Cha mẹ - với tư cách là người thầy đầu tiên, lời nói và hành động của họ sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành và phát triển của con cái. Chất lượng giáo dục gia đình chính là chìa khóa quan trọng quyết định một đứa trẻ lớn lên thành công hay thất bại. Vì cha mẹ là "gốc rễ" và con cái chính là "hoa trái".
Nếu hoa trái có vấn đề, chúng ta cũng cần phải xem xét lại cả phần gốc rễ. Vì "gốc rễ" vững chắc, thu được nhiều dưỡng chất sẽ cho ra những bông hoa thơm và trái ngọt, và ngược lại theo hướng tiêu cực cũng tương tự. Đôi khi chính những biểu hiện, thói quen thường ngày của cha mẹ tưởng chừng vô tình lại gây nên những hậu quả khó lường cho con trẻ.
Ảnh minh họa
Có một số bậc cha mẹ thường xuyên duy trì 3 thói quen xấu này sẽ khiến con trở nên tiêu cực, mà nguồn gốc của sự tiêu cực lại nằm ở bản thân cha mẹ. Theo các nghiên cứu, những đứa trẻ ngỗ nghịch được giáo dục trong gia đình mà cha mẹ chúng có những thói quen sau:
1. Cha mẹ có gương mặt giận dữ do thường xuyên nổi nóng, con cái sẽ trở nên hiếu chiến, khiêu khích
Không có đứa trẻ nào vừa mới sinh ra đã có thể ngỗ nghịch, lì lợm. Trong quá trình phát triển của trẻ, môi trường giáo dục gia đình như thế nào sẽ định hình tính cách của trẻ như thế ấy. Ví dụ, khi trẻ sinh ra trong một gia đình bạo lực, cha mẹ thường tranh cãi gay gắt, thường xuyên nóng tính và giáo dục con cái bằng la mắng, bạo lực, đứa trẻ khi lớn lên cũng sẽ có xu hướng bạo lực và hiếu chiến.
Tạp chí của Học viện Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên Mỹ (AACAP) đã công bố một nghiên cứu về giáo dục gia đình vào năm 2019. Bài nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát trong vòng 8 năm về tâm lý và hành vi của những đứa trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ (Gen Y) của nước Anh, kết quả cho thấy:
"Những đứa trẻ lớn lên dưới những phương thức giáo dục thô bạo như: đánh đập, quát mắng và nạt nộ có nhiều vấn đề về cảm xúc hơn. Trẻ không chỉ khó kiềm chế cảm xúc, dễ lo lắng, hồi hộp, sợ hãi, quấy khóc, bất an mà còn thiếu ý thức về chuẩn mực đạo đức xã hội, dễ nóng tính và khó gần.
Ảnh minh họa
Là người bạn thân nhất trên con đường trưởng thành của con cái, nếu cha mẹ mãi duy trì phương pháp giáo dục "thương cho roi cho vọt" lâu ngày, con cái vô tình trở thành nơi để cha mẹ trút bỏ cảm xúc tiêu cực, lâu ngày, họ sẽ trở thành "cơn thịnh nộ đáng sợ" của con mình, cuối cùng, cả cha mẹ và con cái đều sẽ trở thành "nô lệ" của cơn giận.
2. Cha mẹ thường xuyên cãi nhau, bất hòa, con cái sẽ tránh xa cha mẹ hoặc bị "lây nhiễm" từ cha mẹ
Giáo sư Li Meijin cho rằng: "Vấn đề của con cái bắt nguồn từ việc nuôi dạy của cha mẹ trong những năm đầu đời".
Giáo dục là một vấn đề vô cùng quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ. Khi một đứa trẻ có những ký ức không đẹp và luôn ám ảnh về quá khứ của mình, có lẽ nó bắt nguồn từ việc con trẻ có tuổi thơ không mấy hạnh phúc.
Có một câu chuyện như sau: Một bệnh nhân nọ đã có ý định tự tử nhiều lần, và thường xuyên phải nhờ đến sự hỗ trợ tư vấn tâm lý.
Nói đến lý do tự tử, bệnh nhân cho rằng nó xuất phát từ những chuyện vụn vặt, đôi khi chỉ vì bất hòa với bạn đời hoặc vì một vài tranh chấp, bệnh nhân này đã bốc đồng muốn bảo vệ nhân phẩm của mình bằng cách tự hủy hoại bản thân.
Tại sao mọi chuyện lại đi đến cực đoan như thế?
Sau khi tìm hiểu về hoàn cảnh và tuổi thơ của bệnh nhân, mới biết rằng cô ấy cũng sống trong cảnh gia đình cãi vã từ nhỏ, mẹ cô thường xuyên dùng cách tiêu cực là tự làm đau bản thân để dọa cha cô. Những cách xử lý thù địch và ép buộc đó trong các mối quan hệ của cha mẹ đã tạo nên những ấn tượng không tốt đẹp cho cuộc sống trưởng thành của cô.
Ảnh minh họa
Những đứa trẻ có tuổi thơ mà cha mẹ chỉ toàn thù địch, tranh cãi như vậy có xu hướng phát triển theo hai hướng khi chúng lớn lên: hoặc chúng ghét cha mẹ và cố tránh xa cha mẹ, hoặc chúng bị cuốn hút giống hình mẫu tiêu cực của cha mẹ và lây nhiễm những thói quen xấu đó khi chúng lớn lên.
3. Cha mẹ không tôn trọng con, con lớn lên không tôn trọng mọi người
Có nhiều bậc cha mẹ trong cuộc sống xem việc nuôi dạy con cái đồng nghĩa với việc "thuần hóa", nhằm cố gắng "huấn luyện" con cái trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn. Họ thường nghĩ rằng con cái phải hiểu những gì chúng cần hiểu, nhưng họ lại bỏ qua "độ nhận thức" của trẻ.
Cuộc sống là một quá trình đòi hỏi sự cải tiến liên tục. Mọi sự trưởng thành của trẻ luôn phải trải qua một quá trình dài, từ không hiểu đến hiểu.
Để con khôn lớn và phát triển bình thường, những bậc cha mẹ hãy áp dụng các phương pháp giáo dục khác nhau tùy theo các giai đoạn phát triển khác nhau của con cái, để thúc đẩy con cái phát triển đúng với độ tuổi của chúng.
Khi con học mẫu giáo thì cha mẹ nhẹ nhàng, khi con học tiểu học thì cha mẹ bắt đầu xây dựng quy tắc, khi con học trung học cơ sở, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên thì cha mẹ càng quan tâm đến con. thay đổi cách cư xử... Cho trẻ sống trong tình yêu thương, được cha mẹ tôn trọng, có quyền tự chủ quyết định, trẻ sẽ phát triển.
Chỉ một đứa trẻ được tôn trọng mới có thể nhìn thấy sức mạnh nội tại của chính nó và mọi người xung quanh, trở thành một phiên bản tốt hơn khi lớn lên.