Ngày cuối tháng 4, trong giờ ra chơi, cô A Lăng Thị Điệp, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, gọi ba học sinh ra hành lang để cắt tóc.

Nữ giáo viên 26 tuổi thuần thục từng đường kéo và tông đơ, gần nửa tiếng thì hoàn thành. Sau đó, cô gỡ tấm vải che, dùng miếng mút lau sạch tóc dính trên cổ và áo của học trò. Học sinh chạy ù ra vòi nước rửa mặt và tay, rồi lại vào lớp học bài.

IMG-3261-2105-1713942022.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MCQEZNh7o_AcezQl6OJm-A

Cô A Lăng Thị Điệp dùng tông đơ cắt tóc cho sinh trong giờ ra chơi. Ảnh: Đắc Thành

Cô Điệp quê ở huyện Tây Giang, về trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập từ năm 2023. Cô là người có thâm niên ít nhất trong bảy giáo viên nữ ở điểm trường chính.

Vừa đi dạy, cô Điệp liền nhận thấy nhiều học sinh bất tiện vì để tóc dài, trong khi trời nắng nóng. Điệp nhớ lại ngày còn nhỏ, vì cuộc sống ở vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bố mẹ thường đi nương rẫy tối mịt mới về tới nhà. Cô thường được các thầy cô cắt tóc giúp.

Vì thế, cô Điệp bỏ ra 250.000 đồng mua tông đơ, kéo và một tấm vải với ý định cắt tóc cho học sinh. Mỗi lần đi cắt tóc cho mình, cô giáo trẻ tỉ mỉ quan sát người thợ để bắt chước.

"Lúc đầu nhiều em không chịu, sợ cô cắt xấu. Tôi phải mua bánh kẹo dụ dỗ", cô Điệp kể. Dần dần, học sinh chủ động nhờ cô, hiện cả lớp 32 em đều do cô giáo chủ nhiệm đảm nhiệm việc cắt tóc.

IMG-3275-1833-1713942022.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3Pg_Ue9kS8dMt_OXVaFiRg

Cô Nguyễn Thị Thu Ba cắt tóc cho một nữ sinh. Ảnh: Đắc Thành

Cắt tóc cho học trò cũng là công việc quen thuộc của cô giáo Nguyễn Thị Thu Ba, đồng nghiệp của cô Điệp. Cô Ba ở huyện miền núi Nam Trà My hơn 14 năm thì đã có khoảng 10 năm cắt tóc cho học trò.

"Trước đây cắt tóc bằng kéo nhưng nay có tông đơ nên cắt nhanh hơn", nữ giáo viên 35 tuổi, cho hay.

Trước khi cắt, cô Ba sẽ ngắm nghía xem cắt kiểu nào cho đẹp. Cô cũng hỏi sở thích của các em để đáp ứng nếu có thể. Với các nam sinh, cô dùng tông đơ ủi nhanh, rồi lấy kéo tỉa cho gọn gàng. Với các học sinh nữ, nữ giáo viên chủ yếu bấm phía sau và cắt mái. Nhiều học sinh có chấy ở trên đầu nên cô thường rẽ tóc để tìm bắt. Do đó, thời gian cắt tóc sẽ lâu hơn.

"Tôi chỉ cắt đơn giản, tay nghề tuy không bằng các thợ ở tiệm nhưng rất hài lòng vì học sinh có đầu tóc gọn gàng", cô nói.

Em Nguyễn Thị Diễm Châu, lớp 5, thích thú vì thường được cô giáo giúp cắt tóc mỗi khi dài. "Cô cắt tóc đẹp, dễ thương. Nhiều bạn cũng rất thích", em chia sẻ.

Theo hai giáo viên, việc cắt tóc cho học sinh được phụ huynh đồng tình. Nhiều mẹ còn đến nhờ cô Ba cắt giúp.

co-giao-vung-cao-cat-toc-cho-hoc-sinh-1713940538.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Q-cmPTFyHELl5_aID3BVZw
Cô giáo vùng cao cắt tóc cho học sinh

Giáo viên cắt tóc và bắt chấy cho học sinh. Video: Đắc Thành

Nam Trà My là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Nam, địa hình phức tạp, hầu hết là đồi núi, đất dốc. Hơn 97% người dân ở đây thuộc dân tộc thiểu số, phần lớn là người Ca Dong, Xê Đăng.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập ở cách trung tâm huyện chừng 5 km. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Hiệu phó, cho biết trường có một điểm chính và 10 điểm lẻ, với gần 460 học sinh. Trong đó, hơn 330 em ở bán trú, đa số là con hộ nghèo.

Vì thế nhiều năm qua, các giáo viên trong trường ngoài dạy học còn chăm lo cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ. Ngoài cô Ba và cô Điệp, các giáo viên khác ở trường đều thạo việc cắt tóc cho học trò.

Đắc Thành

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022