Mỗi khi các bậc cha mẹ tụ họp với nhau, chủ đề thường được đem ra nói nhất là "con cái". Tất nhiên sẽ không thiếu những lời phàn nàn, chẳng hạn như "Con tôi lười biếng lắm", "con tôi dạo này không chú tâm vào học",... Nhiều bậc cha mẹ dường như quá đà, không quan tâm nhiều đến lòng tự trọng và sự riêng tư của con cái nên "bô bô" kể xấu con ở chốn công cộng. Thế nhưng, kể xấu con đến mức, mang lên trên truyền hình, kể cả chuyện riêng tư, dậy thì của con như nữ nghệ sĩ nổi tiếng Nhật Bản dưới đây thì đúng là khó chấp nhận được!
Theo đó, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra ở Nhật Bản, nữ nghệ sĩ violin Takashima Chisako đã xuất hiện trên một chương trình tạp kỹ, thông qua kết nối phỏng vấn bằng điện thoại. MC chương trình đã hỏi Chisako về tình hình công việc và cuộc sống ở nhà.
Takashima Chisako (bên trái) khiến các khách mời trong chương trình tạp kỹ bất ngờ, bật cười vì màn nói xấu các con
Điều MC không ngờ là Chisako hoàn toàn không để ý đây là một chương trình truyền hình và vô tư kể hết chuyện riêng tư của 2 cậu con trai. Chẳng hạn cậu con trai lớn 14 tuổi có mùi cơ thể, thường xuyên có những hành động nhạy cảm. Cậu con trai 11 tuổi thì lén lấy iPad xem hình ngực phụ nữ, cũng như yêu thích nhân vật Nami trong One Piece - một nhân vật có thân hình quyến rũ.
Những vị khách mời có mặt tại trường quay đều bật cười. Trong khi đó, MC nhanh chóng ngắt lời người mẹ vẫn đang thao thao bất tuyệt muốn kể thêm chuyện xấu của con.
Vụ việc sau đó đã gây bùng nổ mạng xã hội Nhật Bản. Khán giả đều lên án Chisako và bắt đầu thông cảm với 2 cậu con trai của cô. Họ cho rằng, nếu 2 đứa trẻ không may bị bắt nạt ở trường học thì nguyên nhân chắc chắn là do bà mẹ nổi tiếng đã vô tư nói xấu chúng. Nhiều người cũng lo sợ, 2 đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng tinh thần nghiêm trọng.
Thực tế, chủ đề "cha mẹ không tôn trọng sự riêng tư của con cái" đã được đem ra bàn luận rất nhiều. Không ít cư dân mạng từng chia sẻ, họ bị cha mẹ phớt lờ cảm xúc cá nhân, vô tư mang chuyện của con cái đi kể lể cho bạn bè, hàng xóm như "một câu chuyện làm quà".
Mong muốn được tôn trọng là nhu cầu tâm lý của mỗi người, cả người lớn hay trẻ em đều vậy. Mong rằng, các bậc cha mẹ sẽ coi con mình là những cá thể độc lập, chứ không phải "vật sở hữu" của mình. Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là có quá nhiều cha mẹ tước đi quyền được tôn trọng của con cái. Họ có thói quen áp đặt mong muốn của mình lên con cái và cố gắng nhân danh tình yêu để kiểm soát cuộc đời con.
Khi cha mẹ không nhận ra được sai lầm của mình thì ắt sẽ phải nhận hậu quả. Trẻ bị tổn thương tâm lý, mối quan hệ cha mẹ - con cái căng thẳng, đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.