Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, trong số gần 650.000 học sinh tiểu học, hơn 55.000 học sinh không có điều kiện học trực tuyến. Phần lớn học sinh không có thiết bị, không có Internet hoặc người hỗ trợ, học sinh đang ở quê chưa thể lên thành phố.

Ở bậc THCS, THPT, với gần 700.000 học sinh, có 17.000 em không có thiết bị và Internet, 5.000 em có thiết bị nhưng không có Internet.

Những thống kê này dựa vào báo cáo mới đây của các trường theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Sở đưa ra 3 yếu tố để các trường rà soát, nắm số liệu gồm: Học sinh không có thiết bị tối thiểu và đường truyền Internet, có thiết bị nhưng không có đường truyền, các lý do khác.

hoc-sinh-tieu-hoc-9484-1630648835.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=S4aMqgKwwslj-8kuNRGMDw

Học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) học trực tuyến tại nhà tháng 8/2021. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Hiện, các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận huyện, các trường lên phương án hỗ trợ từng nhóm học sinh khó khăn. Với học sinh đang ở quê, không có thiết bị và Internet học tập, nhà trường hướng dẫn phụ huynh đăng ký học trực tiếp tại địa phương.

Các trường đang kêu gọi phụ huynh, giáo viên góp các máy tính, điện thoại cũ hoặc góp tiền mua điện thoại mới cho các em khó khăn. Với học sinh có thiết bị nhưng đang ở trong khu phong toả, cách ly, nhà trường phối hợp địa phương chuyển tài liệu cho các em.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đơn vị này đang xây dựng mạng lưới tình nguyện viên, giao phiếu học tập đến tận nhà cho học sinh không thể học tập trên Internet. Sở cũng đang phối hợp đài truyền hình sản xuất các tiết dạy, chủ yếu ở bậc tiểu học, dự kiến phát sóng vào giữa tháng 9. Đây sẽ là kênh giúp học sinh tự học và hỗ trợ cha mẹ kèm con em.

Học sinh THCS, THPT tại TP HCM bắt đầu tập trung theo lớp bằng hình thức trực tuyến từ cuối tuần này, bắt đầu học chương trình mới từ ngày 8/9. Ở bậc tiểu học, từ ngày 8 đến 19/9 các trường tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, củng cố kiến thức và dạy chương trình mới từ 20/9.

Mạnh Tùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022