Nguyễn Bùi Minh Huy, sinh năm 2003, hiện là sinh viên trường Đại học Fulbright Việt Nam. Hồi tháng 9 năm 2022, Minh Huy đạt 8.5 IELTS, trong đó đạt điểm tuyệt đối 9.0 ở kỹ năng Listening (Nghe) và Reading (Đọc), 7.5 ở kỹ năng Writing (Viết) và Speaking (Nói).
Huy biết đến IELTS lần đầu tiên vào năm lớp 8, khi một người bạn của em giành học bổng trung học tại Mỹ đạt 7.5 IELTS. Tại thời điểm đó, vốn tiếng Anh của Minh Huy gần như bằng không, vì em không chuyên tâm và không có phương pháp học hiệu quả.
Nhận thức được giá trị của chứng chỉ IELTS trong ứng tuyển, học đại học và xin việc, Huy xin mẹ cho đi học tiếng Anh ở trung tâm. Nam sinh tham khảo nhiều trung tâm có tiếng hoặc những lớp dạy của giáo viên đạt điểm cao, nhưng với chi phí từ 12 đến 16 triệu đồng cho khóa học 2-3 tháng, gia đình em không kham nổi. "Em không muốn để bố mẹ thêm nặng gánh vì các khóa ngắn hạn chưa tới ba tháng. Em quyết định tự học", Huy nói.
Minh Huy tại Đại học Fulbright Việt Nam, TP HCM hồi tháng 9/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo Minh Huy, hai trở ngại lớn nhất của em khi bắt đầu tự học IELTS là không biết các nguồn tài liệu uy tín và không có người hướng dẫn. Huy từng "mắc kẹt" khi không thể triển khai luận điểm chuyên sâu mà chỉ cố khoe khoang vốn từ vựng trong vòng ba tháng đầu học IELTS. Ngoài ra, do không biết ghi chú nên em khó khăn để ghi nhớ từ vựng, ý tưởng hoặc cấu trúc ngữ pháp nâng cao.
Lúc này, Huy quyết định chia sẻ khúc mắc và xin ý kiến về bài làm của mình từ các bạn cùng lớp. "Em thường dành 2-3 ngày mỗi tuần để gửi bài nhờ các bạn nhận xét và góp ý cách hoàn thiện", Huy nói, cho biết việc này vừa giúp em học nhanh, vừa rèn giũa sự kiên nhẫn. Theo nam sinh, thời gian đầu, em mắc rất nhiều lỗi sai cơ bản về quy tắc viết hoặc tư duy không khách quan. Nhờ góp ý liên tục về ý tưởng và phương pháp tự học của bạn bè, em cải thiện dần và có sự tiến bộ rõ rệt từ cuối năm lớp 11. Ngoài ra, nam sinh cũng thử sức với thuyết trình tiếng Anh vào những buổi học với giáo viên nước ngoài.
Theo Huy, sự tập trung và liên tục rất cần thiết trong việc củng cố kỹ năng tiếng Anh. Để tăng vốn từ vựng, Huy thường dành một tiếng vào buổi sáng để học khoảng 15-20 từ hoặc cụm từ mới, chia thành 3-4 chủ đề khác nhau. Vào buổi chiều, nam sinh dành 30-45 phút để viết từ, kèm định nghĩa mà không nhìn vào ghi chú trước đó. Sau đấy, Huy dành 15 phút để kiểm tra lại độ chính xác, lưu ý các từ đã viết sai hoặc chưa đầy đủ định nghĩa.
Khoảng 9 tháng trước khi thi IELTS lần đầu vào tháng 1/2020, Huy đặt mục tiêu hoàn thành hai bài Nghe - Đọc, một bài Viết Task 2 mỗi ngày, liên tục năm ngày một tuần. Trung bình, Minh Huy đã dành gần bốn tiếng một ngày để hoàn thành. Trong ba tháng cuối cùng trước ngày thi, thay vì tăng số lượng bài Đọc và Nghe, Huy chú trọng xem lại các bài làm cũ. Em xác định các dạng câu hỏi khiến em mất điểm nhiều nhất và tập trung để cải thiện. Đây cũng là hai kỹ năng nam sinh thấy khó tăng điểm nhất do người học thường thiếu từ vựng, dẫn đến hiểu sai ngữ cảnh sử dụng, ý nghĩa câu trong bài.
Để lấp đầy lỗ hổng này, em áp dụng phương pháp "Active Recall" (Chủ động gợi nhớ) bằng cách dành một khung giờ trong ngày để học từ vựng và kiểm tra khả năng ghi nhớ thông qua việc ghi lại nhiều từ và định nghĩa nhất có thể mà không cần nhìn vào sách vở. Nhờ đó, nam sinh đạt 8.5 ở kỹ năng Đọc và Nghe, rồi đạt điểm tuyệt đối vào lần thi thứ hai hồi tháng 9/2022.
Ở bài Viết, Huy thường nhận đánh giá không tốt vì viết khó hiểu và thiếu thuyết phục người đọc. Cách của Huy là xem lại các bài cũ và tự phản biện lại, lồng ghép với các thông tin mới cập nhật. Nhờ thế, các luận điểm mà em đưa ra được cải thiện đáng kể về cách lập luận, cho dù từ vựng và ngữ pháp không cần quá xuất sắc. Bên cạnh đó, Huy còn dùng phương pháp phân tích "PESTEL" nhằm mở rộng luận điểm bài viết. Phương pháp này gồm 6 khía cạnh: Politics (Chính trị) – Environment (Môi trường) – Society (Xã hội) – Technology (Công nghệ) – Law (Luật pháp). Huy thường chọn hai khía cạnh sát với đề tài đã cho, và dựa trên đó để tìm kiếm thông tin hoặc ý tưởng mới.
Theo Huy, phương pháp không những giúp các ý tưởng được phát triển, mà còn trở thuyết phục hơn đối với người đọc, cho họ một góc nhìn rộng mở và sâu sắc về một chủ đề nhất định.
Chẳng hạn với chủ đề bình đẳng giáo dục "Topic 1: Education should be accessible to people of all economic backgrounds. All levels of education should be free" (Tất cả mọi người, bất kể về khả năng tài chính, nên được tiếp cận giáo dục. Mọi cấp độ của giáo dục nên được miễn phí). Để ứng dụng phương pháp PESTEL, Huy chọn khía cạnh Society và nghiên cứu các luận điểm liên quan. Sau đó, nam sinh viết dàn ý với luận điểm chính về xã hội là "Giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn nhờ có công ăn việc làm ổn định". Em phát triển bài viết theo hướng "Vì được đi học đầy đủ và có bằng cấp, vốn kiến thức và kinh nghiệm của họ có thể được cải thiện đáng kể. Nhờ thế, cơ hội nghề nghiệp của họ có thể tốt hơn, mang đến nguồn thu nhập vững vàng cho cuộc sống tương lai. Họ có thể chi trả được cho nhiều thứ hơn, phần nào giúp tăng chất lượng cuộc sống".
Huy lưu ý nên nhấn mạnh khả năng có thể xảy ra và không khẳng định tuyệt đối. Cụ thể, người học nên lưu ý các từ "Có thể" (may, can, be likely to) để diễn đạt xuyên suốt bài làm.
Về nguồn tài liệu, Huy thường dùng bộ sách Cambridge IELTS Academic 12-17. Nam sinh nhận định việc tự học IELTS sẽ tốn rất nhiều thời gian và có thể khiến người học nản lòng, thậm chí bỏ cuộc. Tuy nhiên, việc tự học không những giúp tiết kiệm tiền bạc mà còn giúp em rèn luyện tính kỷ luật. "Đừng học vì cảm hứng, hãy học vì kỷ luật. Để cho dù điểm số có thay đổi, bạn vẫn sẽ không cảm thấy nản lòng và ngày một đến gần tới mục tiêu của mình hơn", Minh Huy chia sẻ.
Lệ Thu