Cha mẹ lúc nào cũng yêu thương con cái vô điều kiện. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết khiến nhiều bậc phụ huynh mắc phải nhiều sai lầm trong việc chăm sóc con, vô tình gây hại cho trẻ, chẳng hạn như những điều được liệt kê dưới đây.
Cho trẻ chơi những môn thể thao không phù hợp
Chơi thể thao rất tốt cho trẻ em, nhưng một số môn thể thao có thể gây rủi ro cho trẻ. Các bác sỹ cảnh báo những môn thể thao có thể đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em là võ thuật tổng hợp, quyền anh, đấu vật, bóng bầu dục. khúc côn cầu trên băng. Trong những môn thể thao này, trẻ có thể bị đánh rất nhiều vào đầu và tổn thương não.
Một số hoạt động thể dục khác có tác động mạnh cũng có thể làm tổn thương cột sống và lưng. Việc trẻ chạy đường dài, tập luyện nâng tạ nặng hay làm hoạt náo viên với những pha tiếp đất mạnh có thể dẫn đến chấn thương và vẹo cột sống nghiêm trọng.
Một số môn thể thao có thể ảnh hưởng đến cột sống của trẻ.
Để con mặc sức dùng thiết bị điện tử
Việc giới hạn thời gian cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử rất quan trọng. Việc nhìn vào màn hình điện tử trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề về mắt như khô và đau mắt do giảm chớp mắt. Những đứa trẻ dành nhiều thời gian trước màn hình có thể bị cận thị vì không nhận đủ ánh sáng tự nhiên.
Một hậu quả khác của việc nhìn màn hình liên tục, kéo dài là trẻ khó tập trung vào các vật ở xa. Thói quen này cũng làm gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì thế, cha mẹ nên khuyến khích trẻ vui chơi ngoài trời để đảm bảo giấc ngủ ngon và thúc đẩy sự giao tiếp.
Trẻ lạm dụng thiết bị điện tử sẽ đối mặt nhiều vấn đề sức khỏe.
Để bảo vệ đôi mắt của trẻ, điều quan trọng là phải tạm dừng sử dụng thiết bị điện tử và tuân theo quy tắc 20-20-20-2. Nghĩa là cứ sau 20 phút, hãy để trẻ nhìn vào vật gì đó cách xa 20 feet (6m) trong 20 giây và chớp mắt 20 lần. Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ vui chơi ngoài trời ít nhất hai giờ mỗi ngày.
Cha mẹ nên để trẻ sử dụng thiết bị có màn hình lớn hơn và ở khoảng cách hợp lý, sẽ giúp giảm mỏi mắt so với màn hình nhỏ được đặt gần.
Luôn để trẻ chạy chân trần
Tình trạng bàn chân bẹt ở trẻ có thể do di truyền nhưng cũng có thể do trẻ em không mang giày, dép. Trẻ đi chân trần một thời gian dài có thể xuất hiện tình trạng bàn chân dẹt. Bệnh lý này nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp, khả năng vận động của bàn chân và gây ra những cơn đau nhức khó chịu.
Tuy nhiên, nếu phát hiện và chữa trị sớm trong “độ tuổi vàng”, trẻ sẽ nhanh phục hồi và không gặp nhiều hạn chế trong các hoạt động thường ngày.
Trẻ không mang giày dép gây tình trạng bàn chân dẹt.
Thường xuyên cho trẻ ra ngoài mà không chống nắng
Cha mẹ cần nhớ bảo vệ làn da của con dưới ánh nắng mặt trời. Các nghiên cứu cho thấy hầu hết các trường hợp mắc bệnh ung thư da phổ biến đều có liên quan đến ánh sáng mặt trời. Cha mẹ hãy dạy trẻ bảo vệ da bằng cách bôi kem chống nắng, mặc quần áo chống nắng và để trẻ ở trong bóng râm.
Trẻ từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi chỉ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt khi đi nghỉ dưỡng hay có sự kiện ngoài trời nên bạn có thể dễ dàng để bảo vệ bé. Còn đối với trẻ lớn, cha mẹ hãy nhắc sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài.
Hãy tìm loại kem chống nắng không có mùi thơm, chứa các khoáng chất như oxit kẽm và titan dioxide vì chúng ít gây dị ứng da hơn. Ngoài ra, cha mẹ cần che chắn cho trẻ bằng mũ, kính râm và mặc quần áo chống nắng có khả năng chống tia cực tím.
Bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời là điều rất cần thiết.
Dùng kem đánh răng không phù hợp với trẻ
Không nên cho trẻ dùng kem đánh răng người lớn vì lượng fluor nhiều gấp 3 lần kem đánh răng của trẻ em. Kem đánh răng nhiều fluor dễ gây nhiễm fluor, mài mòn răng của trẻ. Ngoài ra, phản ứng nuốt kem vào bụng của trẻ nhỏ có thể gây nôn, dị ứng.
Cha mẹ cũng không nên mua kem đánh răng có mùi vị quá thơm ngon, trẻ dễ nhầm là thức ăn. Vị kem chỉ nên vừa đủ để tạo mùi và tăng hứng thú đánh răng cho trẻ.
Cho trẻ sử dụng kem đánh răng đúng với lứa tuổi.
Làm sạch tai cho trẻ bằng tăm bông
Các chuyên gia khuyên không nên làm sạch tai bằng tăm bông. Ráy tai thực sự tốt cho đôi tai, nó như tấm màng lọc bụi bẩn, ngăn bụi bẩn đi sâu hơn vào tai.
Tai của chúng ta có khả năng tự làm sạch một cách tự nhiên nên bạn không cần phải làm ngoáy bằng tăm bông. Khi bạn nhai hoặc cử động hàm, hoặc khi da mới mọc lên bên trong tai, nó sẽ đẩy ráy tai cũ ra ngoài. Việc sử dụng tăm bông có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn và có thể làm tổn thương ống tai hoặc màng nhĩ.
Cha mẹ không nên dùng tăm bông lấy ráy tai cho trẻ.
Sự tích tụ ráy tai không xảy ra thường xuyên. Theo các chuyên gia, chỉ có 1/10 số trẻ em và 1/20 số người lớn gặp phải vấn đề này.
Nếu bạn bị đau, ngứa, hay có cảm giác ù tai, khó nghe hoặc có dịch tiết lạ, có thể đó là do bạn có quá nhiều ráy tai. Hãy đến gặp bác sỹ để được tư vấn và hướng dẫn cách xử lý.