Chúng ta thường nghe các bậc cha mẹ phàn nàn rằng con cái có nhiều vấn đề khác nhau: Lười biếng, không ngồi yên một chỗ, không thích học, không coi trọng mọi thứ, suốt ngày nhìn vào điện thoại... Nhưng họ quên rằng hầu hết các vấn đề của trẻ em đều có thể được giải đáp từ cha mẹ chúng.

Con cái chúng ta là những người quan sát tinh tường nhất. Chúng nhìn bằng mắt, nghe bằng tai và bắt chước hành vi của cha mẹ. Một số lời nói và việc làm của cha mẹ tưởng chừng như vô hại nhưng lại luôn tác động tiêu cực đến trẻ.

Đặc biệt là 9 việc tưởng rất nhỏ sau đây, cha mẹ nhất định không được coi nhẹ.

photo-1-16891606684381474168893.jpg

Ảnh minh họa

1. Bố vừa về đến nhà đã nằm vật ra sofa nghịch điện thoại

Thấy con không thể rời điện thoại, cha mẹ sẽ tức giận và cho rằng con quá vô kỷ luật. Nhưng trên thực tế, ở nhiều gia đình, người cha còn mắc chứng "nghiện điện thoại" nặng hơn con cái.

Việc đầu tiên họ làm sau khi trở về nhà mỗi ngày không phải là rửa tay mà là nằm dài trên ghế sofa, lấy điện thoại ra chơi. Khi ăn, mắt họ dán vào màn hình. Hành vi như vậy không chỉ làm gương xấu cho trẻ mà còn phá hủy bầu không khí học tập ở nhà và tạo cho trẻ cái cớ để không học.

Vì vậy, với tư cách là cha mẹ, tốt hơn hết bạn nên làm gương tốt hơn là chỉ rao giảng lý thuyết. Thay đổi chính mình, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy con bắt đầu phát triển tính tự giác và siêng năng.

2. Bố không bao giờ chia sẻ việc nhà

Bao nhiêu gia đình có sự "phân công lao động" như thế này: Mẹ giặt và phơi quần áo, trong khi bố nằm bất động trên ghế sofa; mẹ rửa rau nấu cơm, còn bố thì một mình nghịch điện thoại, lâu lâu lại nhắc "Sao cơm chưa dọn?"...

Các nghiên cứu đã chỉ ra: Trong một gia đình, cha càng yêu thích làm việc nhà bao nhiêu thì tương lai con cái càng thành đạt bấy nhiêu. Ngược lại, nếu người cha không bao giờ chạm tay vào việc nhà, những bé trai trong gia đình này cũng sẽ thiếu tinh thần trách nhiệm và không biết quan tâm đến người khác; còn các bé gái kém tự tin, ngại khó khăn và có sự lựa chọn nghề nghiệp hẹp hơn.

Một người cha chủ động làm việc nhà là người tạo ra cuộc sống hạnh phúc cho con cái.

3. Mẹ thường phàn nàn

Một nhà tâm lý học cho biết: "Phàn nàn về sự bất hạnh của chính mình là một trong những cách hủy hoại trẻ hiệu quả nhất".

Nếu người mẹ có thái độ sống lạc quan, không kêu ca hay phàn nàn thì khi gặp khó khăn, con cái sẽ được truyền năng lượng tích cực và có đủ tự tin để dũng cảm tiến về phía trước. Ngược lại, mẹ hay phàn nàn sẽ truyền cho con năng lượng tiêu cực. Con sẽ luôn bị căng thẳng tâm lý, khi gặp chuyện cũng không thể mạnh mẽ vượt qua.

4. Bố luôn nổi giận

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh đã tiến hành một loạt thí nghiệm về mối quan hệ giữa di truyền và tính cách.

Kết quả cho thấy: Trí thông minh của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ mẹ, trong khi tính cách của trẻ chịu ảnh hưởng chủ yếu từ cha. Nếu người cha ôn hòa, đứa trẻ sẽ tự nhiên học được cách giao tiếp tốt; nếu người cha nóng tính, đứa trẻ sẽ học cách giao tiếp bằng cách "gầm gừ" và nắm đấm.

Bài học quan trọng nhất mà người cha có thể dạy con là cách kiềm chế cảm xúc của mình. Hãy biến sự nóng nảy của bạn thành những lời ấm áp khoan dung và cố gắng tạo ra một môi trường gia đình thoải mái cho con cái.

5. Mẹ luôn cằn nhằn con

Làm mẹ có nghĩa là luôn có vô vàn lo lắng, để rồi khi nhìn thấy con, chúng ta không khỏi liên tục khuyên nhủ, nhắc nhở, giục giã. Nhưng kết quả là mẹ càng cằn nhằn, con càng nổi loạn.

"Hiệu ứng quá giới hạn" trong tâm lý học từ lâu đã nhắc nhở chúng ta rằng khi kích thích quá nhiều, quá mạnh hoặc diễn ra quá lâu sẽ chỉ hình thành tâm lý nổi loạn của đối phương. Nếu muốn con lớn lên một cách tự giác và hiệu quả, cha mẹ phải học lắng nghe nhiều hơn và ít nói hơn.

6. Cha mẹ chăm sóc con quá mức

Nhiều bậc cha mẹ sắp xếp mọi thứ cho con cái với mục đích mang đến cho chúng sự chăm sóc tốt nhất, nhưng điều đó lại ngăn cản sự phát triển bình thường về tâm lý và khả năng của trẻ.

Khi trẻ 6 tuổi, chuẩn bị đi học, bạn giúp con đi giày, buộc dây giày, vác cặp lên vai. Năm 12 tuổi, đứa trẻ muốn tự mình giặt quần áo, nhưng bạn giật lấy và nói: "Con giặt không sạch đâu, cứ xem TV đi". 18 tuổi, khi đứa trẻ đến trường đại học, con chỉ việc tìm một chỗ để ngồi, trong khi bạn đang tất bật giúp con làm thủ tục, trải ga, dọn dẹp ký túc xá…

Cuối cùng, sự quan tâm sai cách của cha mẹ không chỉ hủy hoại khả năng tự chăm sóc bản thân mà còn giết chết lòng biết ơn của trẻ.

Cha mẹ không chịu buông tay sẽ không bao giờ nuôi dạy những đứa trẻ độc lập, biết ơn.

7. Cha mẹ thường la mắng con cái

Nếu không muốn con mình trở nên tự ti và sống nội tâm, hay có thói quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, cha mẹ nên học cách kiềm chế cảm xúc của mình. Khi nóng nảy cha mẹ cần tìm cách để bản thân bình tĩnh trước, sau đó mới dạy con sau. Việc tránh sử dụng bạo lực về lời nói và hành động sẽ giải quyết được vấn đề nhanh và hiệu quả hơn.

Việc la mắng một cách mù quáng là vô ích, bởi đứa trẻ nào cũng có tính phản kháng bên trong mình. Đặc biệt, trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên, tâm tính rất nhạy cảm, cha mẹ cần chú ý hơn tới cách dạy con.

8. Cha mẹ thích so sánh con mình với người khác

Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, con nhà người ta ngoan ngoãn, hiểu chuyện và học giỏi, đọc sách mỗi ngày và không bao giờ chơi điện thoại di động, đi ngủ sớm và dậy sớm, biết làm việc nhà.

Đối với trẻ em, "con nhà người ta" không phải mục tiêu phấn đấu mà giống như một lời nguyền, sẽ chỉ gây ra áp lực vô tận.

Mỗi đứa trẻ đều có quy luật lớn lên của riêng mình. Thay vì sử dụng sự so sánh để khiến trẻ cảm thấy thấp kém, nhạy cảm và ganh đua, tốt hơn hết là bạn nên chấp nhận con người thật của con và để trẻ tỏa sáng trên sân khấu của chính mình.

9. Cha mẹ không tuân theo đạo đức xã hội

Trước khi dạy con, hãy tự dạy chính mình. Cha mẹ là tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất của con cái. Con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi xung quanh của người lớn để bắt chước. Nếu muốn con lễ phép với mình thì chính cha mẹ phải lễ phép với ông bà. Nếu muốn con lịch sự nơi công cộng thì cha mẹ phải lịch sự với mọi người xung quanh. Rõ ràng, dù là một cách vô thức hay có ý thức, thì con cái sẽ học theo những điều cha mẹ làm hơn là những điều cha mẹ nói.

Cha mẹ phải luôn nhắc nhở mình tuân thủ đạo đức xã hội, kiềm chế hành vi của mình. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể có được một đứa trẻ lễ phép và được yêu mến.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022