Nội dung nằm trong báo cáo ngày 23/4 của Hà Nội gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giới chức cho hay sáng hôm qua đã lập đoàn, gồm đại diện Phòng Giáo dục quận Đống Đa, công an thành phố và phường Láng Thượng, tới kiểm tra Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga cơ sở 2 (đặt tại nhà dân ở số 20, ngõ 185 phố Chùa Láng).
Đoàn kiểm tra xác định có 29 giáo viên, khoảng 600 học sinh THCS đang dạy và học ở đây. Cơ sở này vi phạm nhiều quy định, như chưa niêm yết thông tin về môn học, thời lượng dạy thêm từng môn, danh sách người dạy và học phí.
Ngoài ra, trung tâm chưa xuất trình được giấy tờ liên quan việc thu phí hàng tháng, thiếu 4 hợp đồng lao động với giáo viên. Những hợp đồng đã ký cũng chưa thể hiện đủ nội dung về vị trí, thời gian làm việc...
Do đó, trung tâm này phải dừng hoạt động từ 12h ngày 23/4.
"Trung tâm phải thông báo với phụ huynh và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khi dừng học, đảm bảo quyền lợi của học sinh", trích báo cáo.

Thông báo "chưa đủ điều kiện dạy thêm, học thêm" dán trước cơ sở 2, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội
Hai ngày trước, bản tin Chuyển động 24h của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phản ánh Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga ở phố Chùa Láng, quận Đống Đa, đang dạy thêm cho hàng trăm học sinh. Tất cả đều đến từ một trường THCS công lập gần đó.
Học sinh cho biết lui tới trung tâm hàng ngày, học các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Khoa học tự nhiên. Học phí một tháng khoảng 2 triệu đồng. Còn theo phụ huynh, giáo viên tại trung tâm cũng là người của trường, đổi chéo lớp để dạy.
Ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện trung tâm, cho biết cơ sở hoạt động từ năm 2023, đang có 20 lớp.
Bộ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm tra và xác minh thông tin, xử lý nghiêm vi phạm. Tuy nhiên, trong báo cáo, nhà chức trách chưa cho biết tính xác thực của các thông tin nói trên.

Trung tâm văn hóa mượn thêm phòng học ở nhà dân để mở lớp. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự VTV
Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 14/2. Trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm, và phải miễn phí, gồm: nhóm có kết quả chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi.
Với dạy thêm ngoài trường, cá nhân, tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, công khai thông tin về học phí, thời lượng... Cùng đó, thầy cô không được thu tiền dạy thêm với học sinh trên lớp của mình.
Hà Nội hiện có khoảng 15.000 trung tâm, hộ đăng ký kinh doanh dạy thêm, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương là "tăng rất nhiều" sau Thông tư 29.
Ông cũng cho rằng số trung tâm, hộ kinh doanh dạy thêm tăng nhanh, trong khi chưa có hướng dẫn chi tiết về quy định, chế tài xử lý các vi phạm liên quan có thể khiến các địa phương gặp khó khăn trong kiểm tra, giám sát nên kiến nghị Bộ sớm hướng dẫn cụ thể.
Thanh Hằng