Bà Tạ Thị Hoài An, quê Nghệ An, được Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn giáo sư vào đầu tháng 11. Tính từ đợt phong giáo sư đầu tiên năm 1956, bà An là nữ giáo sư Toán học thứ ba ở Việt Nam, sau GS Hoàng Xuân Sính (năm 1980) và GS Lê Thị Thanh Nhàn (năm 2015).

Bà An có bố là giảng viên Toán, mẹ làm bác sĩ. Theo truyền thống gia đình, cô nữ sinh 17 tuổi chọn theo đuổi ngành Sư phạm Toán tại trường Đại học Vinh.

"Tôi đến với Toán, với sư phạm như một lẽ tự nhiên", bà nói.

MG-7095-5521-1701009884.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qd5FlNqC48X0FntYexiTvQ

GS.TSKH Tạ Thị Hoài An. Ảnh: Thanh Hằng

Tốt nghiệp thủ khoa ngành Toán, bà Hoài An trở thành giảng viên tập sự tại Đại học Vinh ở tuổi 21. Bà sau đó tiếp tục học thạc sĩ, rồi bảo vệ tiến sĩ vào năm 2001 dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH Hà Huy Khoái - nguyên Viện trưởng Viện Toán học. Với bà An, thầy Khoái là người đầu tiên gợi mở về con đường nghiên cứu khoa học.

Thời điểm đó, chỉ có hai nghiên cứu sinh nữ là bà An và GS Nhàn (Thái Nguyên). Hai người từng ở trọ trong một căn phòng nhỏ đến mức chỉ kê vừa đủ một tấm phản, vừa là nơi để ngủ, vừa làm việc. Thấy hai nghiên cứu sinh khổ quá, vợ của GS Khoái là cô Đinh Thị Thu Cúc đã cho hai người ở nhờ trong một căn nhà cấp bốn. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn với GS An và nhiều nghiên cứu sinh lúc ấy, căn nhà được mọi người gọi thân thương là "nhà của các chị Dậu".

Sau khi bảo vệ tiến sĩ, bà An được học bổng sang Viện Hàn lâm khoa học Đài Loan, làm thực tập sinh dưới sự bảo trợ của GS Julie Wang. Được GS Julie truyền cảm ứng, bà An quyết định chuyển từ giảng viên sang làm nhà nghiên cứu.

"Dù rất yêu thời gian được đứng trên bục giảng, các vấn đề tồn tại trong Toán học đã hấp dẫn tôi", bà An nói. Vì muốn có nhiều thời gian nghiên cứu nên sau đó bà An chuyển đến làm việc tại Viện Toán học.

3f35b40c8c15254b7c04-jpeg-8327-3568-5210-1701674822.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Xo6X_4qoe-MAn0JFgf_Wsg

Từ trái sang, GS Julie Wang, GS Min Ru, và GS Hoài An, tại một hội thảo năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quá trình nghiên cứu của bà An gặp khá nhiều trở ngại vì vợ chồng bà mất hơn 10 năm điều trị hiếm muộn. Trong khoảng thời gian đó, bà liên tục phải đến bệnh viện để tiêm thuốc điều trị. Hình ảnh người phụ nữ với chồng sách, ngồi ở góc hành lang, chăm chú đọc và ghi chép trở nên đặc biệt và thân thuộc với y bác sĩ bệnh viện.

"Quãng thời gian chữa bệnh nhiều vất vả. Có những lúc không kìm được, tôi trốn vào một góc để khóc, không để ai biết", bà An nhớ lại. Nhưng là người lạc quan, bà không muốn mọi người phải lo lắng cho mình.

Năm 2009, bà được công nhận chức danh phó giáo sư. Cùng năm này, bà nhận tài trợ của Quỹ Humboldt (Đức). Đây là một trong những tài trợ nghiên cứu danh giá và có độ cạnh tranh cao trên thế giới.

Hai năm sau, bà sinh bé và dành thời gian để chăm sóc con. Khi cậu bé được 22 tháng, bà đưa con sang Đức và Pháp, đồng hành với mẹ trong hành trình nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Trong giới làm Toán, bà An là người phụ nữ thứ hai ở Việt Nam có học vị này.

Một mình chăm con nhỏ, cộng thêm việc phải viết luận án tiến sĩ khoa học nên mỗi ngày bà chỉ được ngủ khoảng 4 tiếng, sức khỏe bị ảnh hưởng do cường độ làm việc cao. Một buổi sáng, bà ngã quỵ. Bà An kể lúc đó chỉ kịp gọi điện cho đồng nghiệp đưa bà vào viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết bà bị suy nhược.

"Nhiều khi tôi cũng tự hỏi không hiểu sao tôi có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng trước những trở ngại đó, có lẽ do tôi học được sự kiên cường từ mẹ tôi", bà An nói. Ngoài ra, bà còn nhận được sự hỗ trợ của gia đình, đặc biệt là chồng.

d98c1b3e5027f979a036-7136-1701512881.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eAb7tAzyrkvD-Ezl1tQRGA

Bà An và con trai ở Đức, năm 2014. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong hơn 30 năm, bà Hoài An hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, công bố 33 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín và xuất bản hai cuốn sách về Toán. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của bà An chủ yếu xoay quanh lý thuyết số, giải tích phức.

Không chỉ nghiên cứu trực tiếp, bà còn điều hành Flyspect - dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm tra các công thức mà nhà toán học Thomas Hales công bố năm 2002.

Trong công trình nghiên cứu dài 300 trang với 21.000 công thức, Thomas Hales cho biết đã chứng minh được Giả thuyết Kepler - bài toán đã tồn tại hơn 400 năm. Tuy nhiên, trải qua bốn năm với 12 chuyên gia phản biện, tạp chí Toán học nổi tiếng Annal of Mathematics đăng tải với nhận xét chỉ khẳng định được 99% chứng minh của Thomas là đúng. Vị giáo sư người Mỹ đã tìm cách kết nối với các kỹ sư máy tính và đồng nghiệp để kiểm tra phần còn lại. Trước khi gặp bà Hoài An, ông Thomas đã mất gần 10 năm, đi qua Mỹ, châu Âu và Ấn Độ, nhưng không thành công.

Dự án Flyspect được triển khai năm 2008, nhân sự gồm 20 người, trong đó có 10 nghiên cứu sinh, học viên cao học tại Viện Toán học. Ban đầu, bà An và các cộng sự dự kiến hoàn thành Flyspect sau 20 năm. Nhưng nhờ sự nỗ lực của các thành viên, trong đó có nhà khoa học Trần Nam Trung (người được phong PGS năm 2023) điều hành kỹ thuật, PGS Hoàng Lê Trường phụ trách mã hóa công thức, cùng sự hỗ trợ, phối hợp của Viện Toán học và các nhóm nghiên cứu quốc tế, dự án hoàn thành trong 7 năm. Kết quả, tất cả công thức trong nghiên cứu của Thomas Hales là đúng.

"Trong báo cáo toàn thể đặc biệt tại hội nghị Toán học thế giới năm 2022 đã đề cập đến nhóm nghiên cứu của chúng tôi. Nhiều tờ báo, tạp chí nổi tiếng nhắc tới thành công dự án này", bà An nói, thêm rằng dữ liệu của dự án Flyspect được sử dụng trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại OpenAI, DeepMind. Gần đây nhất, Open AI dùng trong xây dựng ChatGPT.

Sự thành công của Flyspect giúp GS Thomas tiếp tục nhận được tài trợ để phát triển dự án. Tuy nhiên, nhiều thành viên nhóm chuyển ra nước ngoài hoặc bận những dự án khác. Để giải quyết vấn đề nhân lực nghiên cứu, dự án chuyển về trường Đại học Thăng Long, theo thỏa thuận giữa Viện Toán học, Đại học Thăng Long và Đại học Pittsburgh (Mỹ).

Trường Thăng Long bố trí phòng làm việc, hỗ trợ cán bộ của Viện Toán sang làm việc tại trường. Năm 2018, khi mở ngành Toán ứng dụng, trường tài trợ học phí, một phần sinh hoạt phí cho 20 sinh viên đầu tiên. Cán bộ, nghiên cứu sinh của Viện Toán học có vai trò như giảng viên cơ hữu, phụ trách đào tạo sinh viên, hướng dẫn các giảng viên trẻ của trường trong dự án. Ngoài Flyspect, Viện và trường còn hợp tác phát triển các hướng nghiên cứu và đào tạo khác trong lĩnh vực Toán học.

"Đến nay, dự án vẫn tiếp tục. Đây là minh chứng cho thấy hiệu quả của mô hình hợp tác giữa Viện, trường đại học trong nước và nước ngoài", bà An nói.

GS-Hoai-An-PNG-4002-1701009884.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X2Cu4_uc_zf1bERtF1fppQ

Bà Hoài An trình bày báo cáo tại hội thảo của Đại học Clermont Ferrand, Pháp, năm 2008. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù đạt nhiều thành tựu, GS Hoài An trăn trở vì thấy rằng phụ nữ gặp nhiều rào cản để phát triển sự nghiệp, do còn trách nhiệm chăm sóc gia đình.

GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, cũng nhìn nhận đây là một trong những lý do chính khiến số lượng nhà khoa học nữ trong lĩnh vực Toán học hạn chế. Ông Hoa nói thêm rằng ngành Toán rất tôn trọng phụ nữ, nhưng thể hiện bằng việc đánh giá họ công bằng với nam giới. Vì thế, các hồ sơ được đánh giá bình đẳng, "đạt mới xét".

Trở thành giáo sư Toán học ở tuổi 51, bà An nói đã nhận được sự hỗ trợ tinh thần của nhiều người phụ nữ như GS Julie Wang, GS Helene Esnault, cô Cúc, chị Loan... Trong suốt quá trình làm việc, học tập và nghiên cứu tại trường Đại học Vinh và Viện Toán học, bà cũng được nhiều thầy cô, đồng nghiệp giúp đỡ.

"Tôi trải qua nhiều khó khăn, chữa bệnh trong thời gian dài và đã may mắn vượt qua. Mong rằng hành trình của tôi có thể khích lệ những người phụ nữ trên con đường phát triển bản thân", bà nói.

Thanh Hằng - Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022