Save The Student, tổ chức hỗ trợ khủng hoảng và tài chính học sinh, đã chỉ ra thực trạng trên. Ước tính, chi phí sinh hoạt hàng tháng của sinh viên Anh là 795 bảng (23,8 triệu đồng), các khoản vay chỉ giúp trả 572 bảng (17,1 triệu đồng). Sinh viên vì thế phải đi làm thêm mỗi tháng để đủ tiền sinh hoạt, chưa kể đến các chi phí học tập khác.

Tuy nhiên, với tình hình Covid-19, nhiều ngành nghề dịch vụ đóng cửa, công việc làm thêm trở nên khan hiếm, lương cũng thấp hơn khiến việc trả phí sinh hoạt ở đại học trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Một nghiên cứu độc lập khác của Money Super Market, doanh nghiệp tài chính của Anh, cũng chỉ ra kết quả tương đồng. Theo đó, 20% sinh viên Anh đã phải vay tiền ngắn hạn với lãi suất cao để trả chi phí sinh hoạt hàng tháng.

"Tôi gần đây đã phải bỏ bữa trưa mỗi ngày ở trường đại học để tiết kiệm tiền cho các chi phí cần thiết", một sinh viên của Đại học Queen Mary danh giá chia sẻ. Anh cho biết, đây là tình trạng của đa số sinh viên. Thậm chí, 4% sinh viên phải làm các công việc tình dục và đến 10% khác cân nhắc lựa chọn này, chỉ để có đủ sinh hoạt phí hàng tháng.

shutterstock-298907810-9515-1600339319.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dpNo6-NrMqnMjVjf97nzKw

Sinh viên Đại học Portsmouth trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Shutterstock

Ông Jake Butler, chuyên viên tài chính của Save The Student, đánh giá đây là thực trạng đáng buồn, đặc biệt nguyên nhân chính là sự thiếu vắng của các tổ chức hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

"Việc này là hồi chuông cảnh tỉnh tới Chính phủ và các đại học Anh. Họ không thể để sinh viên bỏ học khi phải nỗ lực vượt qua những khó khăn một mình, đặc biệt là khi các khoản vay sinh viên không phản ánh chính xác chi phí thực của việc học đại học", ông Butler nói.

Ông khẳng định việc giúp sinh viên giải quyết vấn đề tài chính nên là vấn đề được bà Michelle Donelan, Thứ trưởng Giáo dục Anh phụ trách đại học, quan tâm hàng đầu. Việc này càng cấp thiết khi sinh viên thường nhận được sự hỗ trợ của gia đình ít hơn, thậm chí không có. Tuy nhiên, ngay cả khi phải bỏ học, các em cũng sẽ chật vật tìm việc vì nhiều ngành nghề đang lao đao vì Covid-19.

Nghiên cứu mới từ nhóm cố vấn Resolution Foundation chỉ ra rằng thế hệ trẻ trong độ tuổi 20, với phần lớn làm trong các ngành dịch vụ và bán lẻ, nhiều khả năng đã được cho nghỉ không lương trong thời gian đại dịch vừa qua. Trong đó, chỉ 20% được nhận trợ cấp thất nghiệp do Covid-19.

Đây là thời điểm quan trọng để Chính phủ Anh cân nhắc chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên và cả chương trình giáo dục được trợ cấp hướng tới các đối tượng lao động lớn tuổi hơn.

Bà Sara Khan, công tác tại Hiệp hội Sinh viên Anh, chia sẻ: "Giáo dục là quyền lợi mà học sinh cần được hưởng từ khi sinh ra đến khi chết đi. Nếu không được giáo dục, thế hệ trẻ sẽ không thể tìm được việc làm và vòng xoáy nghèo đói sẽ tiếp diễn không ngừng".

Phan Nghĩa (Theo Independent)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022