Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh sáng 9/7, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), nói "rất vui và ngạc nhiên" về số thí sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để đăng ký vào trường. Chứng chỉ này sẽ được quy đổi, cộng với điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi đánh giá năng lực, tư duy để tính ra điểm xét tuyển.
"Năm nay, chúng tôi nhận khoảng 11.000 hồ sơ có chứng chỉ tiếng Anh. Số thí sinh nhóm này tăng dựng đứng trong 6 năm qua", ông Triệu nói. Trong khi đó, chỉ tiêu dành cho nhóm này năm nay khoảng 2.800.
Theo ông Triệu, trong lần đầu dùng IELTS với yêu cầu 6.5 trở lên hoặc tương đương để xét tuyển hồi năm 2017, trường chỉ nhận được khoảng 50 hồ sơ. Tới năm 2018, số thí sinh có chứng chỉ tăng gần 10 lần, lên mức 300-400, rồi tiếp tục đạt 2.000 (tăng 40 lần) vào năm 2019.
Không chỉ tăng về số lượng, ông Triệu cho biết vài năm trước, 6.5 IELTS "đã rất mừng rồi", nhưng hiện khoảng 70% thí sinh đạt xét tuyển từ 6.5 trở lên, chủ yếu ở mức 7.0.
Để kiểm chứng chất lượng khi tuyển sinh bằng chứng chỉ tiếng Anh, trường Đại học Kinh tế quốc dân đã khảo sát kết quả đầu ra của nhóm sinh viên năm 2017. Xét trên thang điểm 10, điểm tổng kết của nhóm này cao hơn khoảng 0,3 điểm so với nhóm xét điểm thi. Theo ông Triệu, chênh lệch 0,3 nghe không lớn, nhưng đây là kết quả trong bốn năm với hơn 100 tín chỉ. Điều này cho thấy nhóm thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh "có khả năng học, đạt kết quả tốt trong quá trình đào tạo".
"Định hướng tuyển sinh đã góp phần thúc đẩy phong trào học tiếng Anh mạnh mẽ. Đây là chìa khóa quan trọng trong hội nhập quốc tế", ông Triệu nói.
PGS.TS Bùi Đức Triệu tại buổi ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của trường Đại học Kinh tế quốc dân, sáng 9/7. Ảnh: Thanh Hằng
Năm nay, trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển 6.200 sinh viên. Trong đó, xét bằng điểm thi tốt nghiệp chỉ chiếm 25% chỉ tiêu, 73% được dành cho các phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường, 2% tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của trường.
Trong đề án riêng, trường chia thí sinh thành năm nhóm: xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT; sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh với điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ kết hợp điểm thi tốt nghiệp của học sinh trường chuyên. Các nhóm thí sinh sử dụng điểm chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển chiếm khoảng 45% tổng chỉ tiêu.
Học phí trường Đại học Kinh tế quốc dân từ năm học tới khoảng 16-22 triệu đồng một năm với các chương trình chuẩn.
Thanh Hằng