Vừa qua, trên MXH Threads đã nảy lên một cuộc tranh cãi lớn xoay quanh chủ đề tiền lương của du học sinh hoặc sinh viên có xuất phát điểm từ các ngôi trường quốc tế với học phí đắt đỏ. Cụ thể, một tài khoản khẳng định: "Đi du học Anh, về Việt Nam lương khởi điểm 8 triệu đồng thì xin sống chết ở lại bên này làm thuê cho rồi. Đi du học xong về lương không bằng mọi người học ở Việt Nam thì đúng là đốt tiền của ba mẹ".
Những chia sẻ trên nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng, cũng từ đây hàng loạt những tranh luận đã diễn ra dưới phần bình luận. Đa số đều đến từ các du học sinh, người lao động từ nước ngoài và cả sinh viên trong nước. Điều mà ai cũng quan tâm chính là việc có nên hạ giá trị bản thân mình xuống để chạy theo thị trường lao động.
Lương 8 triệu đồng có thực sự phù hợp với năng lực của một du học sinh?
Học phí tính tiền tỷ đổi lại mức lương khởi điểm 8 triệu đồng?
Máu chốt của tranh cãi nằm ở việc tiền lương và sự đầu tư học hành trở nên khập khiễng hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình trước quan điểm này bởi việc sang nước ngoài du học vốn dĩ đã nhận được nền tảng kiến thức lớn, cùng với sự đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên môn với khoản phí tổng cộng khá đắt đỏ.
"Biết giá trị của mình ở đâu thì mới deal được lương với công ty. Mình không hoàn toàn nhận định du học sinh sẽ là lương cao khi về Việt Nam. Nhưng phải nhìn nhận việc gia đình đã cố gắng để mình có điều kiện tốt hơn mà trở về Việt Nam với lương vài triệu thì là một sự lãng phí cho khoản đầu tư của bố mẹ", một tài khoản bày tỏ.
Nhiều người còn nhận định mức lương 8 triệu sẽ rất khó sống tại các thành phố lớn.
Nhiều người cũng nhận định với mức lương 8 triệu mỗi tháng thì khó có thể chi trả các sinh hoạt phí tại các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội. Mặc dù vậy, vấn đề lớn cho cuộc tranh luận này vẫn thuộc về việc sinh viên cảm thấy mình đánh mất giá trị và sự cố gắng khi phải đi làm ở một công ty, doanh nghiệp có mức lương như vậy.
Du học sinh có thật sự sẽ được lương cao?
Cũng là một du học sinh trở về từ nước ngoài, một tài khoản lại có quan điểm khá trái ngược: "Du học hay không cũng không quá quan trọng, mà quan trọng là tư duy và sự cầu tiến. Cứ kiểu như người 'trên mây' mà mặc định có lương cao mà không chịu tư duy thì còn xa so với các bạn ở Việt Nam học. Hồi mới về nước đi làm mình nhận lương 4 triệu rưỡi còn mừng không tả được. Nói chung, mới ra trường thì đừng quá quan tâm mức lương, gặp được người sếp và đồng nghiệp tốt dạy mình kĩ năng là quá may mắn rồi".
Ngoài ý kiến trên, cũng có nhiều bình luận bày tỏ sự phản đối cho tâm lý này của nhiều sinh viên bởi lẽ ai cũng cần có sự bắt đầu, việc có được mức lương mong đợi vẫn phụ thuộc vào việc bản thân sẽ mang lại giá trị, kết quả như thế nào cho doanh nghiệp, hơn là việc đã bỏ ra bao nhiêu tiền để đi du học.
Nhu cầu du học của sinh viên Việt Nam ngày càng tăng cao trong thời gian gần đây
Du học là cơ hội để tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nguồn tri thức mới và môi trường khác biệt để từ đó phát triển bản thân. Chúng đòi hỏi sự vận động lớn từ bên trong mỗi cá nhân, hơn là một profile xịn với "cái mác" du học sinh. Chính vì vậy, cần xác định được mục tiêu của bản thân ở hiện tại và tương lai, hiểu mình mới chính là "bàn đạp" vững chắc cho câu chuyện về lương.
Du học và mức lương là hai vấn đề tách biệt
Nhìn về thực tế chung hiện nay, lượng sinh viên Việt Nam du học nước ngoài đã lên đến khoảng 3,6%. Nguyên nhân chính xuất phát từ cơ hội và những hứa hẹn "vô hình" về tương lai tốt hơn cho người theo học. Chính điều này đã thôi thúc nhiều phụ huynh, học sinh hướng đến việc sang nước ngoài học tập hoặc lựa chọn một ngôi trường quốc tế tại Việt Nam.
Tất nhiên, số tiền để chi trả tại các thành phố lớn hay những ngôi trường này không phải khoản nhỏ, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, sinh viên còn phải thật sự cố gắng tại trường để theo đuổi kịp tiến độ khi ngôn ngữ chính không còn là tiếng "mẹ đẻ" hay chấp nhận rơi vào cảnh lạc lõng nơi "đất khách quê người"...
Sự đầu tư lớn cho cuộc sống tại nước ngoài khiến sự đòi hỏi về thu nhập cũng vì thế tăng cao
Chính những sự đánh đổi này khiến sự đòi hỏi của sinh viên về mức thu nhập cũng tăng cao khi trở về hoặc làm việc tại Việt Nam. Điều này hoàn toàn không sai, tuy nhiên mỗi cá nhân cũng cần tự nhìn nhận lại bản thân với lượng kiến thức, những đóng góp, hay đơn giản là sự phù hợp giữa mình với doanh nghiệp bởi lẽ con người sẽ tiến bộ mỗi ngày và mức lương chắc chắn cũng có sự thay đổi theo tư duy.