Trước quyết định Bộ GD&ĐT tạm hoãn các kỳ thi IELTS tại Việt Nam, TS Hoàng Nhật Bách, giảng viên một trường đại học về ngoại ngữ ở Hà Nội cho rằng, động thái này của Bộ chưa nghĩ đến quyền lợi của người học, nặng về thủ tục hành chính.
"Giả sử, Bộ GD&ĐT phát hiện tiêu cực, bắt tại trận thì hoàn toàn có thể ra quyết định yêu cầu dừng thi và xử lý đơn vị tổ chức thi, không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên, việc sai phạm, lùm xùm tố gian lận mua bán đề thi IELTS gần đây là ý kiến từ dư luận, Bộ GD&ĐT chưa công bố thông tin xử phạt hay phát hiện vụ việc nào. Không nên vì tin đồn mà dừng thi toàn bộ, ảnh hưởng nhiều học sinh, sinh viên", TS Bách nói và nêu quan điểm không ủng hộ cách xử lý của Bộ.
Bộ GD&ĐT và các đơn vị đột ngột dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. (Ảnh minh hoạ: N.N)
Lấy ví dụ ở Hàn Quốc năm 2015 từng xảy ra tình trạng mua bán đề thi IELTS. Ngay khi có thông tin tố cáo, Bộ Giáo dục nước này lập tức yêu cầu dừng kỳ thi với gần 500 thí sinh và rà soát lại toàn bộ thông tin.
Sau 5 ngày có kết quả xác minh và điều tra, Bộ Giáo dục mới cho phép tổ chức lại bằng đề thi mới, dưới sự giám sát của các cán bộ, giáo viên Bộ cử tới. Như vậy, có thể thấy việc xử lý khủng hoảng gian lận thi cử khá nhẹ nhàng và hiệu quả, không ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Theo TS Hoàng Nhật Bách, Bộ GD&ĐT siết tổ chức thi cử là đúng nhưng liệu rằng việc này có giải quyết triệt để gian lận thi IELTS. Lấy ví dụ về kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, lực lượng thanh tra dày đặc, vài chục nghìn giảng viên đại học được huy động về các tỉnh thành phối hợp ngăn gian lận, nhưng rồi, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng này.
Trước ý kiến, đột ngột dừng thi IELTS là vô cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thí sinh, nhất là những em chuẩn bị đi du học trong tháng 11, 12, vị giảng viên này cho rằng, nếu các đơn vị nhanh chóng hoàn thiện thủ tục theo quy định và Bộ GD&ĐT sớm phê duyệt tổ chức thi lại trong vòng 5 -10 ngày sẽ không ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng, trong trường hợp việc này kéo dài 1 tháng trở lên thì "đúng là vô cảm với học sinh".
Ông đề xuất, các đơn vị như Hội đồng Anh, IDP... rất coi trọng uy tín trong tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Do đó, Bộ GD&ĐT có thể gửi văn bản cảnh cáo, đề nghị làm nghiêm túc hoặc công bố thông tin những vụ việc gian lận lên mặt báo... khi uy tín bị giảm sút, chứng chỉ giảm chất lượng, chắc chắn thi cử tự động được siết chặt lại.
"Quyết định của Bộ GD&ĐT có phần vội vã, chưa đặt quyền lợi của người học lên hàng đầu. Nhiều học sinh, sinh viên đang có ý định du học thời gian cuối năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng."
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) ủng hộ Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11 siết việc thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam. Bởi, việc thi chứng chỉ này thời gian qua nở rộ. Bên cạnh kết quả tích cực cũng tồn tại nhiều hạn chế, lùm xùm, kiện tụng về tính minh bạch, gian lận và mua bán chứng chỉ.
Hiện, nhiều đơn vị đứng ra tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thi IELTS, phong trào luyện thi IELTS được ví như “cơn sốt”, nhiều trung tâm luyện thi đưa ra quảng cáo chào mời luyện thi IELTS… Việc rà soát này là điều hết sức cần thiết, đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh.
Bộ GD&ĐT cần đánh giá những tác động của các chương trình đào tạo này tại Việt Nam. Và cũng phải đánh giá động cơ, tính chất, bản chất hoạt động của từng chương trình nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có IELTS.
Tuy nhiên bà Sửu cho rằng, quyết định của Bộ GD&ĐT có phần vội vã, chưa đặt quyền lợi của người học lên hàng đầu. Nhiều học sinh, sinh viên đang có ý định du học thời gian cuối năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng.
"Nếu khéo léo, Bộ GD&ĐT có thể đánh công văn sang đơn vị Hội đồng Anh, IDP để đề nghị đánh giá và siết lại việc thi cử, ngăn không cho tình trạng lùm xùm mua bán đề, gian lận... Vừa không ảnh hưởng thí sinh, vừa ‘cảnh cáo’ được các đơn vị tổ chức thiếu minh bạch", đại biểu Thừa Thiên Huế nói.
Ngày 10/11, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hoạt động tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thời gian qua phát triển mạnh về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Tuy nhiên, tổ chức thi còn triển khai tràn lan với nhiều loại chứng chỉ, ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.
“Việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở nước ta chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam như cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát..., dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước phản ánh như thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....” , Thứ trưởng nói.