Xem video cô giáo Âm nhạc, trường THCS Văn Phú, Tuyên Quang, bị nhiều học sinh lớp 7C nhốt trong lớp, chửi bậy, ném đồ vào người, cô Phạm Thị Giang, giáo viên trường THCS Cù Chính Lan, Thanh Hóa, bức xúc.

"Một đứa trẻ vẫn đang còn nằm trong sự dạy dỗ của thầy cô, bố mẹ mà có những hành động thiếu văn hóa, đi ngược đạo lý truyền thống dân tộc như vậy đáng lên án", cô Giang nói.

Còn cô Đặng Thanh Hằng, giáo viên THPT ở Hà Nội, cảm thấy "không thể chấp nhận được".

"Trong lớp có 2-3 trường hợp này thì giáo viên dù có hiền lành cũng cảm thấy bất lực và rất dễ mất bình tĩnh", cô Hằng nói.

Các vụ việc bạo lực học đường, trẻ em đánh nhau không hiếm nhưng một nhóm học sinh quây lại để hành hung, xúc phạm cô giáo đến mức như vụ việc ở Tuyên Quang khiến tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), sợ hãi và lo lắng.

"Bạo lực học đường đã vượt qua tất cả giới hạn. Dù ở bất cứ góc độ nào, xã hội, đạo đức, tâm lý hay giáo dục thì đây cũng là vấn đề đáng lo ngại", tiến sĩ tâm lý học nói.

Bà Hồng cho hay các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng bạo lực là hành vi học hỏi xã hội. Bà phân tích, hàng ngày, chứng kiến bố mẹ, người lớn đánh, sỉ nhục, mạt sát nhau, trẻ sẽ coi đó là điều bình thường, cho rằng bạo lực là công cụ để giải quyết khúc mắc giữa mọi người. Do đó, khi cần giải quyết mâu thuẫn nào đó, chúng sử dụng bạo lực thay vì giải pháp hòa bình, tìm đến sự hỗ trợ.

Theo chuyên gia xã hội học, sự việc ở trường Văn Phú nghiêm trọng hơn khi hành vi của học sinh không phải bột phát, như một phản ứng tự vệ, mà là có tổ chức, kéo nhau từ lớp này sang lớp khác để xúc phạm cô giáo.

Chính quyền xã Văn Phú hôm 5/12 cho biết "chuyện xuất phát từ hai phía". Học sinh có thái độ không tôn trọng cô từ trước, hôm đó cô cũng có hành vi hay phát ngôn chưa phù hợp. Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng lời giải thích này không thể bao biện cho hành động bạo lực của học sinh. Nếu giáo viên có hành vi hoặc lời nói xúc phạm, học sinh có thể tìm đến hiệu trưởng, hội phụ huynh, cơ quan chức năng để giải quyết. Cách ứng xử của học sinh khiến bà Hồng đặt câu hỏi về vai trò của các cơ quan hoặc những thiết chế sẵn sàng để giải quyết việc này.

Đồng tình, cô Giang nói không thể đổ lỗi hành vi của học sinh là do cô giáo. "Ở trên lớp dù thế nào các em ấy vẫn là học trò, phải có cách cư xử đúng mực với giáo viên của mình", cô Giang chia sẻ.

Có 20 kinh nghiệm dạy học, cô cho rằng cần phải tìm hiểu từ hai phía, xem xét cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chủ quan có thể bản tính của học sinh đó hung hăng. Góc độ này cần chú ý đến vấn đề tâm lý và ảnh hưởng từ giáo dục gia đình.

Nguyên nhân thứ hai phải xem là cô giáo. Học sinh tấn công cô trong trường hợp nào, tình huống nào dẫn đến việc đó. Cô có làm gì để kích động tâm lý không ổn của học sinh không. Cô Giang cho hay với những đứa trẻ có vấn đề tâm lý, giáo viên chỉ cần kích động một chút, em đó sẽ bộc phát không kiểm soát.

Cô Giang thừa nhận những sự việc bạo lực gần đây xảy ra với giáo viên đã khiến các nhà giáo rụt rè trong việc giáo dục đạo đức học trò và cảm thấy nghề giáo là nghề nguy hiểm.

"Quyền của giáo viên trên bục giảng đang bị thu hẹp", cô Giang nói.

Cô Hằng cảm thấy áp lực khi đi làm. Tiết học 45 phút hiếm được dạy trọn vẹn khi thường phải mất 15 phút nhắc nhở, chấn chỉnh học sinh.

"Có những em khi bị nhắc nhở sẵn sàng tay đôi, thậm chí sửng cồ lên rất đáng sợ. Những lúc như thế, vừa lo cho học sinh khác vừa lo cho bản thân vì nhỡ học sinh không kiểm soát được hành vi thì người thiệt lại là mình", cô Hằng chia sẻ.

Diến biến sự việc qua lời kể của các bên liên quan

Screenshot-2023-12-07-091558-3773-1701916790.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-HAzF1y4e2AGsC-KIIkP3A

Giáo viên bị học sinh dồn vào góc lớp. Ảnh chụp màn hình

Không quá ngạc nhiên về tình trạng bạo lực nhưng nhà thực hành giáo dục Nguyễn Hoàng Chiêu Anh, giảng viên chương trình Giáo viên hiệu quả (Teacher Effectiveness Training) của Gordon Training International, Mỹ, thấy lạ khi cô giáo trong vụ việc không được ai can thiệp, trợ giúp.

"Dù bối rối, giáo viên vẫn tìm xem ai là người ném dép. Đặc biệt học sinh leo thang cả về lời nói lẫn hành động", giảng viên Đại học Hoa Sen phân tích diễn biến trong video.

co-giao-tuyen-quang-1701997423.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9nq-ojJzhQwMXKSDN20QvQ
Cô giáo Tuyên Quang

Cô giáo bị học sinh nhốt ở Tuyên Quang nói về hướng xử lý. Video: Thanh Hằng

Để giải quyết vụ việc, bà Hồng cho biết phải có giải pháp ngắn hạn hoặc dài hạn, ngay lập tức thì có thể xử lý học sinh liên quan bằng hình thức kỷ luật vốn có.

"Nhưng với trẻ em, tôi nghĩ cần những biện pháp kiên trì hơn như phê bình, cảnh cáo", bà Hồng nói.

Bà gợi ý có thể phải họp cả lớp, thảo luận về vấn đề đến nơi đến chốn, để các em tự nhận thấy bạo lực nên được không sử dụng để giải quyết mâu thuẫn hàng ngày, dù với ai. Vì chưa đủ năng lực giải quyết vấn đề, các em có thể tìm ban giám hiệu, gia đình, nêu lên những thắc mắc, bức xúc của mình.

Giáo viên cũng phải tự nhìn nhận tất cả hành xử của mình xem có vấn đề chỗ nào không, điều gì dẫn đến bức xúc của học sinh như vậy.

"Đây không phải câu chuyện tìm ra lỗi của ai. Đây là câu chuyện chung mà các bên cùng phải tìm cách giải quyết", bà Hồng nói.

Trong khi đó, cô Giang cho rằng cần điều tra cặn kẽ, nếu cô giáo và học sinh vi phạm thì phải xử lý cả hai. Với học sinh có hành vi bạo lực nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm minh, có sức răn đe.

"Đó là hành vi bôi nhọ trước cộng đồng mạng, làm cho giá trị của giáo viên mất đi, quyền của thầy cô bị đe dọa, cần xử lý để làm gương cho học sinh khác", cô Giang đề xuất.

Về lâu dài, để giảm tình trạng bạo lực, bà Châu Anh mong có các chương trình gia tăng năng lực giao tiếp sư phạm, xây dựng mối quan hệ lành mạnh với học sinh cho giáo viên. Ngoài ra, trường học nên có chương trình giáo dục hiệu quả về nhân cách, kỹ năng sống để học sinh biết cư xử từ bé.

"Khi trẻ được thực hành những kỹ năng đó từ giai đoạn sớm như tiểu học thì mầm mống bạo lực mới giảm đi hoặc không có. Đến lúc bắt đầu dậy thì, khi cơn cảm xúc dễ bùng nổ, lúc đó học sinh đã có thói quen sống lành mạnh", bà Châu Anh nói.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022