Kiến nghị trên được đưa ra trong báo cáo về tình hình dạy học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (tính đến 16/2), trước thực trạng mỗi nơi khoanh vùng F1 một kiểu khiến nhiều giáo viên, học sinh phải chuyển sang dạy và học trực tuyến nhiều ngày rồi mới quay lại học trực tiếp.

Theo quy định mới nhất, F0 dừng cách ly sau 10 ngày xét nghiệm hai lần âm tính, F1 đã tiêm đủ hai mũi vaccine được tái hòa nhập sau bảy ngày nhưng đều cần tiếp tục theo dõi sức khỏe.

Điều kiện để F1 được cách ly tại nhà là tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19, có thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine, do cơ quan có thẩm quyền cấp; liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá sáu tháng. Tất cả F1 phải xét nghiệm hai lần bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên (lần một khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần hai vào ngày thứ bảy).

Tại hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức hôm 16/2, TS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho hay học sinh F1 được ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Nếu đã tiêm đủ liều vaccine, các em ở nhà không quá bảy ngày, xét nghiệm vào ngày thứ bảy, nếu kết quả âm tính, được đi học trở lại.

Nếu chưa được tiêm, phải theo dõi tại nhà không quá 14 ngày, chú ý kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ bảy và 13. "Về thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ Giáo dục. Có thể, chúng tôi điều chỉnh thời gian theo dõi tại nhà xuống còn bảy ngày cho tất cả học sinh F1, dù đã tiêm vaccine hay chưa", TS Dương Chí Nam nói thêm.

Ngoài đề nghị rút gọn thời gian cách ly và số lần xét nghiệm, Bộ Giáo dục cũng kiến nghị Bộ Y tế cho ý kiến chuyên môn về phòng chống dịch đối với trẻ em chưa được tiêm vaccine; ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp, hướng dẫn tổ chức bán trú; test thường xuyên/định kỳ, cụ thể đối tượng nào cần test.

Tại cuộc họp sáng 17/2 giữa Thủ tướng Vũ Đức Đam với 63 tỉnh, thành nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Y tế cũng như Sở Giáo dục không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp.

"Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0", ông Sơn nêu rõ. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng có thể cho trẻ học bán trú để giảm bớt phiền hà cho phụ huynh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn xét nghiệm trong trường học, theo dõi sức khoẻ trẻ em mắc bệnh nền hoặc có vấn đề về sức khoẻ, thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em là F1.

hoc-sinh-1645069893-4770-1645069910.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gk0h9ixuU_3JGoe4TIMr-A

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đan Phượng (Hà Nội) trong ngày đầu đến trường hôm 10/2. Ảnh: Dương Tâm

Báo cáo của Bộ Giáo dục cho biết trong đợt bùng phát dịch thứ tư (từ 27/4/2021 đến nay), toàn ngành ghi nhận gần 163.000 cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19; riêng học sinh, sinh viên là hơn 135.000.

Sau kỳ nghỉ Tết, khi hầu hết tỉnh, thành tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm tăng mạnh như Hải Phòng, Hà Tĩnh... Số ca nhiễm tăng cao khiến nhiều trường phải chuyển sang dạy học kết hợp hai hình thức.

Hiện các địa phương cũng có quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô học trực tiếp. Có nơi đã triển khai đồng loạt, nơi lại thận trọng thí điểm, thăm dò. Tính đến 16/2, có chín tỉnh, thành chưa cho trẻ mầm non đến trường gồm Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, An Giang, Tiền Giang. Sáu địa phương chưa cho tiểu học đi học gồm Hậu Giang, An Giang, Đà Nẵng, Tiền Giang, Hưng Yên (chỉ tổ chức khối 1), Vĩnh Long (chỉ tổ chức khối 5, 6).

Nhiều trường học còn lúng túng khi xử lý học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trực tiếp. Có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng đến trường khi phát hiện F0 trong một lớp học.

"Một số địa phương còn yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đến trường, phần kinh phí do phụ huynh chi trả, gây ra những phản ứng không cần thiết. Việc tổ chức bán trú và học hai buổi cũng rất khác nhau giữa các địa phương", báo cáo nêu.

Các địa phương ghi nhận nhiều phụ huynh chưa yên tâm cho trẻ trở lại trường, đặc biệt với cấp mầm non và tiểu học, dẫn đến tỷ lệ đi học thấp. Tại TP HCM, ngày 14/2, chỉ 66,3% trẻ mầm non đến trường. Hải Phòng ngày 15/2 ghi nhận 11,7% trẻ mầm non tới lớp.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022