Có nhiều khái niệm mang tính học thuật về hành vi lệch chuẩn nhưng nói một cách nôm na, dễ hiểu thì: hành vi lệch chuẩn là các hành vi không phù hợp hoặc sai lệch với các quy định của pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục và chuẩn mực xã hội.
Liên tục thời gian gần đây ngày càng xuất hiện nhiều hành vi lệch chuẩn của người trẻ, đặc biệt là nhóm học sinh ở độ tuổi cấp 2, cấp 3 liên quan đến học tập, giao tiếp, sử dụng chất gây nghiện và trật tự xã hội.
Liên quan đến các hành vi lệch chuẩn của giới trẻ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phòng Nghiên cứu Trẻ em và Vị thành niên, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) đã thực hiện nghiên cứu "Thực trạng hành vi lệch chuẩn của học sinh Trung học phổ thông hiện nay". Nghiên cứu được thực hiện trên 600 học sinh tại 1 trường Trung học phổ thông (THPT) ở nông thôn và 1 trường THPT ở đô thị, thông qua điều tra bảng hỏi, phỏng vấn định tính, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Kết quả nghiên cứu đã được chia sẻ tại hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2023 về hôn nhân và gia đình, vừa được tổ chức ngày 7/12/2023 tại Hà Nội.
Những con số báo động
Báo cáo kết quả nghiên cứu "Thực trạng hành vi lệch chuẩn của học sinh THPT hiện nay" của Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho thấy, có 4 nhóm hành vi lệch chuẩn của học sinh THPT hiện nay gồm: hành vi lệch chuẩn trong học tập (trốn học, quay cóp, không hoàn thành bài); hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp (nói dối, vô lễ, nói tục chửi bậy); hành vi lệch chuẩn trong sử dụng các chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích); hành vi lệch chuẩn trong trật tự xã hội (đánh nhau - ẩu đả, xem văn hóa phẩm đổi trụy, vi phạm luật giao thông).
Nữ sinh đánh nhau. Ảnh minh họa
Kết quả nghiên cứu đã đưa ra được mức độ phổ biến của hành vi lệch chuẩn trong học sinh THPT rất cụ thể: có 65,6% học sinh có hành vi lệch chuẩn học tập (79,2% không làm bài, 77,7% quay bài, 39,8% trốn học); 65,2% học sinh có hành vi lệch chuẩn giao tiếp (88% nói tục, 79,3% từng nói dối, 28,3% vô lễ); 16,7% học học sinh có hành vi sử dụng chất gây nghiện (29% uống bia rượu, 15,7% hút thuốc, 5,3% dử dụng chất gây nghiện); 26.9% học sinh có hành vi lệch chuẩn trong trật tự xã hội (43,5 vi phạm luật giao thông, 18,7% đành nhau, 18,3% xem văn hóa phẩm đồi trụy).
Nhìn vào số liệu của nghiên cứu, mặc dù nhóm hành vi lệch chuẩn sử dụng chất gây nghiện và trật tự xã hội ít hơn nhiều so với hành vi lệch chuẩn trong học tập và trong giao tiếp nhưng mức độ nguy hiểm và hậu quả lại nặng nề hơn rất nhiều. Sở dĩ, đây là hai nhóm hành vi lệch chuẩn liên quan đến pháp luật và thực tế cũng cho thấy, khi các em "bập" vào sử dụng chất gây nghiện và vi phạm trật tự xã hội thì thường là những học sinh coi thường việc học tập, tu dưỡng đạo đức, ngổ ngáo ngoài xã hội.
Phản ứng bạo lực của cha mẹ sinh ra hành vi lệch chuẩn mới
Trong nghiên cứu của mình, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã dành sự quan tâm lớn đến sự ứng phó của gia đình và nhà trường với hành vi lệch chuẩn của học sinh THPT. Theo Thạc sĩ Hồng Hạnh, có 4 hình thức chủ yếu của gia đình và nhà trường với hành vi lệch chuẩn của học sinh THPT: Cách giải quyết phổ biến nhất đó là nhắc nhở, phân tích đúng sai; cách giải quyết phổ biến thứ hai là quát mắng; một bộ phận cha mẹ vẫn sửa dụng các biện pháp tiêu cực như chửi, đánh đòn, đuổi ra khỏi nhà; thứ tư là các hình thức mang tính cảnh cáo như viết bản kiểm điểm, dọa không cho đi học.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, các chất gây nghiện và tác hại của thuốc lá điện tử tại các trường Trung học cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội
Qua các cuộc phỏng vấn sâu nhân vật của Thạc sĩ Hồng Hạnh, có học sinh cho biết, mỗi lần phạm lỗi, bị cha mẹ chửi bới, xúc phạm, đánh đập hoặc đuổi ra khỏi nhà đã dẫn đến tình trạng một ngày, để phản ứng lại cách giải quyết của cha mẹ, các em đã thực hiện một hành vi lệch chuẩn mới đó là bỏ nhà đi bụi.
Hay như khi phát hiện ra trẻ hút thuốc, cha mẹ ngay lập tức đánh trẻ một trận nhớ đời. Tưởng trẻ sẽ sợ đòn mà dừng ngay hành vi lệch chuẩn này, tuy nhiên, trẻ vẫn tiếp tục hút thuốc và cha mẹ cũng không dừng việc trừng phạt trẻ bằng đòn roi. Tiếp nối phản ứng của trẻ đối với hành vi bạo lực của cha mẹ, đó là hút thuốc lá ở ngoài còn lúc ở nhà, em dùng thuốc lá điện tử để dễ giấu bố mẹ hơn!
Một học sinh khác cho biết, các hành vi lệch chuẩn của em bắt đầu từ những năm học cấp 2 và cha mẹ thường có thái độ bạo lực xen lẫn bỏ mặc em. "Sau đó, có một giai đoạn em dùng chất gây nghiện. Em dùng 24/7 và rồi mất cảm giác về thế giới xung quanh luôn. Ví dụ em đi từ nhà đến trường, từ trường về nhà mà không biết sao lại đi được đến nơi. Em dùng chất kích thích ngay cả khi em ở nhà và lúc đấy, em chơi như kiểu để quên đi mọi thứ xung quanh. Em chơi đến mức nó không còn cảm giác nữa", học sinh này cho hay.
Qua các câu chuyện thực tế của các học sinh có hành vi lệch chuẩn cho thấy, trước hành vi lệch chuẩn của con cái, những phản ứng bạo lực có tính lặp lại của cha mẹ dẫn đến việc trẻ hình thành hành vi lệch chuẩn mới và gia tăng hành vi lệch chuẩn cũ. Sự việc sẽ càng trở nên nghiêm trọng, nguy hiểm, khó lường khi phản ứng bạo lực của cha mẹ ở cấp độ cao hơn.
Kết luật nghiên cứu "Thực trạng hành vi lệch chuẩn của học sinh THPT hiện nay", Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh chỉ ra 5 điểm đáng chú ý:
- Hành vi lệch chuẩn ở học sinh THPT là tương đối phổ biến.
- Hành vi lệch chuẩn trong học tập, giao tiếp phổ biến hơn các hành vi thuộc nhóm sử dụng chất gây nghiện và trật tự xã hội.
- Học sinh nam, học sinh đô thị có hành vi lệch chuẩn cao hơn học sinh nữ, học sinh nông thôn.
- Học sinh ở môi trường bạn bè, gia đình có nhiều hành vi lệch chuẩn cũng sẽ có hành vi lệch chuẩn cao hơn.
- Cách ứng phó của gia đình và nhà trường với hành vi lệch chuẩn của học sinh chủ yếu là khuyên bảo. Tuy nhiên có 2 vấn đề đặt ra đó là: Tính hiệu lực của hình phạt và Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường.