Vòng chung kết khu vực miền Nam diễn ra trong hai ngày 27-28/7. Vòng loại bảng gồm 5 lượt, tìm ra 4 đội đạt điểm cao nhất trong bảng Tiếng Việt và Tiếng Anh tham gia đấu loại trực tiếp. Hai đội đạt điểm cao nhất ở mỗi bảng tiếp tục đi vào chung kết.

Chung kết khu vực diễn ra vào chiều ngày 28/7. Bảng Tiếng Việt, hai đội Khọt Khọt và GDC Làm giàu không khó bàn về kiến nghị: "Chúng tôi phản đối sự phát triển của công nghệ CRISPR và các công nghệ chỉnh sửa gene tương tự áp dụng vào phôi thai của con người".

Tại bảng Tiếng Anh, Freedom Flowers tranh tài cùng Colon về kiến nghị: "This House believes that, in Vietnam, the primary & secondary education from public schools should be free" (tạm dịch: Chúng tôi tin rằng, tại Việt Nam, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở từ các trường công lập nên miễn phí).

z3603536861069-7b79e15a7805cf6-8558-2159-1659088299.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=83U55INqeDeXzT8mBqf_UA

Hai đội quán quân (từ trái sang) Freedom Flowers và Khọt Khọt. Ảnh: Hoàng Khải

Kết quả, Khọt Khọt vô địch ở bảng Tiếng Việt với số phiếu tuyệt đối (9 phiếu). Bảng Tiếng Anh, Freedom Flowers nhận 5 phiếu bình chọn, giành chiến thắng bước vào chung kết toàn quốc. Hai đội còn lại ở mỗi bảng nhận giải á quân.

Giải "Người nói xuất sắc nhất" trao cho Lê Nguyệt Minh, (bảng Tiếng Việt), Hoàng Phạm Gia Long Anthony (bảng Tiếng Anh). "Người nói tốt nhất Chung kết" là Tăng Anh Hạo (bảng Tiếng Việt), Đỗ Quỳnh Anh (bảng Tiếng Anh). Cuộc thi cũng trao giải "Giám khảo xuất sắc nhất" cho Nguyễn Hùng Thắng.

dsc03716-jpg-1659087866-1374-1659088300.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jrQXTYgMmAJwF56VLZTw2w

Hoàng Phạm Gia Long Anthony (giữa) và Lê Nguyệt Minh (phải) nhận giải "Người nói xuất sắc nhất". Ảnh: Hoàng Khải

Nói về giải thưởng, Trần Khang Thịnh (trưởng nhóm Freedom Flowers) cho biết vị trí quán quân vượt xa kỳ vọng của đội. Cuộc thi mang đến nhiều niềm vui, những lần tranh cãi thậm chí bất đồng đều là kỷ niệm đáng nhớ. Các thành viên cũng áp lực khi gặp đối thủ nhiều kinh nghiệm, khó khăn trong tìm luận điểm phản biện. Nhưng nhờ vậy, sau cuộc thi, thay vì nói: "tôi đúng, bạn sai", các thành viên sẽ nói: "luận điểm bạn đưa ra tuy đúng nhưng không quan trọng bằng chúng tôi trong bối cảnh hiện tại".

"Chúng em hình thành tư duy logic, suy nghĩ phản biện. Thay vì nhìn nhận sự việc một chiều thì nay suy xét hai chiều, thậm chí nhiều chiều", Thịnh nói thêm.

z3603536973759-fcc5cd26a52b072-2032-2074-1659088300.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=w5yvI5WT3XrXU32GndpHig

Đội Freedom Flowers thảo luận khi nhận kiến nghị chung kết. Ảnh: Hoàng Khải

Vũ Trọng Nghĩa (đại diện Khọt Khọt) cho biết cả đội rất vui và bất ngờ. Ấn tượng nhất với cả đội là một trận thua ở vòng bảng. Sau đó, các thành viên cùng nhau phân tích, rút kinh nghiệm, nhờ vậy có thể làm tốt hơn ở những trận sau.

"Cuộc thi giúp chúng em có nhiều trải nghiệm mới, rèn luyện tư duy phản biện, chắt lọc thông tin, phát triển kỹ năng cho tương lai. Về chung kết toàn quốc sắp tới, chúng em sẽ chuẩn bị tâm lý thoải mái để có kết quả tốt nhất", Nghĩa nói.

Đánh giá chất lượng cuộc thi, ông Đỗ Hoàng Long - Cố vấn chuyên môn The Debate Challenge 2022 nhận xét thí sinh năm nay tham gia trại hè nên có sự chuẩn bị khá tốt cho các trận đấu. Hầu hết thành viên đều mang tinh thần học hỏi, lắng nghe nhận xét từ giám khảo, tích cực đặt câu hỏi và phát biểu ý kiến. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy các bạn học sinh dần vượt qua trở ngại tâm lý trong các cuộc thi, tự tin hơn.

"Sau các vòng đấu, tôi thấy thí sinh có sự trưởng thành khá rõ rệt, thể hiện ở thái độ lẫn tư duy phản biện. Bước vào cuộc thi tranh biện, điều đầu tiên là các bạn dành thời gian lắng nghe người khác, thực hành việc lắng nghe giúp các bạn biết cách giao tiếp tốt hơn. Thứ hai, cuộc thi mang tính chất học thuật nên giúp các bạn tìm hiểu về nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. Hành trang này giúp góc nhìn về thế giới tổng quan, đa chiều hơn", chuyên gia nói.

img-0080-jpg-1659088274-5338-1659088300.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=P-Y6EAdwv5pcsOwvO8wSwA

Ông Đỗ Hoàng Long - Cố vấn chuyên môn The Debate Challenge 2022. Ảnh: Thảo Nguyên

Đồng tình với ban chuyên môn, bà Phạm Nguyễn Thu Ngân - đại diện Swinburne Việt Nam cơ sở TP HCM cho biết trại hè năm nay giúp học sinh phát triển kỹ năng mềm, chuẩn bị tốt hơn cho cuộc thi. Tuần lễ đào tạo còn giúp thí sinh gắn kết, có nhiều kỷ niệm đẹp, thay vì chỉ xoay quanh những trận đấu.

Bà Ngân cho biết, cuộc thi diễn ra ở TP HCM vào cuối tháng 7 nhưng đơn vị đã chuẩn bị từ đầu năm, đến từng trường trao đổi với học sinh. Một khó khăn là giải đấu khá sát kỳ thi THPT quốc gia, ban tổ chức đã phải kéo dài thời gian nhận bài thi, thêm hình thức bài đăng ký. Một số đội thi đến từ tỉnh, thành ngoài TP HCM được hỗ trợ nơi nghỉ ngơi miễn phí khi tham gia trại hè, tạo điều kiện tốt nhất cho các trận đấu.

Trước vòng chung kết miền Nam, cuộc thi tổ chức Trại hè tranh biện Hà Nội vào ngày 11-17/7. Tương tự tại TP HCM, tham gia trại hè là 32 đội thi đã vượt qua vòng loại ở cả hai bảng Tiếng Anh và Tiếng Việt. Sau hai ngày thi đấu 16-17/7, ban giám khảo tìm ra hai đội quán quân và á quân bảng tiếng Anh là ImpovELITE và Infeno. Quán quân và á quân bảng tiếng Việt lần lượt thuộc về là ADT sợ BP và Trốn tìm.

Vòng chung kết diễn ra vào ngày 22/8 tại Hà Nội. Ở mỗi bảng đấu (Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt) hai đội giành điểm cao nhất sẽ thi đấu, tính điểm theo luật WSDC để xác định vị trí nhất, nhì toàn quốc.

Minh Tú

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022