Trong xã hội hiện đại, tri thức bản quyền không chỉ là quyền lợi pháp lý mà còn là thước đo văn minh của một quốc gia. Thế nhưng tại Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, với nhiều hình thức tinh vi. Từ việc phát tán phim ảnh, âm nhạc lậu đến sao chép sách giáo trình, phần mềm không bản quyền, tất cả đang để lại hậu quả nặng nề cho người sáng tạo, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Mới đây, vụ việc FMovies - một trong những trang web vi phạm bản quyền trực tuyến nổi bật nhất trên phạm vi toàn cầu - đã bị đánh sập và vừa được cơ quan chức năng hoàn tất cáo trạng, đã nhận được sự chú ý của công chúng. Đây có thể nói là vụ án lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam trong lĩnh vực bản quyền. Điều đáng nói trang web này do một nhóm người Việt thành lập, điều hành trong gần 10 năm và cung cấp tới gần 50.000 bộ phim vi phạm bản quyền, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 cho đến khi bị triệt phá vào giữa năm 2024, FMovies có quy mô tầm cỡ quốc tế. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, trang web này thu hút tới 2,4 tỷ lượt truy cập trên toàn thế giới, gần gấp đôi các nền tảng hợp pháp lớn trong cùng khoảng thời gian này như Disneyplus, Primevideo.com. Bức tranh càng đối nghịch hơn khi so sánh với thị trường trong nước. Tổng ba nền tảng cung cấp nội dung lớn tại Việt Nam như FPT Play, Viettel và Galaxy Play thu hút 28.8 triệu lượt truy cập, tức là chỉ bằng hơn 1% lượt truy cập vào FMovies.

FMovies bị đánh sập là một tin vui với ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam nhưng cũng cho thấy thực trạng vi phạm bản quyền nhức nhối tồn tại dai dẳng nhiều năm qua. Theo một thống kê năm 2022, vi phạm bản quyền khiến Việt Nam thiệt hại ước tính khoảng 350 triệu USD, tương đương từ 7000 - 8000 tỷ đồng. Để dễ hình dung, số tiền này bị mất đi tương đương với hàng trăm trường học, hàng chục bệnh viện hoặc là hàng trăm sản phẩm sáng tạo bị giết chết trước khi kịp ra đời. Doanh nghiệp sáng tạo chân chính thì phải đầu tư chi phí lớn để mua bản quyền, đầu tư hạ tầng, biên tập nội dung trong khi tội phạm chỉ ngồi mát ăn bát vàng, khiến người sáng tạo có thể mất động lực, không đầu tư công sức vào những sản phẩm mới.

Theo một thống kê năm 2022, vi phạm bản quyền khiến Việt Nam thiệt hại ước tính khoảng 350 triệu USD, tương đương từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng.
Khoảng 80% các hành vi vi phạm bản quyền diễn ra trên các nền tảng số, khó xử lý nhất là các website lậu. Không còn là những hành vi sao chép thô sơ như trước, các đối tượng vi phạm giờ đây sử dụng hàng loạt thủ đoạn tinh vi như ẩn địa chỉ IP, máy chủ đặt ở nước ngoài hay dùng công nghệ phát trực tuyến. Việc ngăn chặn xử lý trở thành cuộc rượt đuổi không cân sức giữa cơ quan chức năng với một hệ sinh thái vi phạm đầy biến ảo, linh hoạt và ngày càng chuyên nghiệp.
Mặc dù vi phạm bản quyền tại Việt Nam diễn ra phổ biến và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ngành công nghiệp sáng tạo nhưng trên thực tế, phần lớn các trường hợp vi phạm chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, nhắc nhở hoặc gỡ bỏ nội dung số vụ bị xử lý hình sự vẫn đếm trên đầu ngón tay. Điều đó khiến cho các nhà sáng tạo trong nước gặp nhiều trở ngại khi thương thảo bản quyền và đối tác quốc tế, do đó ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Chống vi phạm bản quyền không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà là bổn phận chung của toàn xã hội. Mỗi lần xem một bộ phim lậu, tải một phần mềm lậu, chúng ta cần phải hiểu rằng mình đang vô tình góp phần làm tổn thương những người sáng tạo chân chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!