Tốt nghiệp cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2000, cô Nhung, sinh năm 1973, quê Hà Nam, về làm giáo viên ở xã cho đến nay. Hiện, cô và một đồng nghiệp phụ trách một lớp với 34 cháu 3 tuổi.

7h hàng ngày, cô Nhung có mặt tại trường để đón trẻ, mùa hè phải đến từ 6h30 và chỉ ra về khi đã trả hết trẻ. "Có hôm đợi đến hơn 6h mà có cháu chưa ai đón, tôi phải đưa về nhà, cho ăn tối xong phụ huynh mới tới", cô Nhung kể.

Khi trẻ ngủ trưa, cô và đồng nghiệp thường tranh thủ dọn dẹp lớp, làm và sửa lại đồ chơi. "8 tiếng đi làm chỉ là lý thuyết, ngày làm việc của tôi kéo dài 12 tiếng và gần như không có lúc nào ngơi tay", cô Nhung nói. Ở lớp mầm non, việc trẻ nghịch bẩn, chưa biết gọi giáo viên khi đi vệ sinh xảy ra thường xuyên. Trẻ nhỏ cũng không tránh khỏi có lúc bị trầy xước tay chân, nhưng có phụ huynh không trao đổi mà chụp ảnh đưa lên mạng. "Chưa biết đúng sai thế nào, một khi hình ảnh lên mạng là chúng tôi, nhà trường đều bị ảnh hưởng", cô Nhung nói, nhìn nhận làm giáo viên mầm non ngày càng áp lực hơn.

Đồng lương hàng tháng cũng khiến nữ giáo viên trăn trở. Đóng bảo hiểm xã hội năm 2001 nhưng tới 2012, cô Nhung mới vào biên chế. Khi đó, thu nhập mỗi tháng của cô hơn 4 triệu đồng. Sau 10 năm, với hệ số lương 3,26 cùng phụ cấp, cô Nhung nhận khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng.

Chồng không có công việc ổn định vì bị tật ở chân, gia đình cô Nhung chật vật lo cho hai con gái học đại học ở Hà Nội. "Học phí cho cháu đã hết nửa thu nhập hàng tháng, chưa kể tiền ăn, thuê nhà. Tôi chỉ giữ lại 1,5 triệu đồng để hai vợ chồng chi tiêu. Cũng may hai cháu đều đi làm thêm để đỡ đần bố mẹ", cô Nhung nói. Để có thêm "đồng ra đồng vào", nữ giáo viên xin làm ở một nhà máy mỹ nghệ, cách nhà khoảng 7 km, vào cuối tuần và dịp nghỉ hè với tiền công 150.000 - 180.000 đồng một ngày.

Hồi tháng 6/2021, tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện nghỉ hưu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng giáo viên mầm non phải được coi là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, bởi họ không chỉ dạy mà còn dỗ, múa, hát, áp lực công việc lớn. Cơ quan này đề xuất bổ sung giáo viên mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc, được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định.

Trả lời VnExpress bên hành lang Quốc hội hôm 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói thu nhập bình quân của giáo viên mầm non sau 5 năm đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã gồm phụ cấp và thâm niên. Với giáo viên mới, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng trong 2-3 năm đầu. Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt thì lương sau 5 năm có thể đạt 6 triệu đồng, "nhưng số lượng không nhiều".

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập trung bình tháng của những người làm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (năm 2020) là 7,05 triệu đồng, nhưng đã tính gộp cả cán bộ và giảng viên đại học.

Cô Thanh, 33 tuổi, giáo viên mầm non ở Hải Dương, bỏ việc đầu năm nay cho biết sau 10 năm công tác, cô nhận được khoảng 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Từ cuối năm ngoái, khi ở nhà vì Covid-19, cô bán quần áo, đồ gia dụng qua mạng, thu nhập hàng tháng nhiều khi gấp đôi tiền lương.

"Lúc đó, tôi bắt đầu suy nghĩ. Nghề thì yêu thật, nhưng tôi còn hai con đang ăn học", cô Thanh chia sẻ.

Cô Thanh là một trong 16.000 giáo viên bỏ việc của cả nước từ đầu năm đến nay, trong đó giáo viên mầm non bỏ nhiều nhất: 6.391 người, chiếm khoảng 40%. Trong khi, theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 48.000 giáo viên mầm non, chiếm hơn một nửa tống số giáo viên còn thiếu ở tất cả các cấp học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định nguyên nhân chủ yếu khiến giáo viên bỏ việc là lương "quá thấp", trong khi công việc nhiều. Các giáo viên mầm non, tiểu học phải đến trường từ rất sớm để đón học sinh, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Một ngày làm việc của những thầy cô này thường rất dài, người ở xa trường có khi từ 6h sáng đến 6h tối. "Giáo viên không thể yên bình trong cái nghèo", ông Sơn nói.

Vất vả, lương thấp cũng là nguyên nhân khiến ngành Giáo dục mầm non chật vật tuyển sinh, theo nhận định của TS Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.

Cả nước hiện có 60 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, trong đó có 23 trường cao đẳng sư phạm, 18 trường cao đẳng cộng đồng, còn lại là các đại học. Trong giai đoạn 2019-2022, mỗi năm tổng chỉ tiêu ngành này khoảng 15.000, nhưng thường chỉ tuyển được một nửa, có trường dưới 10% sinh viên trúng tuyển nhập học.

Năm 2019, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang tuyển 72 sinh viên nhưng 7 người nhập học (tương đương 9,72%). Tương tự, chỉ tiêu năm 2020 của Cao đẳng Sư phạm Nam Định là 416, số nhập học 34 người; Cao đẳng Sư phạm Thái Bình tuyển 600 sinh viên năm 2020, nhập học 57 người.

Đặc biệt với Đại học Hải Phòng, chỉ tiêu ngành Giáo dục Mầm non năm 2020 và 2021 lần lượt là 150 và 50, nhưng không sinh viên nào nhập học. Tình trạng này cũng tương tự với Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, Bến Tre, Bình Phước, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Sơn La.

"Để thu hút sinh viên thì phải cho các em thấy ngành này có thị trường việc làm lớn, thu nhập hấp dẫn. Chứ giờ bức tranh giáo viên mầm non vất vả, lương thấp thì khó tuyển sinh là đương nhiên", ông Thăng nói.

Đây cũng là trăn trở của Thu Phương, 18 tuổi, tân sinh viên ngành Giáo dục Mầm non, trường Đại học Nông Lâm TP HCM, phân hiệu Ninh Thuận. Nữ sinh nói vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, em chọn ngành này để được miễn học phí. Nữ sinh cũng thấy mình mến trẻ, "có thể chơi hàng giờ với trẻ con mà không chán". Dù biết thu nhập giáo viên không cao, nhưng tuần trước, Phương sốc khi tình cờ đọc các bình luận về thu nhập của giáo viên mầm non trên một diễn đàn trực tuyến với hơn 100.000 thành viên.

"Có những giáo viên công tác 10-20 năm nhưng mỗi tháng cả lương và phụ cấp chỉ khoảng 6-8 triệu đồng. Nếu em nói không nản lòng là nói dối", Phương chia sẻ.

Theo một số hiệu trưởng, ngành Giáo dục mầm non khó tuyển sinh còn có nguyên nhân từ yêu cầu nâng chuẩn. Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) yêu cầu giáo viên mầm non phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, trong khi trước đây chỉ yêu cầu trình độ trung cấp, học hai năm. "Học cao đẳng mất ba năm, nhiều em sẽ cố thêm một năm nữa để lấy tấm bằng đại học, hoặc học ngành khác, thu nhập hấp dẫn hơn", lãnh đạo một trường đào tạo sư phạm nhận định.

Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 116 về hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm nhằm thu hút người học. Các em được nhà nước hỗ trợ tiền học phí và 3,63 triệu đồng một tháng chi phí sinh hoạt trong thời gian học. Các tỉnh căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với trường đào tạo giáo viên. Những sinh viên theo diện này sẽ được địa phương chi trả học phí và phụ cấp. Các em không phải bồi hoàn nếu làm trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp, không bị ràng buộc về địa điểm làm việc. "Điều đó có nghĩa là tỉnh bỏ tiền đầu tư cho sinh viên, nhưng lại không có quyền đảm bảo em đó về địa phương làm việc. Đây là lý do các tỉnh dè dặt trong việc đặt hàng, dù thiếu người", vị này nói.

TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Đại học Phú Yên, cho biết năm nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 30 chỉ tiêu ngành Giáo dục Mầm non, trình độ đại học. Trường có thể đào tạo 100 sinh viên ngành này bậc cao đẳng, nhưng không có chỉ tiêu do "các địa phương không có nhu cầu". Nhiều trường sư phạm khác cũng gặp tình trạng này.

Báo cáo hội nghị công tác tuyển sinh và đào tạo giáo viên cao đẳng, đại học hồi tháng 9 cho thấy gần 40 địa phương chưa đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm, dù nhiều tỉnh trong số này kêu thiếu giáo viên.

CG2A5953-1644811197-7803-1669367037.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EdDY7_7I7cbdW31uB4J0Eg

Giáo viên mầm non 19/5 (quận 1, TP HCM) đón trẻ trở lại trường sau 9 tháng ở nhà vì Covid-19, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Hôm 11/11, Quốc hội thông qua việc tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng một tháng cho công chức, viên chức từ 1/7/2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã soạn dự thảo Tờ trình Chính phủ, đề xuất mức phụ cấp ưu đãi 100% với giáo viên mầm non làm việc tại xã khu vực III (đặc biệt khó khăn) thuộc các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; còn lại hưởng 70% - gấp đôi mức 50 và 35% hiện hành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ đề xuất sửa Nghị định 116, kiến nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non, trình Chính phủ cho phép các địa phương tuyển dụng, hợp đồng với giáo viên đủ điều kiện nhưng chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 rồi đào tạo để nâng chuẩn theo quy định.

Thông tin này khiến Thu Phương và bạn bè trong lớp thêm một tia hy vọng. Nữ sinh "chỉ mong" sống được bằng nghề và "chuyên tâm gắn bó với nghề".

Còn với giáo viên đã 20 năm theo nghề như cô Nhung, trong 7-8 năm còn lại để đủ tuổi hưu, cô dùng từ "bám trụ". Cô giáo mầm non nói ở tuổi 50, mình không còn nhiều lựa chọn. "Khu công nghiệp không thuê người có tuổi làm lâu dài, thời vụ thì lúc có lúc không", cô Nhung nói, nhẩm tính mình nhận khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng sau khi về hưu.

"Đã vất vả cả một đời với nghề này, tôi không muốn con gái giống mình", cô Nhung nói, cho biết định hướng cả hai con theo nghề khác khi thi đại học.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022