Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thành lập vào ngày 27/10/1976. Đây là trường đại học khối ngành kinh tế, quản lý đầu tiên tại Việt Nam, ra đời với nhiệm vụ đào tạo cán bộ nghiên cứu, quản lý, giảng dạy cho khối ngành kinh tế đáp ứng nhu cầu cấp bách của miền Nam sau khi thống nhất đất nước.
Theo danh sách top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, UEH là trường có nhiều tỷ phú tự thân nhất Việt Nam với tổng cộng 11 người nằm trong top. Hầu hết trong số 11 tỷ phú này nằm trong đội ngũ sáng lập của Thế giới Di động và DigiWorld. Tiêu biểu nhất là ông Nguyễn Đức Tài - đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động. Được biết, ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tài chính – Kế toán.
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng là "cái nôi" của nhiều doanh nhân thành đạt khác như ông Trần Huy Thanh Tùng (thành viên hội đồng quản trị Thế giới Di động), Trần Mộng Hùng (Nhà sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu), Đoàn Hồng Việt (Chủ tịch Digiworld). Trong ảnh là ông Đoàn Hồng Việt.
Ngày 4/10/2023, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Kinh tế TP.HCM chính thức trở thành một trong 7 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hoạt động theo mô hình "đại học đa ngành, đa lĩnh vực". Nối tiếp Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM chính thức bỏ chữ "trường" ra khỏi tên gọi của mình, đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ sau 48 năm thành lập và phát triển.
Đại học Kinh tế TP.HCM có tổng cộng 10 cơ sở đào tạo cùng 2 ký túc xá phân bố tại các khu vực trung tâm tại TP.HCM. Cơ sở chính của trường nằm tại số 59C đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, tuỳ theo ngành, sinh viên thường học khoảng 3 cơ sở chính.
Vì nhiều cơ sở nên các sinh viên UEH thường phải trở thành "phượt thủ" bất đắc dĩ khi chạy khắp TP.HCM để đi học, tham gia các hoạt động câu lạc bộ, sự kiện của trường. Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh viên năm 2 ngành Quản trị kinh doanh) cho biết bản thân thường phải chạy từ cơ sở A (Quận 3) đến cơ sở N (Quận 8) cách hơn 10 km để học thể dục.
Năm 2023, tại trụ sở chính Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế TP.HCM tuyển sinh hơn 7600 chỉ tiêu cho 51 chương trình đào tạo. Xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn các ngành tại cơ sở TP HCM của trường khá cao, dao động từ 22,49 - 27,2. Trong đó, ngành Công nghệ Marketing có điểm chuẩn cao nhất với 27,2 điểm.
Đại học Kinh tế TP.HCM là trường đại học đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021, UEH là 1 trong 2 đại học công lập có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm, xếp sau Đại học Bách khoa Hà Nội.
Về chất lượng đào tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM tự tin là một trong những trường hàng đầu về kinh tế ở khu vực miền Nam. Không chỉ trong nước, UEH còn có nhiều thách tích quốc tế đáng kể như: Xếp thứ nhất trong số các trường thuộc lĩnh vực kinh tế, quản lý, kinh doanh và luật tại Việt Nam theo bảng xếp hạng Webometrics; thuộc top 301+ các Đại học tốt nhất Châu Á trên Bảng xếp hạng QS Asia 2024...
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở UEH khá cao, rơi vào khoảng 91,94% - 100%. Một số ngành đào tạo có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt ngưỡng tuyệt đối có thể kể đến như: Ngôn ngữ Anh, Kinh doanh thương mại, Thống kê kinh tế, Kỹ thuật phần mềm, Quản lý công..
Với chất lượng đào tạo cao, cơ sở vật chất hiện đại, dễ hiểu khi học phí của Đại học Kinh tế TP.HCM được đánh giá là "đắt xắt ra miếng" khi sinh viên hệ chuẩn cần chi trả khoảng 30-36 triệu đồng/năm học.
Cơ sở vật chất của UEH được đánh giá "đáng đồng tiền bát gạo" với trang thiết bị hiện đại, không gian rộng rãi, thoáng mát. Đặc biệt, với hệ thống điều hoà xịn sò được lắp đặt ở hầu hết các phòng học. Nguyễn Minh Hân (sinh viên năm 2 ngành Marketing) cho biết "nhiều lúc đi học mà cứ ngỡ như đi Sapa vì quá lạnh".