Năm 2020, cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn 13.500 so với năm 2019. Trong đó, hơn 643.000 em đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên là hơn 296.100 (chiếm 32,9%) và Khoa học xã hội hơn 498.500 (chiếm 55,38%). So với năm 2019, tỷ lệ đăng ký bài Khoa học xã hội tăng lên.

Do ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải chia thành hai đợt. Trong đó, hơn 26.000 thí sinh của Đà Nẵng, một số khu vực ở Quảng Nam, Đăk Lăk và thí sinh F1, F2 sẽ dự thi đợt hai vào ngày 3-4/9. Kết quả phân tích điểm thi dưới đây chỉ áp dụng với hơn 880.000 thí sinh thi đợt một, hôm 9-10/8.

thi-sinh-3452-1598698151.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C7QO8d8YMHXQNXOl7ISzgQ

Thí sinh TP HCM vui vẻ sau khi hoàn thành bài Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT sáng 9/8. Ảnh: Quỳnh Trần.

Điểm trung bình các môn tăng, Ngoại ngữ bét bảng

Năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu là xét công nhận tốt nghiệp. Do Covid-19, học sinh không thể đến trường khoảng 3 tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tinh giản chương trình nên đề thi dễ hơn năm ngoái. Điều này đẩy điểm trung bình các môn tăng lên.

Nếu như năm 2019 ba môn có điểm trung bình dưới 5 thì năm nay 8/9 môn trên 5. Duy nhất Tiếng Anh có điểm trung bình 4,58, chỉ hơn năm ngoái 0,22, trở thành môn thi có điểm thấp nhất. Gần 750.000 thí sinh làm bài thi môn này và tới 473.000 em bị điểm dưới trung bình (chiếm 63,13%), 543 em bị điểm liệt (từ 1 trở xuống). Phổ điểm rất xấu khi đỉnh lệch hẳn về phần bên trái.

Các môn thi còn lại có điểm trung bình tăng từ 0,77 đến 1,36, trong đó môn Hóa tăng mạnh nhất. Giáo dục công dân tiếp tục dẫn đầu và là môn duy nhất đạt trên 8. Đây cũng là lần đầu tiên có môn đạt mức trung bình cao như vậy. Top 3 cuối bảng, ngoài Tiếng Anh còn có Lịch sử và Sinh học, tương như hai năm qua.

Nam Định tiếp tục dẫn đầu cả nước về điểm trung bình

Năm thứ hai liên tiếp Nam Định có điểm trung bình các môn thi cao nhất cả nước, theo thống kê của VnExpress. Tăng 0,96 điểm so với năm ngoái, mức Nam Định đạt được trong năm nay là 6,83. Đây là kết quả không bất ngờ bởi địa phương này nổi tiếng với tinh thần hiếu học. Tuy nhiên, trong top thí sinh điểm cao nhất tính theo các tổ hợp xét tuyển, Nam Định vắng bóng ở năm tổ hợp truyền thống A00, A01, B00, C00 và D01.

Kém 0,02 so với Nam Định, Bình Dương giữ vị trí thứ hai và là lần thứ ba tăng hạng trong ba năm liên tiếp. An Giang xếp thứ ba với 6,67 điểm. Các tỉnh, thành khác góp mặt trong top 10 vẫn giống năm 2019 nhưng thứ tự thay đổi.

Tính riêng nhóm thành phố trực thuộc trung ương, có ba địa phương góp mặt gồm TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ. Thí sinh Đà Nẵng chưa tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt này. Như vậy, chỉ có Hà Nội không vào top 10 mà đứng thứ 18 với điểm trung bình 6,36.

Hà Giang có thành tích bết bát nhất - 5,06 điểm. Sơn La tăng một bậc so với năm ngoái, thoát khỏi vị trí "thứ nhất từ dưới lên". Ba tỉnh thành còn lại trong top 5 địa phương có điểm thấp nhất là Hòa Bình, Cao Bằng - cùng ở miền núi phía Bắc và Đăk Lăk ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, Đăk Lăk vẫn còn gần 5.400 thí sinh chưa thi.

Năm tỉnh này cũng thường xuyên có tên ở top 10 tỉnh, thành thấp nhất tính theo điểm trung bình từng môn.

Số điểm 10 cao nhất 6 năm qua, điểm liệt giảm đáng kể

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 5.812 điểm 10 ở 9 môn thi tốt nghiệp THPT: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh, không bao gồm điểm thi ở các môn Ngoại ngữ khác như tiếng Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.

So với 5 năm qua, số điểm 10 năm nay tăng mạnh. Riêng môn Giáo dục công dân, số bài thi đạt tuyệt đối đã nhiều gần bằng năm 2017 - năm "mưa điểm 10" gây khó khăn trong tuyển sinh của trường đại học. Tuy nhiên, môn Giáo dục công dân ít xuất hiện trong các tổ hợp xét tuyển nên không gây nhiều khó khăn cho việc tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

so-sanh-diem-10-1816-1598698151.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u6466p6PRWfIEwrVzjE8xA

Số điểm 10 qua từng năm.

Nếu so sánh với năm 2019, trừ Tiếng Anh, số lượng điểm 10 ở các môn đều tăng. Điều này được dự đoán trước bởi kỳ thi năm nay có mục đích là xét tốt nghiệp THPT. Năm nay cũng là lần đầu tiên trong 6 năm, Ngữ văn có hai thí sinh đạt tuyệt đối.

Xét theo tỉnh thành, Hà Nội có nhiều điểm 10 nhất, kế đến là Phú Thọ, đều hơn 400 bài thi. Không địa phương nào không có thí sinh đạt mức tuyệt đối. Một số nơi có ít điểm 10 nhất là Kon Tum (5 điểm 10), Hà Giang (9), Quảng Ngãi (9), Ninh Thuận (10), Lai Châu (13), Đăk Nông (15).

Về điểm liệt, cả nước có 1.362 bài thi bị từ 1 trở xuống, giảm gần 1.800 bài so với năm 2019. Số bài thi bị liệt chỉ hơn môn Ngữ văn của năm ngoái gần 100 bài. Theo quy chế, những thí sinh bị điểm liệt một trong ba bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hoặc một môn thi trong tổ hợp dùng để xét tốt nghiệp THPT sẽ trượt tốt nghiệp.

Với tính chất xét công nhận tốt nghiệp, đề thi được giáo viên đánh giá dễ đạt 5-6, điểm dưới trung bình (dưới 5) cũng giảm hẳn. Chẳng hạn, môn Lịch sử giảm từ 70,01% xuống còn 46,95%. Môn Tiếng Anh có tỷ lệ điểm dưới trung bình cao nhất - 63,13%.

Điểm trung bình khối A cao nhất

Các tổ hợp xét tuyển truyền thống như A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C00 (Văn, Sử, Địa) và D01 (Toán, Văn, Anh) đều có điểm trung bình tăng. Tổ hợp thấp nhất là C00 với 18,5 điểm vẫn cao hơn mức cao nhất của năm ngoái.

Năm nay, tổ hợp A00 vẫn có điểm trung bình cao nhất - 21,46. Tổng điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 23. Dù chưa phân tích các yếu tố khác ngoài phổ điểm, nhiều đại học khối ngành kỹ thuật, sử dụng tổ hợp Toán, Lý, Hóa xét tuyển là chính đã dự đoán điểm chuẩn tăng mạnh từ 1 đến 3.

Pho-diem-khoi-A-7203-1598698151.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6W9IIxb9QCrh1BM0KaGXMw

PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, dự báo điểm chuẩn đại học, đặc biệt các trường top trên sẽ tăng 3 điểm. Với ngành hấp dẫn nhất ở các trường, điểm chuẩn sẽ tăng hơn nữa. Các ngành thuộc khối Y Dược, công an, quân đội, điểm chuẩn có thể lên tới 29; nhiều ngành ở Đại học Ngoại thương, Bách khoa TP HCM, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có thể lên 28.

PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội, dự đoán điểm trúng tuyển vào trường sẽ tăng 0,5-2. Với ngành có đầu vào cao nhất là Khoa học máy tính, năm ngoái lấy 27,4 thì năm nay có thể lên 28-28,5. Các ngành có đầu vào thấp nhất năm ngoái sẽ tăng khoảng 2 điểm, lên mức 22.

Lần đầu tiên đối sánh kết quả thi với học bạ

Nhằm đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông, tính trung thực trong tổ chức kỳ thi ở địa phương, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo so sánh điểm trung bình 9 môn thi tốt nghiệp THPT 2020 với điểm trung bình học bạ lớp 12 của 9 môn học tương ứng.

Kết quả cho thấy Nghệ An và Long An có sự chênh lệch lớn nhất - 1,7 điểm. Bình Dương vênh ít nhất - 0,32 điểm.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá điểm trung bình học bạ và điểm thi có độ vênh, nhưng cơ bản là tương thích và tuyến tính với nhau. Một số tỉnh ở vùng khó khăn có điểm thi thấp hơn điểm học bạ, khoảng chênh lệch giữa hai trường dữ liệu này cũng rộng hơn so với vùng thuận lợi. Tuy nhiên, xét tổng thể thì kết quả điểm thi và điểm học bạ vẫn có sự tuyến tính khi cả hai đều đứng vị trí top cuối của cả nước.

Dương Tâm

detail_diemthi_pc.png

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022