Ngày 29/4, thông tin từ Hội Vật lý Việt Nam cho biết: Tham dự Olympic Vật lý Bắc Âu - Baltic (NBPhO) năm 2024, cả 5 học sinh Việt Nam đều xuất sắc đoạt giải, trong đó có 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng và 2 giải Khuyến khích.

Cả 5 học sinh đều đến từ Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam gồm: Nguyễn Ngọc Phương Anh (huy chương Vàng), Nguyễn Xuân Hoàng (huy chương Bạc), Lưu Quang Minh (huy chương Đồng), Đoàn Quang Tuấn (giải khuyến khích), Đỗ Hoàng Minh (giải khuyến khích).

Nguyễn Ngọc Phương Anh là học sinh đã đoạt huy chương Đồng Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế (IOAA) năm 2023.

Olympic Vật lý Bắc Âu - Baltic (Nordic-Baltic Physics Olympiad - NBPhO) là kỳ thi dành cho học sinh các nước khu vực Bắc Âu và Baltic cùng một số nước khách mời trên thế giới với số lượng khoảng 100 thí sinh.

Cuộc thi diễn ra vào khoảng cuối tháng 4 hàng năm, được tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ Tallinn, Estonia. Trưởng ban tổ chức của NBPhO là Giáo sư Jaan Kalda của Đại học TalTech, ông cũng là Chủ tịch của Olympic Vật lý Châu Âu (EuPhO).

photo-1-17143733843081981411105.jpg

Nguyễn Ngọc Phương Anh nhận huy chương Vàng cùng giấy khen từ Ban tổ chức.

Cuộc thi Olympic Vật lý Bắc Âu - Baltic lần thứ 22 năm 2024 diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28/4 với sự tham dự của 95 thí sinh đến từ 11 nước gồm: Estonia, Latvia, Lithuania, Thụy Điển, Phần Lan, Thụy Sỹ, Georgia, Serbia, Saudi Arabia, Kazakhstan và Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam có 5 học sinh dự thi đều đến từ trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trưởng đoàn là PGS.TS Nguyễn Cao Khang, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hội Vật lý Việt Nam là đơn vị lựa chọn, ôn tập cho đội tuyển và tổ chức đưa học sinh ra nước ngoài dự thi.

Theo thầy trưởng đoàn Nguyễn Cao Khang, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đề thi Olympic Vật lý Bắc Âu - Baltic (NBPhO) tương tự Olympic Vật lý châu Âu (EuPhO). Các câu hỏi thi gắn với các hiện tượng thực tế, các bài thí nghiệm ngắn gọn nhưng học sinh lại có rất nhiều cách để có thể tư duy, sáng tạo và biện luận cho phần trả lời.

Hàng năm, sau khi có thông báo chính thức của Ban tổ chức NBPhO, Hội Vật lý Việt Nam sẽ tuyển chọn đội gồm 4-5 học sinh. Sau khi được tuyển, đội sẽ có khoảng 1-2 tháng để ôn luyện với các thầy cô nhiều kinh nghiệm trong các kì thi cấp quốc tế và cấp châu lục. Thí sinh sẽ trải qua 2 ngày thi với mỗi bài thi trong 5 giờ đồng hồ.

Điểm đặc biệt của kỳ thi này là cả 2 ngày thi, thí sinh đều phải làm cả phần lý thuyết và phần thực hành. Điều này gây khó khăn cho công tác ra đề và chấm thi, tuy nhiên lại là một trải nghiệm vô cùng thú vị cho thí sinh. Tỉ lệ giải thưởng rất khắt khe theo đúng tỉ lệ và tiêu chuẩn của Olympic Vật lý quốc tế.

Việt Nam tham dự NBPhO lần đầu tiên vào năm 2021, cũng là năm cuộc thi được tổ chức online do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặc dù là năm đầu tiên tham dự, đoàn Việt Nam có 4/5 học sinh đạt giải, gồm 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng.

Năm 2022, Việt Nam tiếp tục cử 5 học sinh dự giải tại Estonia. Kết quả, có 4/5 học sinh tham gia đạt giải, gồm 2 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022