Thầy Bảo là cựu Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Đây là vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Cả trường có 17 giáo viên và 498 học sinh.
Hồi đầu năm học, thầy Bảo được điều chuyển sang trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà. Trước khi đi, thầy đã hoàn thành bờ kè ở mặt trước khu bán trú để tránh học sinh ngã xuống vách. Các thầy cô đổ thêm đất, dùng đá hộc, lưới thép B40 và xi măng để gia cố, sau đó làm hàng rào rồi trồng hoa. Bờ kè dài hơn 60 m, được tài trợ khoảng 79 triệu đồng.
"Số còn thiếu, khoảng 180 triệu đồng là tiền túi. Mình làm vì cái tâm với học sinh, muốn các em được an toàn hơn", thầy Bảo nói.
Trước đó, đường đến trường đã được tô điểm bằng hàng hoa giấy hai bên, dài hơn 150 m, cùng với những bụi hoa chuối và thiên điểu màu sắc rực rỡ. Quanh trường, thầy Bảo cho lắp xích đu, đu dây, cầu trượt và khu vận động làm từ lốp xe cũ. Xen kẽ là các chòi học tập, để học sinh nghỉ ngơi hoặc đọc sách khi giải lao.
"Đây là thành tựu đáng tự hào của tôi vì đã đem lại không gian học tập đầy đủ cho các em học sinh vùng cao", thầy chia sẻ.
Thầy Bảo nói đã bắt tay để cải tạo trường từ khi nhận công tác ở Tiểu học Nậm Manh hơn 10 năm trước. "Không gian trường học đẹp giúp thu hút trẻ đến lớp, học sinh thoải mái", thầy lý giải.
Sau khi tham khảo các không gian sân trường trên mạng, thầy tự vẽ lại trên giấy, chọn vật liệu và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện ở vùng núi.
Để thực thi, thầy tìm cách tận dụng các nguyên vật liệu tại địa phương hoặc có thể tái chế. Chẳng hạn, thầy và giáo viên xin người dân quanh trường các loại cây hoa, hay thu thập hạt giống từ những lần đi công tác ở xã, huyện khác. Cũng có lần, thầy Bảo đi hơn 130 km đến thành phố Lai Châu để xin lốp xe, số còn thiếu lại sang mua ở Điện Biên với giá 30.000-50.000 đồng một chiếc.
Khâu nào khó như xây và hàn xì, thầy Bảo thuê thợ, còn mình và giáo viên xách vữa, làm sắt, thép hỗ trợ thêm. Cứ sau giờ học, thầy lại tranh thủ làm. Còn cầu trượt, xích đu..., hay một số khoản chi khác, trường vận động các nhà hảo tâm tài trợ.
"Vì không có nhiều kinh phí, tôi cứ nhặt nhạnh, mỗi thứ một chút rồi đem về trường", thầy Bảo nói.
Song song cải thiện cảnh quan, thầy Bảo lên mạng xin tài trợ thiết bị như TV, máy chiếu, thực phẩm hỗ trợ bữa bán trú, làm hệ thống dẫn nước cho trường và người dân. Tất cả 18 phòng học của trường được trang bị máy tính, máy chiếu nối mạng từ 2-3 năm trước. Các bữa cơm của học sinh dùng khay inox, có đủ cơm, rau, thịt.
Thầy Phạm Quốc Bảo, cựu Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Được ở trong môi trường sạch, có cảnh đẹp, em Hồ Thị Su, học sinh lớp 4, nói chỉ mong đến trường học. "Con rất thích các trò chơi xích đu, cầu trượt mà thầy Bảo làm. Con muốn ở trường hơn ở nhà", Su nói.
Theo cô Trần Thu Hiền, giáo viên hơn 15 năm tại đây, trường có sự thay đổi rõ rệt từ khi thầy Bảo phụ trách. Cô kể thầy sửa sang từng chi tiết nhỏ ở vòi nước, khu bếp hay nhà vệ sinh của học sinh. Không ít lần, thầy tự bỏ tiền túi để làm.
Vì xin được nhiều thiết bị dạy học hiện đại, thầy Bảo cũng khiến phụ huynh tin tưởng, học trò thích thú. Từ đó, tỷ lệ học sinh đi học tăng so với trước.
"Nhiều em không muốn về nhà, hứng thú khi đến trường vì được ở sạch sẽ, ăn ngon. Có em ở trường 3, 4 tuần mới về một lần", cô Hiền cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, xác nhận thầy Bảo quan tâm cải tạo môi trường học tập, vui chơi cho học sinh nhiều năm qua. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyên cần của trường trên 97%.
"Ở các trường vùng khó khăn, việc duy trì tỷ lệ đến lớp được như thế này là rất cao", bà Thủy đánh giá.
Thầy Bảo hiện bắt tay cải tạo ngôi trường mới. "Mình chỉ mong học sinh vùng cao sẽ được học ở môi trường tốt", thầy nói.
Khu xích đu "triệu view" ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh. Video: Nhân vật cung cấp
Doãn Hùng