
Dưới ánh đèn sân khấu đêm chung kết "Điểm hẹn tài năng", một người đàn ông vừa ngồi sau cây đàn piano vừa cất giọng hát da diết "Dấu mưa" – tiết mục khiến cả ba giám khảo đều gật đầu không góp ý thêm điều gì. Đó là Thanh Thụy – nam giảng viên trẻ của Nhạc viện TP.HCM, cũng là quán quân năm nay.

Ít ai biết rằng, sau dáng vẻ điềm đạm ấy là một hành trình âm thầm và nhiều thử thách: từ một cậu bé nghêu ngao bên cây đàn điện tử tuổi thơ, đến người nghệ sĩ trẻ lựa chọn Jazz – dòng nhạc kén khán giả – làm định hướng chuyên môn. Không ồn ào, không "chiêu trò", âm nhạc của Thụy là kết quả của sự nuôi dưỡng đam mê, lòng biết ơn dành cho người thầy dẫn đường, và khát vọng lan tỏa những giá trị âm nhạc bền vững tới thế hệ trẻ.
Trong cuộc trò chuyện dưới đây, Thanh Thụy chia sẻ về hành trình nghệ thuật lặng lẽ nhưng mạnh mẽ của mình – nơi giảng dạy, biểu diễn và cống hiến cộng đồng không tách biệt, mà là những mắt xích bổ trợ nhau trong hành trình làm một nghệ sĩ thực thụ.
Từ cậu bé học đàn đến quán quân "Điểm hẹn tài năng"
Bạn đến với âm nhạc qua cây đàn piano – điều gì khiến một cậu bé không có nền tảng nghệ thuật lại gắn bó với con đường này lâu đến vậy?

Khi còn là một cậu bé 4-5 tuổi, Thụy may mắn được gia đình cho đi học keyboard, và khi chơi những giai điệu của các bản nhạc, Thụy bắt đầu nghêu ngao một cách ngẫu hứng từ những giai điệu ấy, và mọi người nhìn nhận ra là cậu bé này có năng khiếu về ca hát. Thụy nghĩ là kể từ đó, trong mình đã ươm mầm một niềm đam mê rất lớn đối với âm nhạc nói riêng và về ca hát nói chung. Tuy vậy, việc theo con đường này không hề dễ dàng, bất kì lĩnh vực nào cũng thế không chỉ riêng âm nhạc, mình phải nuôi dưỡng đam mê và để ngọn lửa đấy luôn được thắp sáng, có lẽ gia đình là chỗ dựa tinh thần cũng như những người ủng hộ Thụy trong suốt quá trình này.
Tại sao bạn chọn theo học chuyên sâu về Jazz – một dòng nhạc khá kén người nghe tại Việt Nam?
Jazz là dòng nhạc đã giúp Thụy tìm lại được chính màu sắc trong chất giọng của riêng mình. Trước khi được tiếp xúc với Jazz, Thụy đã thiếu sự định hướng và chưa hiểu rõ việc mình cần gì, và bắt chước khá nhiều nghệ sĩ trong cách hát. Khi học jazz và nghe những người nghệ sĩ quốc tế biểu diễn, Thụy thấy mỗi cá nhân đều là mỗi màu sắc khác nhau, không ai giống ai, tự nhiên và phóng khoáng, chính vì thế mà Thụy đã tìm tòi và quyết tâm theo đuổi dòng nhạc này để tìm ra đúng cái "chất" của riêng mình. Và Jazz không chỉ gói gọn trong một thể loại, mà nó hoàn toàn có thể được kết hợp và áp dụng vào những dòng nhạc khác nhau, chung quy, âm nhạc đều cần cảm xúc, tự nhiên, và gần gũi.

Trở thành một trong những sinh viên đầu tiên được đào tạo bài bản về nhạc nhẹ tại Nhạc viện TP.HCM, bạn có cảm giác gì đặc biệt?
Ban đầu, Thụy đã theo học Thanh Nhạc tại Nhạc Viện TPHCM vào năm 2016, và mình đã học 2 năm Cổ Điển hệ Trung Cấp. Nhưng khi khoa Thanh Nhạc Nhạc Nhẹ được thành lập vào năm 2018, Thụy đã rất hào hứng khi mình sẽ được đào tạo bài bản về dòng nhạc này, điều mà mình luôn mong muốn theo đuổi, và mình chọn vì nó thật sự phù hợp với mình. Chính vì thế mà mình đã quyết định đổi sang học ở khoa này.
Điều gì thôi thúc bạn tham gia "Điểm hẹn tài năng" khi đã có vị trí nhất định trong nghề giảng dạy âm nhạc?
Thụy cũng chỉ mới được giảng dạy ở vị trí giáo viên Thanh Nhạc Nhạc Nhẹ được vài tháng mà thôi, và Thụy chỉ đang đảm nhiệm 2 bạn học sinh, cũng là những hậu bối của mình khi mình còn trên ghế nhà trường. Chính vì thế, Thụy nghĩ rằng vị trí của mình là một người đàn anh đi trước, truyền đạt và chia sẻ lại những kinh nghiệm cho các bạn trẻ một cách dễ dàng hơn, gần gũi hơn.
Thụy chọn cách biết lắng nghe bản thân mình, và khi mình thật sự tự tin, Thụy sẽ quyết định tham gia một cuộc thi nào đó. Thụy cũng đã từng chia sẻ, 11 thí sinh còn lại trong chương trình, có những bạn chỉ 20-23 tuổi, nhưng màu sắc âm nhạc rõ ràng và chất giọng cực kỳ cuốn hút, tràn đầy năng lượng và sự tự tin, điều mà Thụy ở độ tuổi này mình chưa bao giờ làm được. Chính vì thế, mình đã tham gia Điểm Hẹn Tài Năng khi ở độ tuổi không còn trẻ.

Tiết mục "Dấu mưa" giúp bạn đăng quang được chuẩn bị ra sao? Vì sao bạn chọn hình thức vừa hát vừa đệm piano cho đêm chung kết?
Lần đầu tiên, Thụy mang đến một màu sắc hoàn toàn khác của bản thân qua ca khúc Dấu Mưa. Với bản phối theo phong cách symphony rock, một diện mạo mới mẻ, sự kết hợp giữa âm nhạc cổ điển và âm nhạc hiện đại đã luôn là điều mà Thụy muốn mang đến trong chương trình, và mình đã dành hết điều này cho đêm nhạc cuối cùng. Thụy tin rằng, âm nhạc luôn đổi mới không ngừng, và Dấu Mưa lần này, là một dấu mốc đáng nhớ nhất đối với Thụy. Cây piano trong đêm diễn đã phần nào giúp Thụy truyền tải được tốt hơn về tính chất âm nhạc của bài hát, và hình dung mình đang biểu diễn một nhà hát lớn ở nước ngoài, nhưng lại vang lên một bài hát Việt Nam, điều mà Thụy nghĩ rằng mình thật sự xúc động và tự hào cho âm nhạc nước nhà.

Bạn nghĩ yếu tố nào trong phần trình diễn của mình khiến cả ba giám khảo đều không còn gì để góp ý?
Thụy nghĩ rằng mình đã hoàn toàn nhập tâm vào bài hát, với một bản phối tuyệt vời đến từ band nhạc 24K. Mọi thứ trong phần trình diễn đều diễn ra một cách tự nhiên, chân thành và cảm xúc – những gì Thụy mong muốn để có thể chạm đến trái tim khán giả. Vì đây là đêm chung kết, cũng là đêm diễn cuối cùng của chương trình, Thụy đã dồn hết tâm huyết và cảm xúc của mình để thể hiện trọn vẹn nhất từng câu hát, từng khoảnh khắc trên sân khấu.
Có áp lực nào khi được gọi là "nghệ sĩ thực thụ" – một nhận xét rất lớn từ những tên tuổi như Huy Tuấn, Hồ Ngọc Hà?
Thụy cũng đã rất hạnh phúc vì mình đã cống hiến hết mình và được nhận những lời khen từ ban giám khảo, tuy vậy, Thụy thấy mình vẫn còn nhiều thiếu sót và không bao giờ được phép ngủ quên trên chiến thắng, và phải cố gắng nhìn lại những gì mình còn chưa tốt để tạo động lực lực cho bản thân, để những phần trình diễn sau này cũng như là sau cuộc thi, mình luôn có một thái độ nghiêm túc với những gì mình làm.

Là giảng viên tại Nhạc viện TP.HCM khi còn rất trẻ, bạn cân bằng giữa chất nghệ sĩ cá tính và tính sư phạm thế nào?
Đây là hai công việc tưởng chừng rất khác nhau, nhưng với Thụy, chúng lại bổ trợ cho nhau một cách rất hài hòa. Làm giảng viên tại Nhạc viện TP.HCM giúp Thụy có cơ hội làm chuyên môn một cách đều đặn, không ngừng đào sâu kiến thức và giữ cho bản thân luôn gắn bó với âm nhạc một cách bài bản.Ngược lại, việc tiếp xúc với các bạn sinh viên trẻ cũng là nguồn cảm hứng rất lớn. Qua quá trình giảng dạy, Thụy được học hỏi ngược lại từ các bạn – từ gu âm nhạc, đến những bài hát mới, màu sắc âm nhạc mới. Điều đó giúp Thụy luôn làm mới mình, cập nhật liên tục. Vì vậy, thay vì phải "cân bằng" giữa hai vai trò, Thụy nhìn nhận chúng như hai mảnh ghép hỗ trợ nhau – một bên giữ cho Thụy sự chỉn chu, nền tảng; một bên cho Thụy sự tự do sáng tạo và cảm xúc cá nhân, điều mà rất quan trọng đối với một người nghệ sĩ biểu diễn

Chiến thắng một cuộc thi là một bước khởi đầu mới
Bạn có đang nhìn thấy vai trò của mình như một cầu nối đưa Jazz và R&B đến gần hơn với khán giả trẻ?
R&B không phải là dòng nhạc xa lạ ở Việt Nam – đã có rất nhiều nghệ sĩ nổi bật theo đuổi và thành công với thể loại này như Đinh Mạnh Ninh, Hoàng Tôn… Họ đều là những người truyền cảm hứng rất lớn cho Thụy. Với thế hệ khán giả trẻ hiện nay, Thụy cảm nhận được sự cởi mở và sẵn sàng đón nhận những chất liệu âm nhạc mới mẻ, miễn là chúng được tiếp cận một cách gần gũi, tinh tế. Trong các phần trình diễn của mình, Thụy cũng đã lồng ghép khá nhiều yếu tố của nhạc Jazz và thật may mắn khi nhận được sự đón nhận rất tích cực từ khán giả. Thụy mong rằng chính sự kết hợp đó sẽ giúp đưa dòng nhạc Jazz đến gần hơn với khán giả đại chúng, theo một cách dễ cảm và thân thiện hơn, đặc biệt là với giới trẻ
Từ giảng đường bước lên sân khấu lớn, điều gì thay đổi trong cách bạn nhìn nhận âm nhạc?
Thụy đã rất muốn chia sẻ điều này khi còn trong quá trình tham gia cuộc thi, có một "người hùng" rất thầm lặng mà Thụy luôn trân quý và biết ơn sâu sắc, người đã đặt một cột mốc trong hành trình nghệ thuật chuyên nghiệp của mình, đó chính là cô giáo của Thụy – Th.S, NSƯT Minh Huyền.
Những gì tạo nên thành công của Thụy ngày hôm nay – từ kỹ thuật thanh nhạc vững vàng, sự điềm đạm trong phong cách đến sự chỉn chu, định hướng rõ ràng và văn minh trong đạo đức nghề nghiệp – đều là nhờ vào công ơn to lớn của cô. Thụy may mắn được đến với cô vào một thời điểm rất đặc biệt, khi đang hoang mang và mất phương hướng trên con đường nghệ thuật của chính mình.Cô không chỉ là giáo viên chuyên môn của Thụy, mà còn là người dẫn đường, đồng hành và nâng đỡ Thụy bằng tất cả tình thương, sự tận tâm, mà chưa từng một lần đòi hỏi sự đền đáp nào. Trong suốt hành trình tham gia chương trình, cô cũng là người luôn sát cánh và hỗ trợ Thụy rất nhiều, đặc biệt trong những lúc khó khăn – từ việc phải xa nhà, phải tập làm quen với cường độ luyện tập căng thẳng, cho đến cảm giác bỡ ngỡ khi lần đầu bước lên một sân khấu lớn. Cô luôn nhắc nhở Thụy đừng bao giờ nản lòng, hãy cứ vững tin vào chính mình và vào con đường mà mình đã chọn.

Với Thụy, cô không chỉ là một người thầy, mà còn như một người mẹ, một người truyền cảm hứng và một người bạn đồng hành. Chính những giá trị và tình cảm sâu sắc ấy đã khiến Thụy bước lên sân khấu với sự khiêm nhường, biết ơn, và trách nhiệm – không chỉ với nghệ thuật, mà còn với những người đã đặt niềm tin nơi mình. Thụy xin cảm ơn cô, người đã tạo nên một chiến binh kiên cường không bao giờ bỏ cuộc.
Sau khi giành quán quân, bạn sẽ ưu tiên điều gì hơn – âm nhạc cá nhân, giảng dạy hay dự án cộng đồng?
Với Thụy, cả ba đều mang ý nghĩa rất riêng và bổ trợ cho nhau. Âm nhạc cá nhân là nơi Thụy được sống trọn với cảm xúc, với sáng tạo. Giảng dạy lại là cách Thụy duy trì chuyên môn, học hỏi từ thế hệ trẻ và nuôi dưỡng tình yêu nghề một cách bền vững. Còn các dự án cộng đồng chính là cầu nối để âm nhạc lan tỏa giá trị tích cực đến với nhiều người hơn. Thụy tin rằng, khi làm mọi thứ bằng cái tâm và sự tử tế, thì dù ở vai trò nào, mình cũng đang góp phần làm đẹp hơn cho âm nhạc và cho cộng đồng mà mình đang sống trong đó.

Bạn nghĩ nghệ sĩ trẻ hiện nay cần nhất điều gì để trụ vững và tạo được dấu ấn lâu dài?
Trong thị trường âm nhạc đầy sự đa dạng và cạnh tranh cao hiện nay, điều quan trọng nhất chính là phải xây dựng cho mình một nền tảng thật vững chắc – cả về chuyên môn lẫn tư duy nghệ thuật. Bên cạnh đó, thẩm mỹ âm nhạc cũng là yếu tố không thể thiếu, giúp người nghệ sĩ đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong hành trình phát triển lâu dài. Và cuối cùng là không bao giờ bỏ cuộc. Khi mình giữ được đam mê và sự kiên định, Thụy tin rằng ai cũng có thể đi đến cùng con đường mình đã chọn.
Nếu có thể gửi một thông điệp đến những người trẻ đang chênh vênh giữa đam mê và thực tế, bạn sẽ nói gì?
Thụy nghĩ rằng, chúng ta hãy cứ trải nghiệm thật nhiều, thử sức thật nhiều, đừng sợ va vấp hay lạc lối. Mỗi lần thử là một lần hiểu mình hơn, và đôi khi, chính những ngã rẽ bất ngờ lại đưa ta đến nơi cần đến, mỗi người đều có một mốc thời gian riêng của chính mình, chỉ cần bình tĩnh đi từng bước một, lắng nghe chính mình, điều đó sẽ giúp bạn nhận ra điều gì là thực sự quan trọng và phù hợp.