Việc giáo viên nhận xét vào bài kiểm tra, phụ huynh ký tên xác nhận là cách để nhà trường và gia đình nắm được tình hình của học sinh. Trong tình huống bình thường, sau khi nhận được bài kiểm tra, phụ huynh trước tiên sẽ xem điểm, sau đó hỏi thứ hạng của con trong lớp. Nhiều người còn phân tích lỗi sai cho con, chỉ ra lỗ hổng kiến thức để con để cải thiện.

Tiếp theo, phụ huynh ký tên để chứng minh rằng mình thực sự đã xem kết quả bài kiểm tra. Nhưng cách làm khác lạ của một ông bố ở Trung Quốc mới đây đã được giáo viên đánh giá cao.

photo-1-1674223124496693659629.jpg

Một mô hình giáo dục tốt là kết quả của sự nỗ lực chung của giáo viên và phụ huynh. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, một cô giáo kể lại trên mạng xã hội, vị phụ huynh trong lớp mình không chỉ ký tên và viết "Cha mẹ đã đọc" mà còn chia sẻ chi tiết phương hướng giáo dục con trong tương lai, đồng thời dặn con tự nhận xét những ưu, nhược điểm của bản thân vào tờ giấy. Cuối cùng cảm ơn giáo viên đã vất vả dạy dỗ con mình.

Ngày hôm sau, giáo viên thu lại bài, khi kiểm tra chữ ký của phụ huynh, cô giáo không khỏi cảm thấy trân trọng. Chẳng trách con của phụ huynh này có học lực tốt, chỉ từ một chi tiết nhỏ đã thấy người bố này rất chú ý đến việc học của con và cả vấn đề đối nhân xử thế.

Cha mẹ tôn trọng thầy cô: Con cái hưởng lợi

Trên thực tế, ở thời đại ngày nay, không hiếm những phụ huynh quá bận rộn với công việc của mình nên thiếu đi sự quan tâm sâu sát đến cuộc sống và việc học của con. Một số người lại lấy lý do là mình không hiểu hết về kiến thức trên lớp nên để con “tự vận động”.

Nhiều cha mẹ nuông chiều thái quá khiến các con luôn thấy mình đúng trong mọi tình huống, khi đến trường trẻ vẫn giữ thái độ đó trong cách ứng xử với bạn bè, giáo viên. Hoặc có người thì can thiệp sâu vào các hoạt động giáo dục của giáo viên, phàn nàn quá mức độ cần thiết về công việc của thầy cô.

Theo các nghiên cứu, sự tham gia của phụ huynh có mối tương quan với thành tích cao hơn của các em. Điều này thể hiện ở nhiều mặt như điểm số cao hơn; kỷ luật tốt hơn, học sinh ít bỏ hoặc trốn học, đi học đúng giờ, và hoàn thành bài tập về nhà đúng thời hạn được giao; Cải thiện sự tự tin; Tăng cường kỹ năng giao tiếp...

Một mô hình giáo dục tốt là kết quả của sự nỗ lực chung của giáo viên và phụ huynh. Vì vậy, giáo viên nên phản hồi kịp thời cho phụ huynh về tình hình của học sinh trong trường, đồng thời phụ huynh nên trao đổi kịp thời với giáo viên nếu có bất kỳ thắc mắc nào, cùng nhau tìm ra những điều được và chưa được để khuyến khích hay có biện pháp cải thiện.

Việc giáo viên quan tâm đúng mực khiến học sinh cảm thấy mình được để ý và sẽ nỗ lực hơn. Các em học sinh sẽ trở nên ngoan ngoãn và chăm chỉ hơn vì cảm thấy mình được quan tâm, được hỗ trợ giải quyết vấn đề. Cha mẹ cũng hiểu thêm về con cái, từ đó có cách dạy dỗ phù hợp.

Các bậc cha mẹ cũng có xu hướng dành nhiều tình cảm và sự tôn trọng cho giáo viên sẽ là nguồn động lực lớn với các thầy cô giáo. Nhờ trao đổi với phụ huynh học sinh, các thầy cô cũng biết cách để điều chỉnh cách giảng dạy phù hợp, hiệu quả. Cuối cùng, trường học cũng có được nhiều lợi ích. Với sự tham gia và phối hợp từ giáo viên và phụ huynh, kết quả giáo dục sẽ tốt hơn.

Cách tốt nhất để gia đình và nhà trường có thể hợp tác chặt chẽ là giáo viên và phụ huynh nói chuyện trực tiếp với nhau. Nhưng nếu không có nhiều thời gian, một email phản hồi ngắn gọn về tình hình học tập ở lớp của trẻ hoặc giữ liên lạc với ba mẹ cũng là một cách để duy trì mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022