Thông tin trong Khảo sát gen Z và millenial năm 2024 của Deloitte với sự tham gia của gần 23.000 người từ 44 quốc gia. Dự án xem xét hoàn cảnh phát triển định hình nơi làm việc và trải nghiệm xã hội của các thế hệ này trên toàn cầu.

Elizabeth Faber - Giám đốc Nhân sự và Mục đích toàn cầu của Deloitte cho biết, cuộc khảo sát năm nay làm nổi bật hai thế hệ đang vật lộn với tình trạng mất an ninh tài chính, mức độ căng thẳng cao và lo lắng về khí hậu gia tăng. Lực lượng này cũng đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như GenAI, xem xét điều này ảnh hưởng đến công việc và quyết định nghề nghiệp dài hạn như thế nào.

"Nhưng họ vẫn thấy lý do để lạc quan trong năm tới và tiếp tục thúc đẩy những thay đổi bản thân muốn thấy tại nơi làm việc và xã hội rộng hơn", bà nói thêm.

Lạc quan bất chấp lo ngại tài chính

Delloite đã thực hiện khảo sát này trong 13 năm. Đây là năm thứ ba liên tiếp, chi phí sinh hoạt là mối quan tâm hàng đầu của Gen Z và Millennials. Khoảng 6 trong số 10 gen Z (56%) và millennials (55%) sống bằng tiền lương, tăng 5% đối với gen Z và 3% với millennials kể từ năm ngoái. Bên cạnh đó, cứ 10 người có 3 người nói rằng không cảm thấy an toàn về tài chính.

Tuy nhiên, khảo sát vẫn ghi nhận có sự lạc quan ngay cả khi không mong đợi sự thành công tuyệt đối rằng hoàn cảnh có thể được cải thiện. Dưới 1/3 người tham gia khảo sát tin rằng tình hình kinh tế quốc gia của họ sẽ được cải thiện trong năm tới - tỷ lệ cao nhất kể từ Khảo sát millennial năm 2020, được thực hiện ngay trước khi Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, gần một nửa số gen Z (48%) và 4 trên 10 millennials (40%) mong đợi tình hình tài chính cá nhân sẽ được cải thiện trong năm tới.

pexels-pixabay-50987-172387118-4774-8528-1723871719.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=a0-vSyWyvRNHSz_YoFiXrw

Chi phí sinh hoạt là mối quan tâm hàng đầu của nhân sự gen Z và millenial. Ảnh minh họa: Pexels

Mục đích là "chìa khóa" của mức độ hài lòng trong công việc

Theo gần 9 trong số 10 gen Z (86%) và thế hệ millennials (89%), mục đích là "chìa khóa" của mức độ hài lòng trong công việc. Thị trường ngày càng có nhiều người lao động thuộc thế hệ này sẵn sàng từ chối công việc và nhà tuyển dụng dựa trên đạo đức hoặc niềm tin cá nhân. Tỷ lệ này là 50% gen Z và 43% millennials.

44% gen Z và 40% millennials cho biết đã từ chối nhà tuyển dụng bởi các lý do như tác động tiêu cực đến môi trường hoặc góp phần gây ra sự bất bình đẳng thông qua các hoạt động không hòa nhập, hay một số yếu tố cá nhân hơn, gồm: thiếu sự hỗ trợ cho sức khỏe tinh thần và sự cân bằng công việc - cuộc sống (work-life balance) của nhân viên.

Trách nhiệm xã hội, môi trường của doanh nghiệp

Hai thế hệ này nhận định các doanh nghiệp có nhiều cơ hội và ảnh hưởng cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi trong bảo vệ môi trường. 62% gen Z và 59% millennials (59%) cảm thấy lo lắng về biến đổi khí hậu. Do đó, họ sử dụng các quyết định nghề nghiệp và hành vi tiêu dùng của mình để thúc đẩy hành động.

Khoảng một nửa nhân sự trong hai thế hệ này đang gây áp lực lên người sử dụng lao động để hành động về biến đổi khí hậu, một xu hướng đã gia tăng đều đặn trong những năm gần đây. Cứ hai trong 10 người thuộc các nhóm này đã thay đổi công việc hoặc ngành nghề do lo ngại về môi trường hoặc có kế hoạch thay đổi trong tương lai.

Với tư cách là người tiêu dùng, 64% gen Z và 63% millennials sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm hoặc dịch vụ bền vững với môi trường. Nhiều người đang thực hiện những hành động cá nhân hoặc lên kế hoạch cho tương lai như tránh thời trang nhanh, giảm việc di chuyển bằng đường hàng không, ăn chay hoặc mua xe điện.

Tăng nhận thức tích cực với GenAI

Thế hệ Z và thế hệ millennials tin rằng GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) sẽ có tác động đáng kể đến con đường sự nghiệp và cách họ làm việc. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng sự phổ biến của công nghệ này sẽ thúc đẩy họ tìm kiếm những cơ hội việc làm ít bị ảnh hưởng bởi tự động hóa hơn, chẳng hạn như các ngành nghề có tay nghề cao hoặc lao động chân tay.

Sự không chắc chắn là cảm xúc hàng đầu của hai thế hệ này khi nghĩ về GenAI. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, phụ nữ nói riêng tỏ ra không chắc chắn nhiều hơn nam giới và ít cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc cùng với công nghệ này. Sự thiếu quen thuộc có thể làm tăng thêm cảm giác không chắc chắn.

Những người sử dụng GenAI tại nơi làm việc mọi lúc hoặc hầu hết thời gian sẽ có nhiều khả năng cảm thấy tin tưởng và phấn khích hơn. Họ cũng tin GenAI sẽ giải phóng thời gian, cải thiện cách làm việc và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Ngược lại, những người sử dụng GenAI thường xuyên cũng có nhiều khả năng có những lo ngại nhất định như tin rằng tự động hóa do công nghệ này điều khiển sẽ loại bỏ việc làm và khiến những người trẻ tuổi khó gia nhập lực lượng lao động hơn.

Để giải quyết những mối lo ngại này, cả hai thế hệ đều tập trung vào việc đào tạo lại và đào tạo lại kỹ năng. Tuy nhiên, chỉ khoảng một nửa người tham gia cho biết công ty đã đào tạo đầy đủ về khả năng, lợi ích và giá trị của GenAI.

Ưu tiên cân bằng công việc và cuộc sống hơn vật chất

Cân bằng công việc - cuộc sống vẫn là ưu tiên hàng đầu của cả hai thế hệ khi lựa chọn nhà tuyển dụng. Khả năng duy trì sự cân bằng tích cực giữa hai yếu tố là điều họ ngưỡng mộ hàng đầu ở các đồng nghiệp, vượt xa các dấu hiệu thành công truyền thống khác như chức danh hay của cải vật chất.

Tuy nhiên, nhiều người không đạt được sự cân bằng đang tìm kiếm. Khoảng một phần ba số người được khảo sát thường xuyên cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng vì điều này do thời gian làm việc dài (51%) và thiếu kiểm soát về cách thức và địa điểm làm việc (44%).

pexels-jjagtenberg-103127-1723-6232-7424-1723871719.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vFYuSVRnmQ1pY0oVmAt5RA

Nhân sự ưu tiên sự cân bằng công việc - cuộc sống. Ảnh minh họa: Pexels

Căng thẳng và sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc

Mức độ căng thẳng và sức khỏe tâm thần tiếp tục là mối lo ngại, mặc dù có một số dấu hiệu cải thiện trong năm nay. Chỉ có khoảng một nửa số người tham gia đánh giá sức khỏe tinh thần ở mức tốt hoặc cực kỳ tốt. Trong khi đó, 40% gen Z và 35% millennials cảm thấy căng thẳng hầu hết hoặc toàn bộ thời gian. Ngoài công việc - nguyên nhân chính gây ra sự bất an này, tài chính, sức khỏe và phúc lợi của gia đình cũng là yếu tố căng thẳng hàng đầu.

Các nhà tuyển dụng đang có một số bước tiến khi nói đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, nhưng vẫn còn nhiều điều cần cải thiện khi nói cởi mở về sức khỏe tâm thần. Gần 3 trong số 10 gen Z lo lắng người quản lý sẽ phân biệt đối xử nếu gây căng thẳng hoặc các mối lo ngại khác về sức khỏe tâm thần. Đây cũng là tỷ lệ người tham gia không tin rằng các lãnh đạo cấp cao đang ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Elizabeth Faber cho biết thêm, gen Z và millennials mong đợi rất nhiều từ người sử dụng lao động và hoạt động kinh doanh nói chung. Tuy nhiên, những giá trị họ đang yêu cầu là điều hầu hết nhân sự, bất kể tuổi tác, đều mong muốn: như công việc có ý nghĩa trong các tổ chức hoạt động có mục đích, sự linh hoạt để cân bằng giữa công việc và ưu tiên cá nhân, nơi làm việc hỗ trợ nuôi dưỡng sức khỏe tâm thần và cơ hội học hỏi...

"Những người sử dụng lao động làm đúng những điều này sẽ có đội ngũ nhân sự hạnh phúc, năng suất, gắn kết và nhanh nhẹn hơn, những người được chuẩn bị tốt hơn để thích ứng với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng", bà nói thêm.

Nhật Lệ (Theo Deloitte)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022