơ hội phát triển bản thân…

Mỗi người sẽ có những lý do riêng về quyết định lựa chọn trường chuyên của mình, nhưng dám cá là những “mặt tốt” mà các bạn nhận được từ việc học trường chuyên, phải nhiều hơn những “mặt xấu” mà mọi người hay nhắc về trường chuyên, lớp chọn. Như thế các cô cậu học trò mới đầy tự hào mỗi khi nhắc đến xuất thân của mình: “Tôi là học sinh trường chuyên!”.

"Nếu được quay về năm lớp 9 và chọn nguyện vọng, mình vẫn sẽ đăng ký trường chuyên. Bởi vì tại đây, mình được mở mang tầm mắt về môi trường học tập vô cùng tốt, được phát triển bản thân hơn. Trước kia, mình chỉ biết đi học rồi về nhà suốt 9 năm ở ngoại thành nhưng khi bắt đầu lớp 10, mình đã được cọ xát với nhiều hoạt động khác, được ở cạnh những người bạn giỏi hơn, nhờ thế mà mình được học hỏi rất nhiều", Trọng Nhân chia sẻ.

Hay đối với Bùi Khánh Linh, trong suốt 3 năm theo học ở Chuyên Sơn La, ngoài những kiến thức sách vở quý giá từ các thầy cô, nữ sinh còn học được những kỹ năng mềm cần thiết khác. Khánh Linh được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các CLB về học thuật và giải trí do chính các học sinh trong trường tổ chức, được tham gia tổ chức các hoạt động workshop, talkshow… mà nếu như học ở nơi khác, chưa chắc cô bạn đã có được những trải nghiệm quý giá như vậy.

“Mỗi một chương trình, sự kiện mình tham gia lại rút ra những kinh nghiệm làm việc, học được các mẹo từ những anh chị khóa trước và ngày một phát triển bản thân hơn. Còn về vấn đề trường chuyên hay học lệch môn, mình thấy không hẳn đúng. Đơn cử như mình đây được vẫn học đều và đầy đủ kiến thức các môn như trường khác, chỉ có điều chúng mình sẽ được học chuyên sâu, nâng cao và tăng thời gian học môn chuyên của mình nhiều hơn nhưng vẫn không ảnh hưởng tới giờ học của các bộ môn còn lại”, Linh chia sẻ.

photo-1-1686362857053795732319.jpg

Bùi Khánh Linh

Minh Tâm nói, không chỉ giảng dạy tốt, mà tại Chuyên Lê Hồng Phong nơi cô bạn theo học còn có rất nhiều câu lạc bộ - đội - nhóm để các bạn học sinh có thể tham gia rèn luyện kỹ năng mềm bên cạnh những giờ học căng thẳng. Ngoài ra, ở môi trường trường chuyên, cô bạn thấy các bạn đều có tư duy mở và năng động, vì vậy bản thân có thể học thêm rất nhiều thứ qua các bạn.

“Peer pressure - Áp lực đồng trang lứa là một thứ đi đâu cũng thấy chứ không chỉ ở trường chuyên. Nhưng đó cũng là động lực để các bạn phấn đấu nhiều hơn để đạt được mục tiêu mà mình đề ra, mỗi bạn đều có một mục tiêu riêng mà một cách thực hiện riêng nên không bạn nào phải chạy theo thành tích của bạn khác”, Tâm giãi bày.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022