Ngày 24/7, sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của một triệu thí sinh, trong đó hơn 859.500 em thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ phổ điểm 9 môn thi và 5 tổ hợp xét tuyển (A00, A01, B00, C00 và D01).
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng phổ điểm đều và khá đẹp tại đa số môn. Điều này mang đến sự tích cực, đáng ghi nhận sau ba năm Covid-19 làm gián đoạn học tập của hàng triệu học sinh. "Về cơ bản, phổ điểm các môn vẫn giữ được sự ổn định, tỷ lệ điểm 8 vẫn như năm 2021", GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.
Dù vậy, theo các chuyên gia, một số môn đã có chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là Lịch sử. Trong gần 660.000 thí sinh dự thi, hơn 532.000 em đạt điểm trên trung bình (từ 5 trở lên), chiếm 80,66%. Điểm trung bình Lịch sử là 6,34, cao hơn khoảng 1,4 điểm so với mức 4,97 năm ngoái. Số điểm liệt (dưới 1) năm nay chỉ 83 (chiếm 0,01%), chưa bằng một phần bảy năm ngoái (540 điểm liệt), dù số thí sinh thi Sử năm 2022 tăng 23.000.
GS Đức đánh giá kết quả môn Sử được cải thiện cho thấy sự tiếp thu, điều chỉnh của cấp quản lý, và đây là điều đáng ghi nhận. Theo ông Đức, điều này đến từ hai lý do.
Thứ nhất, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và đánh giá môn Sử được đặt ra từ cách đây nhiều năm, và thời gian gần đây đã được triển khai tại nhiều trường THPT. Cùng với đó, ông Đức nhận định đề thi năm nay đã có sự đổi mới. "Hai điều này gặp nhau nên kết quả năm nay được cải thiện rõ rệt, cho thấy các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực đổi mới cách dạy và kiểm tra", ông Đức chia sẻ.
Từ việc điểm Lịch sử tăng, ông Đức dự đoán các tổ hợp xét tuyển đại học chứa môn này cũng sẽ nhỉnh hơn năm ngoái. Chẳng hạn tại tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), đỉnh của phổ điểm năm nay nằm ở mức 19,5-20 với hơn 36.000 thí sinh đạt được, trong khi năm ngoái 17,5-18,5.
Trong khi Lịch sử có sự cải thiện đáng kể, phổ điểm Ngoại ngữ giảm mạnh. Trong 870.000 thí sinh thi Ngoại ngữ gồm tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Hàn và Nhật, hơn 866.000 thí sinh thi tiếng Anh (chiếm 99,5%). Do đó, các chỉ số của môn Ngoại ngữ gần như phản ánh kết quả Tiếng Anh.
Đỉnh của phổ điểm Ngoại ngữ (chỉ xét tiếng Anh) vẫn dưới trung bình, ở mức 3,8 điểm với hơn 38.000 thí sinh. Xoay quanh đỉnh này, số lượng thí sinh đạt 3-5 điểm rất cao, mỗi mức đều khoảng 30.000.
Số học sinh đạt 8 điểm (mức giỏi) trở lên là 103.082, bằng một nửa năm 2021. Nếu xét riêng mức tối đa, năm nay, Tiếng Anh có 425 điểm 10. Ngay cả khi tính tổng số điểm tuyệt đối của các tiếng còn lại, 555 bài thi điểm 10 Ngoại ngữ năm nay chưa bằng số lẻ của mức 4.582 năm ngoái.
Điều này phần này được dự đoán trước, bởi các giáo viên đánh giá đề tiếng Anh năm nay không khó để lấy điểm 7-8, nhưng phân hóa rất mạnh ở ngưỡng 8,5-10.
TP HCM dẫn đầu cả nước môn Ngoại ngữ với điểm trung bình 6,396, xếp thứ hai là Bình Dương 6,254, kế đó là Bà Rịa - Vũng Tàu 5,838. Dù mỗi tỉnh này đều giảm khoảng 0,9 điểm so với mức trung bình năm ngoái, thứ tự của top 3 không thay đổi trong ba năm liên tiếp. Riêng TP HCM đứng đầu từ năm 2017 đến nay. Ba vị trí tiếp theo đều là các thành phố trực thuộc trung ương, gồm Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Thí sinh và phụ huynh tại điểm thi trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội, trò chuyện với nhau sau khi hết giờ thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Giang Huy
Lý giải nguyên nhân khiến các tỉnh, thành trên đứng đầu cả nước tại môn Ngoại ngữ, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhìn nhận những địa phương của top 10 Ngoại ngữ đều có các khu công nghiệp hoặc một số vùng đặc thù gắn với đầu tư nước ngoài, nếu không, đây sẽ là thành phố lớn có tiềm năng về du lịch. Do đó, người dân tại những địa phương này tập trung đầu tư Ngoại ngữ.
Liên quan tới việc giảm điểm trung bình, tỷ lệ điểm giỏi tại môn Ngoại ngữ, GS Đức dự đoán các tổ hợp chứa tiếng Anh cũng có thể giảm điểm xét tuyển và điểm chuẩn.
Không chỉ Ngoại ngữ, năm nay điểm Sinh học cũng giảm rõ rệt. Trong ba môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên, môn Sinh có phổ điểm xấu nhất.
Hơn 24.000 thí sinh trên tổng số 322.200 em dự thi đạt 4,5 điểm, khiến phổ điểm môn Sinh có đỉnh ở ngưỡng dưới trung bình. Xung quanh mốc này, 4-5 cũng là khoảng điểm mà nhiều thí sinh đạt được.
Đây cũng là môn học có quá nửa số thí sinh dưới trung bình (163.642 em, chiếm 50,79%), trong đó 94 điểm liệt. Số điểm 10 cũng giảm hơn một trăm lần khi năm nay chỉ 5 thí sinh đạt điểm tối đa, trong khi 2021 là 582 em.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Toán - Sinh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội), đánh giá phổ điểm môn Sinh thay đổi nhiều nhất ở mức điểm từ 9 trở lên. Theo thầy Hiền, sự thay đổi này có được do sự thay đổi tích cực của đề thi môn Sinh. Giữa đề chính thức 2022 với đề minh họa chính thức 2021, ma trận đề tương đương nhưng nâng dần độ khó lý thuyết, giảm tính toán nặng nề.
Do đó, dù không hề khó hơn nhưng đề thi năm nay hay và phân loại tốt hơn. "Học sinh vốn quen với cách học nặng tính toán, thiếu bản chất sẽ bỡ ngỡ. Hơn nữa, đề thi cũng đòi hỏi học sinh có năng lực toàn diện hơn với kỹ năng phân tích, đồ thị, thí nghiệm để rút ra kết luận", thầy Hiền nói.
Ngoài ra, theo thầy Hiền, vụ việc xảy ra với đề thi môn Sinh 2021 đang được điều tra cũng có thể là nguyên nhân gây nên sự khác biệt về phổ điểm giữa hai năm. Thầy Hiền dự đoán điểm chuẩn các ngành xét tuyển tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) có thể giảm nhẹ 0,5-1.
Dự đoán về điểm chuẩn đại học theo từng tổ hợp xét tuyển, TS. Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Đại học Nha Trang, cho rằng các nhóm ngành tuyển sinh từ bốn tổ hợp A00, A01, B00, D01 có thể giữ ổn định, còn C00 tăng 1-3 điểm. Ông Phương phân tích điểm trung bình của tổ hợp C00 tăng hơn 1 điểm so với năm 2021, ngưỡng có nhiều thí sinh đạt nhất dự kiến tăng đến 3 điểm. Do đó, điểm chuẩn các nhóm ngành xã hội sử dụng tổ hợp C00 để xét tuyển cũng có thể tăng 1-3 điểm.
Ở chiều ngược lại, A00, A01, B00 và D01 giảm nhẹ so với năm 2021, dao động 0,5-1 điểm do ảnh hưởng của điểm Sinh và Tiếng Anh. "Tuy nhiên, năm nay khả năng cao là các trường dành chỉ tiêu từ thi tốt nghiệp THPT ít hơn 2021, nên điểm chuẩn tại các tổ hợp này cơ bản ổn định", ông Phương nhận định.
Các chuyên gia đều đồng tình rằng về mặt tổng thể, kết quả thi tốt nghiệp THPT có sự ổn định, phân hóa tốt hơn tại ngưỡng điểm tuyệt đối. Việc này giúp cho kết quả thi phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ tốt cho các đại học sử dụng để xét tuyển.
"Với phổ điểm năm nay, sẽ rất hiếm hoặc không xảy ra tình trạng 30 điểm vẫn trượt đại học nữa. Tôi cho rằng đây là sự điều chỉnh phù hợp, kết quả đáng ghi nhận của kỳ thi", ông Đức nói.
Thanh Hằng - Mạnh Tùng