Lê Quốc Nam trong vai chủ tiệm ăn bí ẩn trong Tiệm ăn của quỷ - Ảnh: ĐPCC
Tiệm ăn của quỷ là series phim kinh dị đánh dấu sự trở lại của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Hàm Trần. Phim gồm 6 tập, hiện đứng top 1 Netflix Việt Nam.
Mỗi tập phim tập trung khai thác một trong 5 tội lỗi lớn của con người theo giáo lý Phật giáo: Tham, Sân, Si, Ngạo và Nghi. Tập cuối cùng nói về Nghiệp và cái giá phải trả cho việc cố chấp phạm phải những tội lỗi, không chịu buông bỏ để quay đầu.
Phim xoay quanh bối cảnh chính là một tiệm ăn do chủ tiệm kiêm đầu bếp bí ẩn (Lê Quốc Nam thủ vai) điều hành. Nơi đây không chỉ phục vụ những món ăn mà còn giúp thực khách thực hiện những ước muốn sâu kín của họ.
Tuy nhiên, không có gì là miễn phí. Giống như Faust trong văn học phương Tây, một học giả bất mãn với cuộc đời, ký khế ước với quỷ để đổi lấy tri thức và quyền lực siêu nhiên, mỗi thực khách trong Tiệm ăn của quỷ cũng phải chấp nhận đánh đổi linh hồn, thể xác hoặc một điều gì đó quan trọng để có được điều họ khao khát.
Trailer Tiệm ăn của quỷ
Cái giá của tội lỗi trong Tiệm ăn của quỷ
Tiệm ăn của quỷ không chỉ là series giải trí đơn thuần mà còn là một tác phẩm mang tính ẩn dụ sâu sắc về tội lỗi, sự đánh đổi và bản chất con người. Phim khai thác những góc khuất của xã hội thông qua một tiệm ăn bí ẩn, không rõ tên, nơi tượng trưng cho bản năng, cho những khát khao và ham muốn không kiểm soát được.
Con người luôn bị cám dỗ bởi những lối tắt, những con đường nhanh chóng để đạt được thành công, tiền tài hay tình yêu, nhưng không ai có thể tránh khỏi hệ quả của nó.
Tiệm ăn của quỷ chọn hướng khai thác thông minh để giữ được sự cân bằng trong nội dung - Ảnh: ĐPCC
Những tội lỗi chính được khai thác cho thấy một góc nhìn sâu hơn về sự tha hóa. Người tham lam càng mong muốn vật chất lại càng đánh mất chính mình. Người bị nhấn chìm trong sự tức giận và khao khát trả thù cuối cùng cũng tự hủy hoại bản thân.
Người thiếu hiểu biết và u mê trong ảo tưởng mãi không nhận ra bản chất thật của sự việc.
Người quá tự tin không thấy trước hậu quả cho những hành động lầm lỗi. Người nghi ngờ luật nhân quả cuối cùng bị chính lựa chọn của mình trừng phạt.
Phim mang đến chất "đời" với những câu chuyện dễ bắt gặp, những nhân vật ở đủ mọi tầng lớp với đầy khiếm khuyết.
Ở ngoài đời thực, con người ta vốn cũng luôn phải đối diện với những "giao kèo" tàn nhẫn như thế: lách luật để kiếm tiền, phản bội người thân để đạt được mục tiêu, lợi dụng người khác để đi lên….
Nghiệp báo là phần phim tổng kết mọi tội lỗi, cho thấy dù là tham lam, giận dữ hay kiêu ngạo, tất cả đều dẫn đến một con đường chung: sự hủy diệt.
Tiệm ăn của quỷ có phần hình ảnh đẹp mắt, đôi khi mang đến cảm giác ma mị và siêu thực - Ảnh: ĐPCC
Hình ảnh quỷ dữ trong phim không xuất hiện rõ ràng, ẩn ý rằng quỷ không phải là kẻ chủ mưu mà giống như một nhân chứng lặng lẽ cho sự suy tàn của con người. Con người không cần quỷ dụ dỗ, chính họ đã tự tạo ra địa ngục cho mình.
Phim đưa ra lời cảnh tỉnh cho chúng ta: hãy cẩn thận với những lựa chọn trong cuộc sống. Những quyết định sai lầm có thể không giết chết ta ngay lập tức, nhưng sẽ ám ảnh ta suốt đời. Và những gì dễ đến cũng sẽ dễ đi, mọi sự gian dối đều có hậu quả.
Sự trở lại của Hàm Trần
Hàm Trần là đạo diễn có tư duy điện ảnh hiện đại, kết hợp được tinh thần Hollywood với chất Việt Nam. Anh đề cao yếu tố tâm lý và chiều sâu nhân vật, phản ánh những khía cạnh chân thực của con người thay vì những kịch tính bề nổi.
Trong Tiệm ăn của quỷ, đạo diễn phát huy thế mạnh của mình khi mang đến câu chuyện kinh dị kết hợp với các vấn đề tâm lý và ẩn dụ triết học. Phim không đi theo tuyến tính mà được chia thành nhiều tập phim độc lập với thời lượng vừa phải.
Cách kể chuyện này khiến bộ phim mang tới cảm giác như một tuyển tập truyện ngụ ngôn thời hiện đại, nơi mỗi câu chuyện đều có một bài học đạo đức riêng.
Hàm Trần mang tới một series kinh dị Việt chất lượng, đáng xem - Ảnh: ĐPCC
Hàm Trần hạn chế sử dụng jupmscare (hù dọa bất ngờ) mà tập trung vào sự căng thẳng tâm lý nhiều hơn. Đạo diễn cố tình tạo ra cảm giác bình thường ban đầu rồi từ từ chuyển sang bầu không khí đáng sợ.
Nhịp phim chậm rãi, có nhiều khoảng lặng, tạo điều kiện để nhân vật thể hiện những cảm xúc phức tạp. Các cảnh quay dài, góc máy tĩnh với ánh sáng mờ ảo được sử dụng để tạo cảm giác bất an, căng thẳng mà không cần đến hiệu ứng âm thanh ồn ào.
Điều này cũng tạo nên cảm giác mơ hồ, siêu thực, giống như một cơn ác mộng mà mỗi nhân vật trong phim không ai có thể thoát ra được.
Phim cũng sử dụng kết cấu vòng lặp, ám chỉ rằng dù có cố thay đổi số phận, con người vẫn phải đối mặt với hậu quả, nghiệp báo do chính mình gây nên.
Từ đây, tác phẩm đặt ra câu hỏi để người xem suy ngẫm về những quyết định trong cuộc sống: Liệu có phải đôi khi ta cũng đang đi vào vòng lặp sai lầm mà bản thân ta không nhận ra?
Tiệm ăn của quỷ có ý tưởng và phần sản xuất chất lượng, song tác phẩm gặp vấn đề trong lời thoại đôi khi thiếu tự nhiên. Hướng phát triển của mỗi tập phim đi theo cùng mô típ nên có thể đoán trước cái kết.