Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học, từ nay đến ngày 11/6.
Theo đó, Bộ đề xuất tăng số lớp học tối đa ở mỗi trường. Chẳng hạn, trường mầm non được có nhiều nhất 30 lớp học, thay vì 20 lớp như hiện nay. Tương tự, ở cấp tiểu học, mỗi trường có thể có 40 lớp, tăng 10 lớp. Còn ở bậc THPT, số lớp tối đa là 50, tăng 5.
Riêng bậc THCS, quy mô lớp học không thay đổi. Số lớp tối thiểu ở mỗi nhóm trường cũng được giữ nguyên. Cụ thể như sau:
Trường | Số lớp tối thiểu | Số lớp tối đa |
Mầm non | 9 |
- Mức mới: 30 - Mức cũ: 20 |
Tiểu học | 10 |
- Mức mới: 40 - Mức cũ: 30 |
THCS | 8 | 45 (giữ nguyên) |
THPT | 15 |
- Mức mới: 50 - Mức cũ: 45 |
Phổ thông có nhiều cấp học | 9 |
- Mức mới: 50 (trường có hai cấp học); 75 (trường có ba cấp học) - Mức cũ: 45 |
Về diện tích trường, Bộ đề xuất mỗi học sinh được tối thiểu 6-12 m2, tùy cấp học. So với quy định cũ, yêu cầu về diện tích tối thiểu trên học sinh ở đô thị loại III trở lên (trung tâm cấp tỉnh) giảm, chỉ còn 6-8 m2, thay vì 8-10 m2.
Những đề xuất này, nếu được thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn cho một số trường học ở khu vực trung tâm, thiếu chỗ học. Chẳng hạn ở Hà Nội, năm nay, nhiều trường nội thành phải giảm chỉ tiêu lớp 10 vì quy định chỉ cho phép tổ chức tối đa 45 lớp học (sĩ số 45 học sinh/lớp). Cuối năm học trước, lãnh đạo ngành giáo dục thủ đô từng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cơ chế đặc thù để nâng số lớp từ 45 lên 50 ở các trường THPT, nhằm đáp ứng chỗ học lớp 10 công lập.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi nhiều quy định về phòng học, trang thiết bị, cơ sở vật chất ở các cấp học.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội, ngày 22/8/2022. Ảnh: Giang Huy
Bình Minh