Ngày 6 và 7/6, gần 96.000 thí sinh đã làm bài thi Văn, Ngoại ngữ, Toán để tranh suất vào lớp 10 công lập tại TP HCM. Đề Toán được các giáo viên nhận xét có cấu trúc, độ khó tương tự năm trước. Đề có 5 bài toán thực tế, từ câu 3 đến câu 7.

Sau khi kỳ thi kết thúc, thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật lý trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng câu 5 trong đề Toán lớp 10 của TP HCM đưa ra một quy luật không có trong thực tế và sai bản chất.

cau-5-mon-Toan-1674-1686301456.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_D8ioyEkGgVeYQFPcAkZRQ

Câu 5 trong đề Toán thi vào lớp 10 công lập ở TP HCM.

Cụ thể, quá trình chuyển hóa năng lượng khi đun nước tính từ khi bật công tắc (lúc t = 0); điện năng chuyển hóa thành nhiệt năng làm sợi dây nung nóng lên (nếu bình đun dùng sợi nung). Sợi dây nung có nhiệt độ cao hơn nước trong bình đun và truyền nhiệt cho nước, nước truyền nhiệt cho ấm và phải có một khoảng thời gian mới có nhiệt hao phí tỏa ra môi trường. Công suất tỏa nhiệt ra môi trường phụ thuộc chủ yếu vào diện tích tiếp xúc của bình đun với môi trường và độ chênh lệch nhiệt độ giữa nhiệt độ của bình đun và môi trường (công suất hao phí còn phụ thuộc mức độ lưu thông không khí hay gọi là gió ở nơi đun). Khi công suất tỏa nhiệt ra môi trường của bình đun bằng công suất nhận điện năng của sợi nung thì nhiệt độ của nước không tăng nữa.

Thầy Túc lấy ví dụ một sợi nung có công suất 1.000 W nếu đun nước trong một ấm cỡ 2 lít thì nước có thể sôi nhưng nếu sợi nung này cấp nhiệt cho bể cá lớn thì có thể nước chỉ nóng từ 100 độ C tới 300 độ C thì nhiệt độ không tăng nữa. Khi đó công suất hao phí không đổi và bằng công suất tiêu thụ điện sợi nung của bình đun. Vậy đề câu 5 ra công suất hao phí theo quy luật P = at + b tức là t = 0 đã có công suất hao phí bằng 85 W và công suất hao phí tăng đều là sai. Thầy cũng cho rằng đề sai khi hỏi "Nếu đun nước với công suất hao phí là 105 W thì thời gian đun là bao lâu?". Nếu giả sử tồn tại quy luật phi lý như tác giả cho thì cần phải hỏi: Tính thời gian đun cho tới khi công suất hao phí là 105 W.

Với những lập luận này, thầy Túc đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM điều chỉnh đáp án câu 5 để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Thầy giáo này cho rằng những em giỏi Vật lý có thể không làm được câu 5 khi dữ kiện của đề quá lạ.

Trong khi đó, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Toán trường THPT Nguyễn Du, TP HCM, cho rằng nếu xét về kiến thức Vật lý và thực tế thì dữ kiện câu 5 không hợp lý và logic. Tuy nhiên nếu đề chỉ là một khảo sát, tổng hợp và đưa ra một công thức dự đoán, không phải là một công thức Vật lý chính xác thì vẫn có thể chấp nhận được.

Thầy Chính lấy ví dụ về việc ước tính gia tăng dân số. Theo thầy, đây là vấn đề không có công thức nào chính xác tuyệt đối, tuy nhiên các chuyên gia vẫn áp dụng một công thức theo những quy luật, dữ kiện nhất định để dự đoán, ước tính dân số trong tương lai.

"Nếu áp dụng các kiến thức Toán học, học sinh vẫn giải được bình thường. Lỗi này không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh", thầy Chính nói.

Cô Nguyễn Tiến Thùy, giáo viên Toán trường THCS Hà Huy Tập, TP HCM, nhận định câu 5 cho theo dạng toán hàm số bậc nhất. Đề đã cho công thức của hàm số bậc nhất có công thức theo từng đại lượng và đơn vị rõ ràng kèm hình ảnh minh họa bằng đồ thị nên học sinh có thể giải bình thường.

z4411401023297-1e4354f93a392ac-4069-6432-1686301456.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eT5KpnpcRoEd6-LKf8-rDQ

Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn Toán, sáng 7/6. Ảnh: Lệ Nguyễn

Ngày 9/6, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết câu 5 trong đề thi Toán vào lớp 10 đưa ra nội dung liên quan hiện tượng thực tế là quá trình đun để làm sôi nước trong một ấm điện. Quá trình khảo sát này chỉ là một giai đoạn ngắn của quá trình đun sôi nước và thời điểm bắt đầu khảo sát (t = 0) không phải là thời điểm bắt đầu quá trình đun nước.

Với các dữ kiện khảo sát được trong quá trình này, về mặt toán học có thể được mô tả như hình vẽ và bằng một hàm số mà học sinh đã được học trong chương trình. Do vậy, bằng các kiến thức và năng lực toán học (hàm số bậc nhất, đồ thị hàm số bậc nhất, điểm thuộc đồ thị, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, tính toán) học sinh có thể giải quyết được các yêu cầu do đề bài đặt ra.

"Trường hợp học sinh có lời giải khác với hướng dẫn chấm nhưng hợp lý đều được xem xét và đánh giá", Sở thông tin.

Năm ngoái, khoảng 45% thí sinh dự thi vào lớp 10 công của TP HCM đạt điểm dưới trung bình môn Toán.

Năm nay, TP HCM có khoảng 96.000 học sinh dự thi lớp 10 công lập. Tổng chỉ tiêu 108 trường THPT công lập của thành phố là 77.300, tỷ lệ trúng tuyển khoảng 80%. Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết công bố điểm thi vào ngày 20/6.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022