Tết là dịp mọi người du xuân, đến nhà thăm hỏi nhau. Đây là thời điểm trẻ học được nhiều điều mới lạ vì có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người. Để tránh tình trạng "muối mặt" vì con thiếu lễ phép, không lịch sự cũng như giúp con hiểu thêm về ngày lễ cổ truyền, cha mẹ cần dạy con 5 điều đơn giản dưới đây.

1. Dạy con những bài học về cội nguồn

Tết là dịp gia đình dạy cho con những phong tục truyền thống ngày Tết và những bài học về cội nguồn. Chẳng hạn như nhân dịp này, cha mẹ có thể hướng dẫn con gói bánh chưng, giới thiệu trò chơi dân gian ngày Tết, viết câu đối, viết thiệp chúc mừng, trang trí nhà cửa, trang trí mâm cỗ,…

Được cùng cha mẹ, ông bà chuẩn bị Tết, trẻ sẽ rất hứng thú, hạnh phúc với ngày Tết. Không khí gia đình cùng nhau chuẩn bị mâm quả, bánh chưng, trang trí Tết quả thật rất đầm ấm, đáng nhớ. Đây là cội nguồn nuôi dưỡng những tâm hồn bao dung, nhân ái, biết sẻ chia với mọi người.

Mặt khác, những đứa trẻ còn được bồi dưỡng các kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng làm việc nhà, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp. Trước những lợi ích to lớn như vậy, cha mẹ đừng quên trò chuyện, hướng dẫn con thực hiện những việc ý nghĩa trong dịp Tết.

photo-2-16738237226911627363407.jpg

Trong lúc cùng con làm những hoạt động ngày Tết như gói bánh chưng, trang trí mâm cơm,... cha mẹ hãy dạy con bài học về cội nguồn. (Ảnh minh họa)

2. Dạy con chúc Tết mọi người

Tết là dịp gia đình vui vầy, sum họp, trao cho nhau những nụ cười và lời chúc tụng để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình yêu thương với niềm mong ước một năm an vui, may mắn và hạnh phúc. Phong tục chúc Tết cũng là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Vì thế, cha mẹ hãy tranh thủ trước Tết Nguyên đán dạy con một số câu chúc Tết ý nghĩa. Chẳng hạn như với ông bà thì chúc "khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi", với người lớn thì chúc "sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt", với anh/chị thì chúc "hạnh phúc, may mắn, bình yên",… Những lời chúc ý nghĩa chắc chắn sẽ đem lại niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người. Để con có lời chúc hay, cha mẹ có thể tập cùng con trước Tết.

3. Dạy trẻ nhận lì xì đúng cách

Trẻ nhỏ rất thích lì xì. Tuy nhiên, cha mẹ cần dạy trẻ biết ý nghĩa của bao lì xì Tết và một số kỹ năng ứng xử khi nhận phong bao lì xì từ mọi người. Hãy dạy con phép tắc lịch sự tối thiểu như: Mỉm cười, cúi nhẹ đầu và nói lời cảm ơn với người tặng. Cha mẹ cũng hãy gợi ý nếu trẻ vô tình quên mất để trẻ cảm thấy bản thân được trấn an. Nhờ đó, trẻ sẽ bình tĩnh, tự tin và cư xử lịch sự hơn.

photo-1-167382371790029306684.jpg

Cha mẹ cần dạy trẻ biết ý nghĩa của bao lì xì Tết và một số kỹ năng ứng xử khi nhận phong bao lì xì từ mọi người. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, sẽ rất khó xử cho cha mẹ khi con vừa nhận lì xì đã vội vàng… mở phong bao, lôi tờ tiền ra ríu rít khoe: "Mẹ ơi, tiền này…!". Hoặc thậm chí tệ hơn là: "Sao ít tiền vậy?", "Chỉ được bây nhiêu thôi ạ?",… Đã có nhiều trường hợp oái oăm khiến cho chủ nhà lẫn khách tặng lì xì ngượng đỏ mặt, bối rối không biết cách giải quyết.

Trước Tết, cha mẹ cần giải thích với trẻ là phong bao lì xì để chúc trẻ may mắn, mau ăn chóng lớn, mạnh khỏe. Trẻ không nên mở ra xem ngay khi mới nhận, cũng không nên đưa ra lời khen chê ít nhiều. Cách ứng xử lịch sự nhất là nhận lì xì và cho vào túi, nói lời cảm ơn và ngoan ngoãn tiếp tục ngồi chơi.

4. Dạy trẻ cách ứng xử Tết chuẩn mực khi ăn uống

Hầu hết những ngày Tết, chủ nhà thường giữ khách tới chơi ở lại dùng cơm với gia đình. Người lớn có thể nhâm nhi vài chén rượu, ly bia vui xuân. Nhưng trẻ em thì lại khác. Trẻ sẽ hành động theo phản xạ tự nhiên, một khi đã ăn no, trẻ sẽ nhất quyết từ chối ở lại hoặc quậy phá trong bữa cơm.

Cách giải quyết tốt nhất trong tình huống ngượng ngùng này chính là chủ động mang theo đồ chơi cho trẻ. Ngoài ra, hàng ngày cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tuân thủ những quy tắc khi dùng bữa như: Không la hét, nghịch ngợm, không chạy nhảy trong nhà, không chạm vào các đồ dễ vỡ,… bởi sẽ gây ảnh hưởng đến người khác.

5. Kể cho trẻ nghe ý nghĩa của các món ăn truyền thống ngày Tết

Vào dịp Tết, hầu hết các gia đình Việt Nam đều không thể thiếu những món ăn truyền thống như: Bánh chưng, bánh tét, thịt gà, canh măng, kiệu muối, dưa hành, thịt đông,… Nhiều trẻ sẽ thắc mắc vì sao những món ăn này chỉ được làm dịp Tết? Các món ăn có ý nghĩa gì?

Lúc này, cha mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng, những món ăn ngày Tết mang nhiều ý nghĩa về mong ước một năm mới an lành, thịnh vượng. Người lớn có thể sử dụng câu chuyện "Sự tích bánh chưng, bánh dày" để dạy trẻ trân trọng những người nông dân "dãi nắng, dầm mưa" tạo nên hạt gạo trắng tinh khôi mà chúng ta ăn hàng ngày.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022