Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực hôm 14/2, yêu cầu các trường có trách nhiệm dạy thêm miễn phí với ba nhóm: chưa đạt, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp (tự nguyện). Trước đây, với nhóm ba - đông nhất, kinh phí do cha mẹ học sinh chi trả, thường ở mức 6.000-9.000 đồng một tiết, tùy địa phương.
Do đó, nếu vẫn tổ chức dạy, các trường không có tiền để trả thù lao cho giáo viên, cũng như các khoản chi điện, nước... liên quan. Từ sau Tết, nhiều trường học trong cả nước đã đồng loạt dừng dạy thêm. Một số đang vận động giáo viên ôn thi miễn phí cho học sinh.
Trước thực tế, Bộ đề nghị địa phương xem xét hỗ trợ kinh phí cho các trường. Tuần qua, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo như Hà Nội, Vĩnh Phúc cho hay đang tích cực đề xuất với các cấp thẩm quyền, HĐND về việc này.
Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý cho rằng khó khả thi vì ngân sách được cấp từ đầu năm, các trường đã tính toán, chia cho các nội dung, hoạt động giáo dục thường niên.
"Chưa kể, nhiều địa phương còn phải xin thêm ngân sách từ trung ương, không dư dôi để bố trí cho hoạt động dạy thêm", lãnh đạo một Sở Giáo dục và Đào tạo nói.
Xin cấp thêm kinh phí rất mất thời gian và không có kết quả trong ngày một ngày hai, theo lãnh đạo Sở ở Quảng Nam. Lý do là Sở phải trình UBND tỉnh, nếu được chấp thuận lại chuyển sang HĐND quyết định.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa nói để xin thêm ngân sách, các trường cần xây dựng được dự toán về số buổi học, nhân lực giảng dạy. Còn cơ quan quản lý phải tính toán để đưa ra được định mức cấp. Ví dụ điều kiện giữa trường học ở thành phố Nha Trang sẽ khác với các huyện, thị. Việc đưa ra một định mức chung để phù hợp cho tất cả là "rất khó".
"Có nhiều nguyên nhân khiến các địa phương ít mặn mà với phương án này", người này nhận định.

Học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Du trong giờ ôn tập môn Văn, năm 2023. Ảnh: CP
Các nhà quản lý nhận định hiện các trường có hai lựa chọn: dùng ngân sách đã được cấp hoặc kêu gọi xã hội hóa để tổ chức dạy thêm cho học sinh lớp 9, 12.
Trong đó, việc kêu gọi xã hội hóa nhiều thách thức hơn, bởi nếu không cẩn thận dễ phát sinh khiếu nại. Dùng ngân sách đã được phân bổ là nguồn hợp pháp nhưng các trường sẽ phải cân đối, tính toán giữa các hoạt động. Đây là việc không dễ, vì "đắp đầu này thì hụt đầu kia".
"Khó có biện pháp nào ngay tức thì, trong khi việc ôn tập cho nhóm cuối cấp đã cận kề. Các trường phải tự xoay sở trong nguồn ngân sách được cấp và kêu gọi tinh thần chia sẻ, tự nguyện của giáo viên", lãnh đạo một Sở Giáo dục nói.
Tại Tiền Giang, ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở, cho biết đã yêu cầu các trường bố trí một phần ngân sách tiền lương để chi cho các hoạt động, gồm dạy thêm cho ba nhóm theo Thông tư 29. Nếu còn thiếu, trường tìm cách cân đối bằng các nguồn thu hợp pháp khác.
Tương tự, ngành giáo dục Thanh Hóa chỉ đạo trường học chủ động, tận dụng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí hiện có để xây dựng kế hoạch dạy thêm.
Tỉnh này cùng Bình Dương, Nam Định gợi ý các trường và giáo viên cung cấp tài liệu, đề thi, hướng dẫn học sinh cách tự học, sử dụng các phần mềm, website ôn luyện, nếu không có tiền để tổ chức dạy.
Lệ Hằng