Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội hôm 3/10 thống nhất chủ trương triển khai chính sách hỗ trợ tài chính với giảng viên trẻ vào đầu tháng 10. Cụ thể, nhóm được hưởng chính sách này là cán bộ các ngành khoa học cơ bản, dưới 40 tuổi và thời gian công tác chưa quá 5 năm. Hình thức hỗ trợ thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ để đảm bảo thu nhập tối thiểu 15 triệu đồng một tháng (180 triệu đồng/năm).
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tự chủ đại học, năm 2021 tỷ lệ giảng viên đại học thu nhập dưới 150 triệu đồng/năm là 46,3%, dưới 200 triệu là 69,66%. Như vậy, đa số giảng viên thu nhập 12,5-17 triệu đồng/tháng.
"Tiêu chuẩn giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội từ lâu đã là trình độ tiến sĩ nên thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng cũng không cao. Với các ngành hot, thu nhập bình quân tuyển dụng tiến sĩ cũng đã ở mức 20-30 triệu", đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Chính sách này được thí điểm triển khai với khoảng 100 cán bộ trường Đại học Khoa học Tự nhiên ngay trong năm học 2022-2023 nhằm đẩy mạnh chỉ số công bố quốc tế. Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết mức hỗ trợ bổ sung bình quân một người là 51 triệu đồng/năm, tương đương 4,25 triệu đồng/tháng. Kinh phí hỗ trợ được lấy từ ngân sách của đơn vị trực tiếp quản lý giảng viên. Nếu đơn vị thiếu kinh phí, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ cấp bù.
"Hiện nay, thu nhập cơ bản của cán bộ khoa học tại nhiều khoa, trường đại học thành viên ở mức trung bình, chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt, nhóm các nhà khoa học trẻ thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản thường có thu nhập thấp hơn so với mặt bằng chung, do đây là các ngành khó tuyển sinh và mức thu học phí thấp", Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về lý do thông qua chính sách hỗ trợ.
Một góc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU
Ngoài nhóm khoa học cơ bản, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng hỗ trợ giảng viên dưới 40 tuổi, học vị tiến sĩ trở lên, có khả năng nghiên cứu và cam kết hoàn thành chỉ tiêu khoa học công nghệ được giao. Chính sách này được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo đúng người, dựa trên sản phẩm và kết quả nghiên cứu khoa học, không cào bằng và chú trọng phát triển cán bộ trẻ xuất sắc.
Trong ba năm đầu về công tác, giảng viên được cấp một đề tài nghiên cứu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc hai đề tài cấp đơn vị. Kinh phí hai lựa chọn tương đương nhau.
Với các công bố quốc tế, bài báo khoa học chất lượng cao của giảng viên nhưng chưa được tài trợ đăng trên tạp chí uy tín thế giới, Đại học Quốc gia Hà Nội dự chi 50-100 triệu đồng/bài, tuỳ thuộc vào xếp hạng tạp chí, số lượng và mức độ đóng góp của giảng viên trong nghiên cứu.
Thanh Hằng