Với du học sinh, thành thạo ngoại ngữ trong công việc và cuộc sống là một trong những mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người sau khi về nước vẫn không thể sử dụng ngoại ngữ hiệu quả như kỳ vọng.

Từ trải nghiệm của mình, Bùi Minh Đức, 29 tuổi, Hà Nội, du học sinh bậc thạc sĩ tại Đại học Clark theo học bổng toàn phần Fulbright của chính phủ Mỹ chỉ ra ba nguyên nhân chính.

Không bước ra khỏi vùng an toàn ngôn ngữ

Nhiều người tưởng rằng khi du học, bạn phải nói tiếng Anh 100%. Đây là quan điểm không thực sự chính xác, nhất là khi bạn học tại các thành phố có nhiều người Việt.

Ở thành phố Worcester, bang Massachusetts (Mỹ) - nơi tôi đang theo học thạc sĩ, người Việt rất đông nên không khó để tìm được một siêu thị, nhà hàng do người Việt làm chủ. Với tâm lý nương vào nhau mà sống, nhiều du học sinh sang nước ngoài vẫn chọn thuê nhà của người Việt, thường xuyên đi các siêu thị Việt Nam và chủ yếu kết bạn, giao lưu với du học sinh Việt. Điều này chỉ tốt khi bạn có thể cân bằng thời gian sử dụng tiếng Việt - tiếng Anh hợp lý hoặc tự tin về vốn tiếng Anh của mình.

Tôi đã trải qua những ngày nói tiếng Việt 100% dù ở nước ngoài: Ở nhà nói chuyện với chủ, lên trường, thư viện chỉ gặp sinh viên, đều là người Việt. Những giao tiếp khác khi đi siêu thị, sử dụng phương tiện công cộng rất hạn chế.

Nhiều du học sinh tập trung học hay làm thêm, không có thời gian để tham gia câu lạc bộ, hoạt động ở trường, các cuộc thi, những cơ hội tốt để bạn trò chuyện nhiều và đưa ngôn ngữ vào các tình huống cuộc sống cụ thể. Nếu bạn không chủ động tìm cơ hội để trò chuyện nhiều hơn với người bản xứ, khả năng cao việc du học không giúp bạn bước ra khỏi vùng an toàn mà chỉ mở rộng vùng an toàn của mình, ít nhất trong khía cạnh ngôn ngữ.

-7431-1665188685.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qgcTnyH56OqFBl3aR7f2Xg

Minh Đức khi còn ở Việt Nam, năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Rụt rè, không dám phát biểu trong lớp học

Trong các lớp cử nhân hay thạc sĩ, dễ nhận thấy sinh viên châu Á thường là nhóm ngại chia sẻ phát biểu hơn. Lớp thạc sĩ của tôi có 20 sinh viên nhưng chỉ ba người châu Á, còn lại là người Mỹ và châu Âu. Tôi quan sát thấy nhóm sinh viên Mỹ thường tích cực nêu ra quan điểm, chia sẻ và phản biện trong giờ giảng. Lớp của tôi có thể không đại diện cho sinh viên châu Á và sinh viên Việt Nam nói riêng tại Mỹ, nhưng đây là vấn đề thường được nhắc tới trong cách học của học sinh châu Á.

Có nhiều lý do để du học sinh ngại chia sẻ: rào cản ngôn ngữ; không hiểu ngữ cảnh giảng viên đang nói; giảng viên không để ý đến nhịp độ, nói quá nhanh hoặc sử dụng nhiều từ khó; hoặc đơn giản là ngại phát biểu sai.

Lớp học là môi trường lý tưởng để bạn trau dồi khả năng nói tiếng Anh. Khi bị đặt trong các tình huống học thuật, bạn phải làm hai việc cùng lúc: tư duy và phản hồi kịp thời. Sinh viên Việt Nam thường tự tin với đọc và viết nên không gặp khó khi làm bài luận. Ngược lại, thuyết trình, tranh biện, phát biểu... sẽ trở thành nỗi sợ nếu bạn không tương tác trong lớp nhiều hơn.

Giảng viên đại học của tôi chia sẻ để có thể tự tin nói trong lớp học, bạn cần ba điều: đọc bài trước và nắm chắc kiến thức; sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, nói chậm và từ tốn, không nhất thiết phải bắt chước tốc độ nói hay ngôn ngữ phức tạp như sinh viên bản địa; gạch dàn bài ngắn gọn cho những điều mình định nói. Một khi đã nói đúng và đủ ý, bạn sẽ tự tin hơn để làm chủ phần phát biểu.

Nghĩ rằng du học là tiếng Anh đã đủ tốt

Không ít du học sinh cho rằng du học và hiểu những điều giảng viên nói đồng nghĩa với việc tiếng Anh đủ tốt. Những ngày đầu mới sang Mỹ, tôi rất ngượng ngùng khi vài người bạn sửa phát âm của mình ở những từ đơn giản nhất như "girl" (con gái), "woods" (cánh rừng)... Đây đều là những từ quen thuộc nhưng phát âm đúng không hề dễ.

Không phải cứ thả người học trong một môi trường tiếng Anh thì khả năng ngoại ngữ sẽ tăng lên. Nếu bạn không thực sự chú tâm vào việc thay đổi và cải thiện bản thân, khả năng cao sau vài năm du học, bạn vẫn gặp phải những lỗi tương tự như khi mới sang nước ngoài.

Bùi Minh Đức

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022