Theo Đề án này, ngay sau khi hoàn thành 4 năm học, các sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân Y khoa. Nếu sinh viên có nhu cầu học lên thì sẽ phân thành 2 hướng: Hệ hành nghề khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý và Hệ nghiên cứu do Bộ GD&ĐT¬¬ quản lý. Những người không muốn học tiếp có thể trực tiếp tham gia thị trường lao động.
Đối với những người lựa chọn hướng hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải học thêm 2 năm để được cấp bằng Bác sỹ Y khoa. Tuy nhiên, những người được cấp bằng này vẫn chưa được hành nghề mà cần phải trải qua thêm 1 năm tiền hành nghề thực hành tại các bệnh viện. Sau khi kết thúc một năm thực hành tại bệnh viện, những người này phải trải qua một kỳ thi cấp quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi đa khoa. Những người được cấp chứng chỉ mới được bắt đầu hành nghề.
Chia sẻ với báo chí về đề án này, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Ngành y phải học tới 6 năm, lâu và rất vất vả, các sinh viên đỗ ngành này là những em giỏi, nhưng khi ra trường cũng chỉ là tốt nghiệp đại học như các ngành học 4 năm khác, hưởng cùng mức lương. Điều này rất thiệt thòi cho các em.
Bày tỏ về những thắc mắc xung quanh việc ngành Y rút thời gian đào tạo xuống còn 4 năm, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho hay: Sự thực là Đại học Y vẫn đào tạo hệ 6 năm chứ không phải 4 năm như một số ý kiến trong dư luận, thậm chí nhà trường đang muốn đề xuất lên đào tạo thêm thời gian để có được một bác sĩ chuyên khoa “cứng” về tay nghề qua những năm đào tạo. “Đối với một bác sĩ chuyên khoa sâu phải đào tạo lên tới 11 năm, chương trình đào tạo cơ bản là 6 năm, sau đó đào tạo chuyên khoa là 3 năm và 3 năm còn lại là đối với các bác sĩ nghiên cứu chuyên khoa”.
Theo thống nhất của các trường Đại học Y, điểm mới trong việc đổi mới mô hình đào tạo lần này đó chính là tách khoảng thời gian đào tạo trong 4 năm đầu. Nghĩa là các sinh viên học xong 4 năm sẽ được cấp bằng cử nhân Y khoa, mục đích chính là tạo sự công bằng cho bậc lương khởi điểm so với các ngành khác chứ không phải là Đại học Y đào tạo bác sĩ chỉ có…4 năm. Và với điểm này, có thể nhận thấy rằng chỉ cần một bác sĩ khi học xong 6 năm, được cấp thẻ hành nghề sẽ tương đương với ngạch lương của thạc sĩ đối với các ngành khác.
Ông Hinh cũng cho biết thêm, trong mô hình đào tạo mới thay vì các bác sĩ sau khi ra trường sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn thì sau 6 năm các bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ có thời hạn với mục đích để các bác sĩ phải luôn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu phát triển thực tế của toàn xã hội.
Do vậy, để trở thành bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ y khoa sẽ phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm 2-3 năm chuyên khoa sau đó thi cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi chuyên khoa. Tiếp đó, để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu, phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm từ 2 năm trở lên và thi cấp chứng chỉ hành nghề một lần nữa. Đối với những người lựa chọn hướng nghiên cứu do Bộ GD&ĐT quản lý thì phân thành 2 giai đoạn: Thạc sĩ đào tạo 2 năm và Nghiên cứu sinh đào tạo 3-4 năm để lấy bằng tiến sĩ. Tham chiếu đối với khung trình độ quốc gia thì các cử nhân Y khoa tương đương với khung trình độ bậc 6. Các bác sĩ Y khoa tương đương khung trình độ bậc 7 còn các bác sĩ chuyên khoa tương đương khung trình độ bậc 8.
Hiện Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đang nghiên cứu thiết kế chương trình mới, điều chỉnh khung trình độ của ngành y để phù hợp hơn, đảm bảo quyền lợi người học theo chỉ đạo của Chính phủ.
Phương Linh