Lúc trước, khi nghe chồng trêu đùa con gái rằng: "Chỉ khi nào sông Đà hết nước thì tiền trong ví bố mới hết", chị Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội) - thường phản ứng khá mạnh mẽ. Chị sợ rằng con không trân trọng đồng tiền, con tiêu xài hoang phí. Nhiều nỗi sợ như thế khiến chị e dè, tránh né khi phải nói với con về tiền.

Một ngày nọ, khi đứng giữa lòng hồ Thủy điện Hòa Bình mênh mông, con gái chị thốt lên: "Giờ con mới biết sông Đà nhiều nước đến thế nào!". Chị bình tĩnh quay sang con và bảo: "Đúng đấy con! Con có nhìn thấy nước từ thượng nguồn cứ chảy xuống mãi không dừng, cũng giống như tiền trong ví bố. Bố còn lao động còn làm việc, thì tiền còn chảy vào ví, không bao giờ dừng cả".

Thay vì "đính chính" câu nói của chồng vì sợ con nghĩ nhà mình nhiều tiền, chị Linh đã truyền tải cho con gái 1 thông điệp: Chăm lao động, sẽ có tiền. Chừng nào còn lao động sẽ không lo thiếu tiền.

Nói xong với con thì chị chợt nhận ra, tư duy khan hiếm về tiền bạc, dẫn theo bao nhiêu nỗi sợ của mình, xuất phát từ việc bản thân chị có cái nhìn chưa đúng, chưa đủ về đồng tiền. Khi đã nhìn được dòng chảy vận hành của đồng tiền, thấy nó không chỉ là một tờ giấy polime có in mệnh giá, không chỉ là một tài khoản ngân hàng, mà nó là công sức lao động, là công sức, tâm huyết và sự chăm chỉ của hai vợ chồng, thì cũng là lúc chị nhận ra sự trù phú của dòng tiền, sự giàu có của bản thân. Và từ đó, mở ra rất nhiều thay đổi trong quản lý tài chính cá nhân, cũng như cách chị nói chuyện với con về tiền.

Chị Linh cho rằng, ngày nay, rất nhiều kiến thức về quản lý tài chính cá nhân được truyền tải rộng rãi từ sách, báo, truyền hình, những quy tắc ai cũng biết (6 chiếc lọ, lập kế hoạch tài chính, ghi chép chi tiêu, tiết kiệm trước…) nhưng rất ít người làm. Để rồi người ta luôn luôn cảm thấy khó khăn khi nói về tài chính, tổn thương với tiền bạc, rất cần tiền, nhưng lại tránh né nó.

Làm việc trong ngành ngân hàng 14 năm, hiện là chuyên gia về Tài chính cá nhân làm việc tại Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cùng những kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy con, chị Linh đã đúc kết ra những bài học dạy con về tài chính hay ho. Chị bắt đầu trao đổi với con khi con 3 tuổi, và liên tục nhắc lại theo các cấp độ phức tạp dần, phù hợp với khả năng nhận thức của con.

photo-1-17097350294652056148734.jpg

Chị Thùy Linh và con gái

1. Tiền là gì?

Hướng dẫn con có quan điểm đúng đắn về tiền.

Mẫu giáo

Con cảm nhận về tiền thông qua việc tiếp xúc với các loại tiền khác nhau, theo thứ tự từ tiền giấy (sờ nắm được) đến tiền ngân hàng (tiền trong tài khoản). Cho con được tiếp xúc với tiền ở nhiều nơi khác nhau: Tiền khi đi chợ, đi siêu thị, đi mua sách vở, quần áo, tiền trong ví của bố mẹ, tiền biếu ông bà, và tiền mọi người lì xì cho con…

Đưa con cùng đi rút tiền tại máy ATM, sử dụng thẻ/ứng dụng điện thoại để thanh toán, gửi tiền vào ngân hàng và giải thích cho con về việc tiền của bố mẹ đã được gửi tại ngân hàng giữ hộ trước đó và bây giờ ngân hàng sẽ trả khi mình cần.

Tiền sử dụng để mua sắm hàng hóa và dịch vụ: Cho con đi mua sắm cùng, đưa tiền cho con để con trả cho người bán hàng và nhận tiền thừa; Chơi đồ hàng mua bán cùng con, sử dụng tiền đồ chơi, thẻ, điện thoại mô phỏng lại các hoạt động thanh toán.

Tiền được sử dụng với các mục đích khác nhau, và được giữ ở những nơi an toàn khác nhau: Giải thích cho con một số ít tiền mặt để trong ví để mua sắm hàng ngày; Tiền tiết kiệm trong heo đất để dành cho mục đích nhất định trong tương lai (mua quần áo tết, đi du lịch hè…); Tiền trong tài khoản ngân hàng để tiết kiệm cho các mục tiêu dài hơn: Khi con đi học, mua nhà…

Cho con cơ hội nhìn thấy những số tiền này và cách cha mẹ chăm sóc số tiền đó (con giúp mẹ xếp tiền thừa vào ví; cùng con bỏ tiền heo đất, ghi rõ mục tiêu bỏ heo cho kỳ nghỉ hè; cùng con đi ngân hàng gửi tiền tiết kiệm…).

Tiểu học

Hướng dẫn con các tờ tiền có mệnh giá khác nhau mua được số lượng hàng hóa khác nhau. Chỉ cho con các tờ tiền có mệnh giá khác nhau; tính số đồ dùng mua được bằng từng tờ tiền (ví dụ tờ 5 ngàn đồng mua được 1 chai nước, vậy tờ 10 ngàn đồng thì mua được mấy chai?).

Khi đi mua sắm, đề nghị con tính tổng số tiền cần trả, sử dụng tờ tiền có mệnh giá lớn hơn và đề nghị con tính số tiền sẽ được trả lại. Tùy vào con học lớp mấy để đưa ra yêu cầu tính tiền tương ứng với năng lực tính toán của con.

Các đồ dùng xung quanh con cũng đều được mua bằng tiền.

Hướng dẫn con tính toán chi phí sử dụng một món đồ trong gia đình. Ví dụ như một chai sữa tắm có giá 210 ngàn đồng, cả nhà dùng trong 30 ngày, như vậy, mỗi ngày nhà mình chi hết 7 ngàn đồng tiền sữa tắm. Nếu con sử dụng phung phí thì số ngày dùng được sẽ giảm xuống và có ngày mình không có sữa tắm để dùng. Khuyến khích con tiết kiệm hàng ngày để kéo dài thời gian sử dụng của từng món đồ.

Trung học

Tiền mất giá trị theo thời gian. Nêu các ví dụ về giá cả hàng hóa ngày càng tăng lên, và cùng một số tiền ngày càng mua được ít hàng hóa hơn. Giải thích khái niệm lạm phát trong nền kinh tế.

Tiền có thể được lưu giữ dưới hình thái các tài sản khác nhau. Giúp con tìm hiểu các loại tài sản đầu tư (nhà đất, vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, trái phiếu), mô tả cách thức cơ bản sử dụng các tài sản này.

2. Tiền mua được gì và không mua được gì?

Giúp con hiểu đúng giá trị của tiền, và những thứ không thể mua bằng tiền.

Mẫu giáo

Giúp con liệt kê những thứ mua bằng tiền: Tiền để mua những thứ hàng ngày (liệt kê những đồ dùng hàng ngày mà bố mẹ và con cùng đi mua và trả bằng tiền); Và tiền cũng giúp mình mua những thứ khác trong tương lai. Cho con biết dự định của bố mẹ đối với một khoản tiền nào đó. (Đầu tháng sau mình cần đóng tiền học cho con, vậy giờ mình sẽ cất riêng một số tiền để đến ngày đó mình sẽ nộp cho cô). Khi mình ốm tiền cũng giúp mình mua thuốc để uống thuốc hết bệnh…

Đồng thời giúp con liệt kê những thứ con có thể có được mà không dùng tiền mua (Tình bạn; Tình cảm gia đình, sức khỏe …). Những cách nào để con được các bạn yêu quý? (giúp đỡ bạn, chia sẻ đồ chơi với bạn, biết nói lời xin lỗi và cảm ơn…). Con cảm thấy vui như thế nào khi chơi cùng bạn? Người bạn con yêu quý nhất là ai?…

Giúp con liệt kê những cách để yêu thương bố mẹ mà không cần dùng tiền (ôm mẹ khi mẹ mệt, nắm tay mẹ, giúp mẹ làm việc nhà…). Giúp con liệt kê những cách để có sức khỏe mà không cần dùng tiền (thường xuyên tập thể dục, đi ngủ đúng giờ, ăn nhiều rau xanh …).

Chia sẻ cảm xúc của con khi con làm những việc này. Nhấn mạnh niềm vui của bố mẹ/ ông bà/ bạn bè khi được chơi cùng con, mà lại không cần một đồng tiền nào cả. Đề nghị con chia sẻ cảm xúc của mình khi làm những việc này?

Tiểu học

Tiền chỉ là công cụ không phải là nhu cầu (điều này có thể mơ hồ ngay cả với người lớn, vì vậy cha mẹ có thể truyển tài đến con theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng tiếp nhận, bằng những ví dụ đơn giản).

Con muốn có tiền mua một dụng cụ thể thao, nhu cầu của con là gì? Được chơi cùng các bạn, thực hành môn thể thao con thích, cảm giác chiến thắng, rèn luyện sức khỏe v.v… vậy con có thể thỏa mãn nhu cầu đó theo cách nào, môn thể thao gì sẽ làm con yêu thích, con cần hiểu rõ điều đó trước thay vì bỏ tiền ra mua một dụng cụ thể thao mà con thấy bạn có.

Con tự muốn giữ tiền mừng tuổi, bố mẹ hãy giúp con tìm hiểu nhu cầu của con là gì khi con muốn làm như vậy. Con muốn có cảm giác làm chủ hoạt động chi tiêu của mình, con muốn chiêu đãi bạn bè, con muốn mua một món đồ mà con biết là bố mẹ sẽ không đồng ý, hay con muốn tránh những tình huống khó chịu trước đây, khi con muốn mua gì đó mà bố mẹ luôn từ chối? v.v… Sau khi hiểu rõ nhu cầu của con, bố mẹ và con sẽ dễ dàng hơn trong việc thấu cảm với những nhu cầu đó và đạt được tiếng nói chung.

Đôi khi con vẫn có thể thỏa mãn các nhu cầu của mình, mà không cần phải sử dụng đến tiền.

Khuyến khích con tự làm đồ chơi, đồ tái chế, tự tạo quà để tặng mọi người. Chia sẻ cảm xúc khi được nhận một món quà do chính tay con làm. Đề nghị con chia sẻ cảm xúc khi con nhận được quà do một người bạn tự làm cho con.

Trung học

Định hướng con chú trọng vào trải nghiệm vì trải nghiệm mang lại mức độ hạnh phúc cao hơn so với vật chất. Với mỗi món đồ con muốn mua, đề nghị con quan sát thật kỹ mong muốn của con trước khi mua, con muốn đến mức nào? con dự định sử dụng món đồ đó ra sao? Sau khi mua khoảng 2- 3 tuần, đề nghị con đánh giá lại, giờ con còn thích như lúc trước không? Con có sử dụng như đã dự định không? Thời gian sử dụng thực tế nhiều hơn hay ít hơn lúc trước con tưởng. Món đồ đó có gây cho con khó khăn nào thêm không (làm chật phòng/giá đề đồ của con, con mất thời gian dọn dẹp,…).

Thường xuyên ôn lại những trải nghiệm của các gia đình (leo núi, tắm biển, về quê, đi công viên, trồng cây, làm đồ thủ công…). Chia sẻ cảm xúc của bố mẹ, vui, thêm gắn kết với gia đình, tự hào ... Đề nghị con chia sẻ cảm xúc của mình.

3. Tiền đến từ đâu?

Giúp con hiểu rõ tiến trình tạo ra tiền, giá trị của lao động.

Mẫu giáo

Mô tả công việc của bố mẹ, cách bố mẹ được trả lương (bố mẹ giúp công ty làm việc (làm ra sản phẩm, bán hàng, vận chuyển…), vì vậy công ty sẽ trả lương cho bố mẹ. Con cũng đang làm việc. Khi con làm việc nhà giúp bố mẹ, bố mẹ có thể dành nhiều thời gian hơn để làm việc, nên sẽ được trả nhiều lương hơn. Đấy chính là con đang giúp bố mẹ kiếm được tiền.

Chỉ cho con thấy những người khác đang làm việc như thế nào? Khi đi trên đường chỉ cho con nhìn thấy bác lao công đang làm sạch đường phố; Khi vào cửa hàng, chỉ cho con cô bán rau đang làm sạch và gói những bó rau để con có thể mua, cô bán hàng giúp con có thể tìm kiếm hàng nhanh chóng và tính tiền giúp con… Bác bảo vệ tòa nhà giúp con an toàn, không sợ kẻ trộm…

Bất cứ ở đâu con cũng nhìn thấy mọi người đang làm việc. Giúp con quan sát kỹ khi mọi người làm việc, liệu bác có mệt không, vất vả ở chỗ nào? Có niềm vui gì khi làm công việc đó?...

Đôi khi một ai đó tặng mình tiền (tiền lì xì năm mới, mừng sinh nhật), hay là tặng mình một món quà, thì người đó đã phải làm việc chăm chỉ trước đó để kiếm tiền, tiết kiệm số tiền đó không chi tiêu cho họ, mà lại tặng lại cho chúng ta. Giúp con nhìn ra tiến trình sâu hơn của đồng tiền/món quà được tặng. Chúng mình được nhận tiền lì xì cũng chính là được ông bà, cha mẹ, cô bác… tặng lại cho chúng mình những thành quả lao động của họ.

Vậy con cảm thấy như thế nào? Con nghĩ mình sẽ làm gì với số tiền đó để xứng đáng với công sức lao động của người đã tặng con. Nếu con tiêu hoang phí, cũng là hoang phí sức lao động của ông bà, bố mẹ, cô bác…

Khuyến khích con nghĩ xem con có thể làm công việc nào? Và muốn làm công việc nào để kiềm tiền trong tương lai. Khi kiếm được tiền con sẽ chia sẻ với mọi người như thế nào?

Tiểu học

Sử dụng đồng tiền do con tự kiếm được sẽ làm con vui hơn so với khi sử dụng tiền của người khác. Khuyến khích con tự làm một công việc nào đó để kiếm được tiền. Cho phép con tự sử dụng số tiền đó theo mong muốn của mình (khác với khi con phải xin tiền bố mẹ). Chia sẻ cảm xúc của con khi làm việc đó.

Trung học

Giúp con tìm hiểu về các công việc khác nhau mang lại các mức thu nhập như thế nào? Hướng dẫn con làm một cuộc khảo sát nhỏ về công việc của mọi người xung quanh: họ làm việc gì, thời gian ra sao, nhiệm vụ công việc chính là gì, công việc đó đòi hỏi trình độ như thế nào và mức thu nhập hàng tháng của họ.

(Tết cũng là dịp con có cơ hội được gặp nhiều người họ hàng, hướng dẫn con khéo léo hỏi thăm về công việc của mọi người, điều này cũng giúp con trân trọng hơn món tiền lì xì được nhận khi hiểu về công việc của người lì xì cho mình).

Trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc ảnh hưởng đến mức thu nhập của một người. Hướng dẫn con tìm kiếm các bảng thống kê về mức thu nhập theo ngành nghề, phân tích so sánh tại sao một số ngành nghề thường có mức thu nhập cao hơn so với mức thu nhập của một số ngành nghề khác, tại sao trong cùng một nghề một người có thể có mức thu nhập cao hơn người khác (ví dụ bác sỹ lâu năm và sinh viên y khoa vừa ra trường). Con rút ra bài học gì cho mình.

Tùy vào câu chuyện của mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh, ba mẹ đều có thể áp dụng như tư duy này để cùng con phân tích, để con thấm thật sâu, thì hành vi của con cũng trở nên tự nhiên, mà không cần áp đặt, quản lý nữa.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022