Phạm Tuấn Hiệp, 37 tuổi, là chuyên viên Cơ học vật liệu, thuộc Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF). Anh phụ trách tính toán về sức bền Cơ học vật liệu của các mối hàn, tư vấn và hỗ trợ trực tiếp đơn vị khai thác và sản xuất điện hạt nhân về mảng này. Hiệp cũng quản lý các thầu phụ về đo lường và tính toán Cơ nhiệt; thiết lập, bổ sung và bảo vệ các hồ sơ an toàn của EDF trước Ủy ban an toàn hạt nhân quốc gia Pháp (ASN).
Ngoài ra, Hiệp là Tổng thư ký của Hiệp hội Điện và Năng lượng người Việt Nam tại Pháp. Anh tham gia tổ chức hội thảo, đón các chuyên gia từ Việt Nam để liên kết hợp tác, đào tạo, tư vấn cho chính phủ về chuyển dịch năng lượng.
Trước đó, Hiệp là thành viên CEA (Ủy ban Năng lượng Hạt nhân và Năng lượng tái tạo Pháp), chuyên về phát triển vật liệu mới cho thanh nhiên liệu hạt nhân.
"Tôi tự hào vì mình vẫn kiên định với lựa chọn trong chuyên môn khi đặt chân đến Pháp năm 2008, tự hào về những cộng đồng Việt - Pháp mà tôi cùng những người bạn mơ lớn, làm việc tốt từ những điều nhỏ", Hiệp chia sẻ.
Phạm Tuấn Hiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hiệp là cựu học sinh trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Say mê Vật lý từ nhỏ, đến lớp 12, anh đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, rồi giành huy chương đồng Olympic Vật lý quốc tế năm 2006.
"Với nhiều người, Vật lý là môn khó và khô khan, nhưng với tôi nó tương đối trực quan và gần với cảm nhận của con người. Tôi muốn tìm cách giải thích các hiện tượng vật lý và ảnh hưởng của chúng", anh Hiệp nói.
Hiệp sau đó được tuyển thẳng vào lớp Cử nhân tài năng của trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thành tích nổi bật mở ra nhiều cánh cửa cho chàng tân sinh viên lúc ấy: học bổng chính phủ đi Đức, học bổng toàn phần của Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore...
Với tư vấn của GS Vật lý Đàm Trung Đồn, anh Hiệp quyết định chọn con đường có phần "trúc trắc" hơn: thi vào Đại học Bách khoa Paris - trường kỹ thuật quân sự số 1 của Pháp, do Napoleon sáng lập năm 1794.
"Đó là một quyết định không dễ dàng. Nhưng tôi vẫn chọn vì muốn được tới một nước có nền kỹ thuật phát triển, ngoài khuôn khổ châu Á", Hiệp chia sẻ.
Trải qua 4 bài thi viết và nói về Toán và Vật lý, Hiệp giành học bổng cho 4 năm học của Chính phủ Pháp. Anh lên đường tới một trường đào tạo cán bộ thuyền viên để học tiếng trong 4 tháng, trước khi vào học chính thức, năm 2008.
Dù có thành tích học "đáng gờm" thời phổ thông, vốn kiến thức sẵn có và 4 tháng học tiếng không đủ để Hiệp thoát khỏi cảm giác bị ngợp trong thời gian đầu.
Với kỳ thi đầu vào khắc nghiệt bậc nhất nước Pháp, tuyển chọn chỉ 500 sinh viên mỗi khóa, Đại học Bách khoa Paris là nơi tụ hội những sinh viên tài năng. Ngoài các môn khoa học cơ bản rất nặng, trường còn dạy những môn hoàn toàn mới lạ với Hiệp, như Triết học cổ điển. Anh nhìn nhận bản thân "lúc nào cũng thấy khó".
"Cách duy nhất để vượt qua là làm việc nhiều thêm và tự tin vào bản thân", Hiệp tự nhủ.
Ngoài giờ lên lớp, học hỏi từ các giáo sư và bạn bè, Hiệp dành phần lớn buổi tối để tự học trong thư viện. Trong những kỳ nghỉ dài, anh tới ở cùng một gia đình người bản xứ, tranh thủ cơ hội cải thiện tiếng Pháp.
Sau một thời gian, Hiệp bắt kịp về chuyên môn và hòa mình vào môi trường sống trong ký túc xá với các bạn. Anh có những kỷ niệm đẹp, như lần được mặc quân phục pháo binh của trường, duyệt binh trước Tổng thống Pháp trên đại lộ Champs Elysées nhân kỷ niệm ngày kết thúc thế chiến 1.
Sau ba năm đại học, Hiệp học song song thạc sĩ ngành kỹ sư và khoa học vật liệu tại trường Cầu đường Pháp. Trải qua một năm học, Hiệp tốt nghiệp thủ khoa lớp thạc sĩ và nhận giải thưởng "Sinh viên xuất sắc" hệ khoa học kỹ thuật do Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp trao.
Vợ chồng Hiệp cùng ông bà Bourion - những người đỡ đầu anh ngày mới vào trường Bách khoa Paris. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vì đã hình dung rõ mục tiêu tiếp tục học tiến sĩ để trau dồi chuyên môn và làm quen với ngành công nghiệp Pháp, Hiệp xin vào nghiên cứu trong một dự án về vật lý chất rắn với EDF. Nhưng đây cũng là lúc những khó khăn trở nên rõ nét nhất.
Khác với thời đại học có lộ trình được định sẵn, Hiệp nhận ra mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn việc tiếp tục hay ngưng làm nghiên cứu tiến sĩ. Chứng kiến những người bạn có việc làm ngay trong khi bản thân còn chật vật với đề tài nghiên cứu chưa ra kết quả, có những lúc, Hiệp muốn từ bỏ để tìm định hướng tốt hơn về tài chính.
Rồi anh tự nhủ đó chỉ là vấn đề của sự lựa chọn và đánh đổi. "Mỗi lần gặp khó khăn, mình đều dặn lòng: đó là con đường mình đã chọn, và đã chọn thì làm đến cùng", Hiệp nói. Tinh thần đó giúp Hiệp hoàn thành luận án tiến sĩ sau ba năm.
Năm 2016, giữa áp lực phải gấp rút tìm định hướng mới sau tốt nghiệp, Hiệp nhận được lời mời từ CEA và gắn bó suốt 7 năm.
Dự án quốc tế lớn đầu tiên và đáng nhớ nhất của Hiệp ở Na Uy - nơi anh làm kỹ sư nghiên cứu về vật liệu cho thanh nhiên liệu hạt nhân. Hiệp là cầu nối giữa đội ngũ nghiên cứu tại Pháp và ở lò phản ứng thí nghiệm của Na Uy trong 9 tháng. Khi dự án kết thúc, anh quay về Pháp làm quản lý cho dự án phát triển vật liệu mới cho thanh nhiên liệu hạt nhân dưới điều kiện nhiễm xạ.
Được phát triển vật liệu mới trong môi trường quốc tế và cách nhìn đa dạng về hạt nhân, Hiệp trưởng thành nhiều về chuyên môn. Anh còn học được thêm về xử lý khủng hoảng, cách thuyết phục và thương lượng với các bên trong dự án.
Giai đoạn 2021-2022, gần một nửa trong tổng số 58 nhà máy điện hạt nhân Pháp phải tạm dừng hoạt động vì các đường ống phụ trợ xuất hiện vết nứt, gây lo ngại về an toàn. Hiệp chọn quay trở lại EDF vào cuối năm 2023, vừa để góp phần đưa các nhà máy hạt nhân trở lại quỹ đạo, vừa để bước khỏi vùng an toàn sau thời gian dài làm nghiên cứu.
Hiệp (thứ hai từ trái sang) và đồng nghiệp CEA trong buổi thăm nhà máy điện hạt nhân Belleville, Pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau 16 năm rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm tại Pháp, Hiệp ấp ủ dự định quay về làm việc tại Việt Nam, trong bối cảnh dự án điện hạt nhân được tái khởi động năm 2025. Theo Hiệp, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam và cũng là cơ hội cho mình cống hiến.
"Đây là lúc đóng góp của mình có ích nhiều nhất với yêu cầu trong nước", Hiệp nhìn nhận.
Tại Pháp, Hiệp đã tham gia lãnh đạo nhiều dự án cùng Hiệp hội Điện và Năng lượng người Việt Nam (AEEE), trong đó tư vấn và tổ chức hội thảo khoa học cùng Viện Năng lượng Bộ Công thương (2021), Đại học Bách khoa Hà Nội (2022)...
Anh Trần Duy Châu, chủ tịch AEEE, đồng nghiệp của Hiệp tại EDF, nhận xét anh là người năng động, có tinh thần trách nhiệm cao.
"Hiệp chan hòa, làm việc nhiệt huyết nên trong chuyên môn và hoạt động cộng đồng đều có khả năng quy tụ và truyền cảm hứng đến đồng nghiệp và bạn bè", Châu chia sẻ.
Khi Việt Nam ngày càng có nhiều dự án kỹ thuật lớn, Hiệp bày tỏ niềm tin về những đóng góp của hội đoàn người Việt Nam tại Pháp mà anh tham gia. Anh cũng tin rằng những xu thế hiện nay của ngành năng lượng của thế giới, như chuyển dịch năng lượng để đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải ròng, là cơ hội lớn cho các bạn trẻ theo đuổi các ngành liên quan như cơ học, xây dựng, hệ thống điện, dữ liệu... Điều quan trọng là sinh viên được học bài bản tại các trường kỹ thuật lớn và liên tục trau dồi kiến thức liên quan xu thế về năng lượng.
Nhìn lại con đường đã đi, Hiệp cho rằng yếu tố quan trọng hơn cả sự quyết tâm là khả năng tự học. Điều này giúp con người tiến xa và bền vững, dù phải chuyển sang môi trường mới, dù con đường có rõ ràng hay không.
"Khi mình dừng tự học tức là mình ngừng phát triển", Hiệp nói.
Khánh Linh