Trong tuần cuối tháng 4, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh cho hơn 47.000 giáo viên, cán bộ quản lý ở các trường công.
Giáo viên làm bài trực tuyến gồm kỹ năng nghe, đọc và viết theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR), từ A1 đến C2. Sở cho biết bài khảo sát do Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge thiết kế. Sở cam kết bảo mật điểm số, không dùng để đánh giá, xét lương thưởng.
Bài khảo sát dài 90 phút nhưng cô Khánh Thi, giáo viên Ngữ văn THCS quận Bình Thạnh, mất cả buổi không xong. Trang khảo sát gặp trục trặc khiến cô Thi đăng nhập hơn 15 phút mới được. Trong quá trình làm bài, cô giáo nhiều lần bị "văng" ra khỏi hệ thống.
"Tôi gọi số hotline nhưng không có ai hỗ trợ, loay hoay cả buổi chiều vừa mất thời gian vừa ảnh hưởng đến công việc khác", cô Thi nói.
Nữ giáo viên cho hay nhiều đồng nghiệp gặp tình trạng này vào chiều 24/4. Dù Sở nói kết quả khảo sát chỉ phục vụ xây dựng đề án dạy tiếng Anh nhưng thầy cô đều lo lắng.
"Thầy cô lo kết quả khảo sát thấp thì phải đi học các lớp bồi dưỡng. Ai có khả năng tốt cũng lo vì riêng dạy theo chương trình hiện tại đã rất mệt", cô Thi chia sẻ.

Giáo viên tiếng Anh trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4, trong tiết dạy. Ảnh: Phạm Hà
Thầy Hoàng Phong, tổ trưởng tiếng Anh một trường THPT, cho biết không gặp trục trặc về đường truyền nhưng phần đọc hiểu có một số câu bị lỗi đáp án.
Thầy thấy bài khảo sát chỉ kiểm tra hai kỹ năng đọc hiểu, nghe, không có phần viết như thông báo của Sở. Là giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh, có chứng chỉ IELTS 7.0 tương đương trình độ C1, thầy Phong đánh giá đề khó. Nhiều câu được lấy từ các sách luyện thi trình độ C1, mang tính học thuật, hàn lâm cao.
"Tôi thường xuyên tiếp xúc với đề thi IELTS, không bị bất ngờ nhưng vẫn thấy khó. Giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, THCS chắc sẽ chật vật chứ chưa bàn đến những người dạy môn khác", thầy Phong nhận định.
Ngoài ra, thời gian tổ chức khảo sát không hợp lý, theo cô Hoàng Nga, giáo viên môn Tiếng Anh một trường THCS ở quận 1. Cô Nga cho biết cuối tháng 4 là giai đoạn bận rộn chuẩn bị đề thi, tổ chức kiểm tra cuối học kỳ II, nhập liệu thông tin chuẩn bị tuyển sinh đầu cấp.
"Nhiều người làm qua loa cho xong hoặc thấy khó quá cũng bỏ cuộc, nên kết quả có thể không đánh giá đúng năng lực giáo viên. Tôi e đợt khảo sát không đạt mục tiêu như kỳ vọng", cô Nga nhận định.
Đồng thuận với mục đích khảo sát nhưng thầy Phong cho rằng Sở nên tổ chức thi trên giấy, theo từng cấp học, có bài thi riêng cho giáo viên dạy tiếng Anh và các môn khác.
Lý do là nội dung, kỹ năng giảng dạy tiếng Anh ở từng môn, cấp học rất khác nhau. Việc khảo sát chung một đề sẽ không cung cấp đủ dữ liệu để ngành giáo dục phân loại giáo viên.
TS Hồ Sỹ Anh, nguyên nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng việc khảo sát năng lực để có căn cứ khoa học hoạch định các đề án giáo dục là cần thiết và hợp lý. Ông nhận định một bộ phận giáo viên còn ngần ngại, lo lắng do chưa hiểu rõ lợi ích của hoạt động này.
"Không hẳn là họ ỷ lại hay không chủ động học hỏi, mà do chưa hiểu nếu tham gia thì mình được gì và học sinh gián tiếp được gì", TS Anh giải thích.
Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, Tiến sĩ Giáo dục học của Đại học East Anglia, Anh, cũng nhìn nhận những phản ứng của giáo viên là dễ hiểu khi họ không được giải thích về lợi ích khảo sát, lộ trình bồi dưỡng cụ thể. Cùng đó, đợt khảo sát rơi vào thời điểm các trường đang chuẩn bị thi học kỳ II nên dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ giáo viên.
"Muốn bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên hiệu quả thì phải cho họ biết sẽ được lợi gì khi học. Nếu không có lợi gì cho quá trình dạy học, tư duy trong khi nhiều người sắp đến tuổi về hưu thì họ sẽ không đồng thuận", cô Huyền nói.

Giao diện trang khảo sát tiếng Anh dành cho giáo viên TP HCM. Ảnh: Giáo viên cung cấp
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết một số thời điểm trang khảo sát bị lỗi do số lượng giáo viên truy cập khá lớn, sau đó đã ổn định.
Ông cho rằng đây là dịp thầy cô tự nhìn nhận, đánh giá năng lực tiếng Anh của mình. Những thầy cô chỉ còn khoảng 10 năm nữa đến tuổi hưu không bắt buộc phải tham gia. Kết quả khảo sát giúp ngành giáo dục có bức tranh toàn cảnh về năng lực tiếng Anh của giáo viên, từ đó xây dựng các đề án của ngành.
Ngoài ra, trước khi khảo sát, Sở đã lấy ý kiến gần 40.000 giáo viên về việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Kết quả, 86% nói ủng hộ; 51% giáo viên sẵn sàng tham gia giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh.
Cùng với dữ liệu khảo sát lần này, ngành giáo dục sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên. Thầy cô được tự chọn hình thức, phương pháp bồi dưỡng, đơn vị giảng dạy phù hợp hoặc tự học, miễn đạt mục tiêu.
Những giáo viên có năng lực tiếng Anh tốt, có nguyện vọng tham gia giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh sẽ được Sở cử đi học bằng ngân sách nhà nước.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục TP HCM, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học có rất nhiều hình thức. Ngoài việc giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh, các trường còn có thể tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động để tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh.
"Những thầy cô giáo đạt trình độ từ B1 trở lên theo khung tham chiếu châu Âu sẽ được bồi dưỡng để dạy ở tiểu học, mức B2 có thể dạy trung học", ông Hiếu nói.
Lệ Nguyễn
*Tên giáo viên được thay đổi