Tại Hà Nội, nhằm phòng chống Covid-19, trẻ mầm non khai giảng trong lớp học từ 8h30 đến 10h, không quá 60 phút. Học sinh tiểu học, THCS, THPT khai giảng tại sân trường, từ 7h30 và không quá 45 phút. Học sinh đứng giãn cách, đeo khẩu trang. Các tiết mục diễu hành, thả bóng bay, văn nghệ bị cắt giảm.
Năm học này, thành phố có 2,1 triệu học sinh, tăng hơn 67.000 so với năm ngoái, nhiều nhất cả nước. Dù đã xây mới 44 trường học, sĩ số học sinh mỗi lớp ở các quận đông dân như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa... vẫn trên 50 em.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM trong ngày tựu trường 1/9. Ảnh: Mạnh Tùng
Tại TP HCM, hơn 1,74 triệu học sinh (tăng hơn 54.600 em so với năm ngoái) bước vào năm học mới. Năm nay, TP HCM có 2.350 trường học, trong đó gần một nửa thuộc khối mầm non. Để phòng chống dịch, các trường không tập trung đủ học sinh mà cử đại diện mỗi lớp 10-20 em. Riêng học sinh các khối đầu cấp (lớp 1, 6 và 10) tham dự đủ.
Chương trình khai giảng khoảng 60 phút, gồm văn nghệ chào mừng, nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, tuyên bố lý do, đọc thư của Chủ tịch nước, đánh trống khai giảng. Ở khối mầm non, các trường khai giảng theo hình thức Bé vui đến trường, tạo niềm vui cho trẻ đầu năm học mới.
Năm học mới, ngành giáo dục TP HCM tiếp tục đối mặt với tình trạng học sinh tăng trong khi cơ sở vật chất không theo kịp. Trong 5 năm gần đây, thành phố có thêm một triệu dân, trong đó có khoảng 200.000 học sinh. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh trên lớp học, nhiều nơi sĩ số lên đến 50. Điều kiện sân chơi, bãi tập, thư viện ở trường học do đó đều co hẹp lại.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết ngành giáo dục thành phố xác định 4 sứ mệnh với học sinh gồm: học để trở thành công dân tốt, đủ kỹ năng thích ứng với đô thị thông minh và hội nhập quốc tế; học làm người con hiếu thảo, có trách nhiệm với gia đình; học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi mình và gia đình; học để đóng góp cho thành phố và đất nước.
Với giáo dục mầm non, mục tiêu của ngành là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em. Với giáo dục phổ thông, ngành sẽ đổi mới kiểm tra, đánh giá, tăng cường các hoạt động giáo dục STEM và nghiên cứu khoa học.
Do Covid-19, Đà Nẵng sẽ không tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9 cho hơn 270.000 học sinh các khối từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố thực hiện chương trình tọa đàm "Đà Nẵng - Chào năm học mới", phát sóng lúc 7h ngày 5/9 trên hai kênh DanangTV1 và DanangTV2.
Nội dung tọa đàm xoay quanh công tác triển khai năm học mới tại nhà trường và địa phương; tâm tư của cán bộ, giáo viên cũng như phụ huynh và học sinh trước thềm năm học mới. Sau buổi tọa đàm, các trường sẽ đăng tải tất cả thông tin có liên quan đến chương trình dạy học, danh sách lớp, giáo viên chủ nhiệm và thông tin cần trao đổi trên website, thư của Chủ tịch nước và lãnh đạo thành phố động viên học sinh trong năm học mới.
Ở Quảng Nam, lễ khai giảng sáng được tổ chức với quy mô hẹp, gọn nhẹ. Học sinh các lớp đầu cấp (1, 6, 10) sẽ tham dự lễ khai giảng trực tiếp, các khối lớp còn lại cử đại diện.
Năm học 2020-2021, cả nước có gần 23 triệu học sinh từ mầm non đến hết THPT. Sau lễ khai giảng ngày 5/9, học sinh sẽ bắt đầu học kỳ I từ tuần sau và sẽ kết thúc học kỳ trước ngày 16/1/2021, sớm hơn 4 ngày so với khung thời gian cũ. Kỳ II hoàn thành trước 25/5/2021 và năm học kết thúc trước ngày 31/5/2021.
Năm nay ngành giáo dục bắt đầu đưa chương trình và sách giáo khoa mới vào giảng dạy cho học sinh lớp 1, tập trung nâng chuẩn giáo viên các cấp và tiếp tục giải bài toán nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.
Mạnh Tùng - Dương Tâm