Những tác phẩm trong 1/4 thế kỷ cũng như những tản văn và ghi chép đã được nhạc sĩ Đỗ Bảo gom lại để in trong cuốn sách: "Đỗ Bảo: Ca khúc giai đoạn 1997-2022".

Lần đầu tiên có sự kết hợp của bản nhạc và tản văn, ghi chép của nhạc sĩ trong một ấn phẩm được biên soạn công phu. Đỗ Bảo: Ca khúc giai đoạn 1997-2022 thỏa mãn mong chờ chính đáng từ độc giả được biết những ẩn tình đằng sau các bài hát? 

Tuy nhiên nhạc sĩ khẳng định: "Tôi ngại rao bán đời mình. Để kể 'xưa tôi yêu cô này viết bài này' thì tôi chưa muốn. Cũng có những thổ lộ như thế nhưng rất rất ít thôi. Tôi muốn sẽ tiếp tục làm những tuyển tập cho những thời kỳ tiếp theo. Khi nào mình già nhất, bắt đầu viết dạng hồi ký, hay bút ký về những nhân vật cùng thời và có gắn bó".

Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Nhạc sĩ Đỗ Bảo, tác giả của loạt tình ca được nhiều người yêu thích, nhưng có vẻ là một người sống... hướng nội. Viết văn là niềm yêu thích của anh. Thế nên nhạc sĩ không ra mắt ca khúc, hay MV mà là ra sách cũng không hẳn là điều bất ngờ với Đỗ Bảo. 

"Chẳng qua tôi bận quá, ít có thời gian được ngồi viết" - anh nói - "Để viết, tôi phải tĩnh hoàn toàn, phải có vài ngày rỗi rãi hoàn toàn. Chứ không thể viết buổi sáng, chiều lại lo việc khác. Sau này cố gắng sẽ có những cuốn kiểu ôn lại các câu chuyện cũ của âm nhạc, những cuộc gặp gỡ với ca sĩ, kỷ niệm của mình với các đồng nghiệp".

Âm nhạc Đỗ Bảo dù được nhiều người yêu thích nhưng vì sự phức tạp của hòa thanh, khúc thức nên xem ra vẫn khó phổ cập so với mặt bằng chung. Việc các tác phẩm của anh được phát hành ở dạng văn bản chính thức góp phần quan trọng giải quyết vấn đề này.

Nhạc sĩ cho biết thêm: "Một số ca khúc của tôi về khúc thức chuyển điệu, tiến trình giai điệu, cấu trúc tác phẩm khá khác với cấu trúc truyền thống hay cấu trúc quốc tế. Dẫn đến việc một số ca sĩ cảm thấy khó hát, các nhạc sĩ cũng ngại phối vì trúc trắc, thì sách giúp mọi người nắm bắt rất dễ".

dobaosongbook2-1746936230337204997713.jpg

Cuốn "Đỗ Bảo: Ca khúc giai đoạn 1997-2022"

Đỗ Bảo: Ca khúc giai đoạn 1997-2022 dành cho những người học nhạc, làm nhạc, chơi nhạc có thể tìm hiểu và thể hiện chính xác âm nhạc của Đỗ Bảo trên guitar, piano... Bên cạnh các văn bản ca khúc kèm hóa thanh, phần đệm cho piano, cũng có sẵn những bài cho nhạc cụ độc tấu do chính tác giả chuyển soạn.

Cuốn sách cũng là sự chia sẻ những gì quý giá nhất của Đỗ Bảo. Sự chia sẻ còn đến từ… giá bán cuốn sách. Tác giả để giá bìa 1 triệu đồng để hài hòa với mặt bằng chung, cho người yêu nhạc dễ tiếp cận. "Số tiền không lớn gì. Khi so với hầu hết sản phẩm tiêu dùng ngày nay, hay so với cát-xê của giới nghệ sĩ có tên tuổi nói chung. Nhưng nghịch lý là nó có vẻ không nhỏ đối với một cuốn sách nhạc, tôi đã rất trăn trở và tự hỏi suốt nhiều năm. Tạm thời mức đó hài hòa để mình đạt được mọi mục đích. Nếu để kiếm tiền mình đã không bỏ ra nhiều năm làm sách". Hiện nay để sở hữu một bản nhạc qua mạng, người dùng phải trả 3-5 đô, trong khi sách của Đỗ Bảo gồm 100 bài hát.

dobaosongbook6-17469362304041092833185.jpg

Sách được nhận xét là "sự chia sẻ công phu của nhạc sĩ"

Chia sẻ về tác phẩm, BTV âm nhạc Đặng Thu Hương (VTV1) nhận định: "Cuốn sách là sự chia sẻ rất công phu của tác giả. Đây sẽ là tư liệu quý để từ đó nghiên cứu ra rất nhiều vấn đề về âm nhạc học, về ca từ, thậm chí về phong cách riêng của nhạc sĩ. Gia tài này hiếm nhạc sĩ của nước mình có được." Đỗ Bảo cho biết, đã có nghiên cứu sinh tại Học viện Âm nhạc xin bài của anh làm tư liệu nghiên cứu: "Giờ thì không cần xin nữa vì trong này có hết".

dobaosongbook27-17469362306841500211987.jpg

Hơn ai hết, Đỗ Bảo hiểu tầm quan trọng của những cuốn sách nhạc đối với một người làm nhạc chuyên nghiệp. Anh cho biết: "Tôi trưởng thành cũng từ những cuốn sách. Tôi biết chắc chắn phải có những cuốn sách thì người ta mới giỏi được. Những năm đầu tiên nếu mình không tập những bài nhạc trong sách thầy mình cho mình thì làm sao có tôi bây giờ. Có những người không đi từ những cuốn sách nhạc nhưng vẫn nổi tiếng vì những lý do nào đó. Nhưng những người được đánh giá cao đều phải đi từ hạt giống căn bản nhất là những bản nhạc, làm việc với bản nhạc. Ca sĩ phải giở bản nhạc ra hát, nhạc sĩ phải giở bản nhạc ra phối, không thể thiếu được".

Đỗ Bảo kể: "Khi tôi làm Nhật thực, Cánh cung đó vẫn là những thứ rất mới mà dàn nhạc không thể cảm được và chơi được. Nên phần nhạc đệm hầu như (tầm 60-70%), tôi phải soạn trên máy tính. Thời đấy mọi người chỉ quen đánh một thứ… bàng bạc giống nhau hoặc một số làn điệu hơi dân gian trong một số kiểu cách rất hẹp. Muốn có câu guitar hay đặc biệt dàn dây, kèn đồng, như mình muốn chỉ còn cách lấy sampler (mẫu âm) làm trên máy tính.

Tôi là một trong những người dùng máy tính đầu tiên ở Việt Nam từ khoảng 1997. Vì có ông anh làm ở Viện Tin học Quốc gia. Tôi tiếp cận internet sớm, và sớm có phần mềm soạn nhạc chép nhạc trên máy tính. Bước tiếp theo là đi mua đĩa thư viện âm thanh mẫu quốc tế. Thời đấy âm thanh công nghệ rất kém, không thu được dàn dây. Mất bao nhiêu ngày tháng mới làm xong phần dàn dây để "kêu" được như trong ablum Cánh cung (tiếng dàn dây trong những bản thu đầu tiên của Bức thư tình đầu tiên hay Điều ngọt ngào nhất được "nhân tạo" như thế). Thời đấy sampler thô sơ lắm. Nhưng mình vẫn phải cố làm được những cái "cứa" rất khủng khiếp vút lến thế này. Phải ngồi ráp nhiều track nhạc nhỏ ti ti từng kỹ thuật đàn để âm thanh lúc khoan lúc nhặt, lúc cuộn lên được".

dobaosongbook21-17469362305711224792929.jpg

Để cuốn sách này ra đời, Đỗ Bảo cho biết phải mất "7-8 năm gian nan", chưa kể những thời gian ngắt quãng dài đến cả năm. Công trình ra đời trong hoàn cảnh các nhạc sĩ hầu như không còn xuất bản sách nhạc, thay vào đó là hồi ký. Cuốn sách này kết hợp cả hai hình thức đó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nhận định "Đây là nét mới trong đời sống âm nhạc, trong định dạng xuất bản sách". Đỗ Bảo "phân trần": "Không phải mình chơi ngông, mình làm đúng chuẩn suy nghĩ của mình, trong phạm vi mình có thể làm và mình muốn làm".

dobaosongbook16-1746936230520286151040.jpg

Việc minh họa cho cuốn sách được khởi động từ mùa xuân 2019. Nha Đam (tên thật là Tâm) đảm nhận vai trò họa sĩ thiết kế và trình bày sách và bắt đầu đồng hành cùng nhạc sĩ cũng từ thời điểm đó. 

"Nếu cả hai biết sẽ mất 5 năm thì có khi cũng nản đấy," cô cười. "Anh Bảo nói 'cứ coi cuốn sách này là của em'. Những bức đầu tôi vẽ anh Bảo xem bảo hơi nữ tính. Sau cứ tiết chế dần. Bớt nhiều những bản nhí nhảnh. Cuối cùng còn khoảng 20 bức. Tính chất nhạc của anh Bảo súc tích nên lúc vẽ tôi không muốn tả thực hay màu mè. Về thiết kế cũng chủ yếu là tiết chế chứ không trưng trổ kỹ thuật".

dobaosongbook26-174693623061879066415.jpg

Cuốn sách được thiết kế bởi Nha Đam - một fan của nhạc sĩ Đỗ Bảo

Tâm tự nhận là "fan ngầm" của Đỗ Bảo: "Trong quá trình làm sách, tôi hiểu hơn về nhiều bài của anh. Tôi còn xin anh cho chụp tất cả bản thảo ca khúc từ ngày xưa. Những bản nhạc rất cũ với chữ viết tay của tác giả. Chụp được tôi rất thích". Vì thế ngoài các tranh minh họa, có hai ảnh chụp bản thảo được sử dụng.

Nhạc sĩ cũng tham gia công tác chế bản, khi tự tay chỉnh sửa từng nốt, từng ký hiệu nhạc, font chữ, căn lề, canh dòng… theo mẫu nhà thiết kế đưa ra. "Tôi tưởng anh có trợ lý. Sau mới biết anh ấy tự làm tất những cái đấy. Siêu mất công, tôi nhìn tôi còn ngại," Nha Đam nói.

Đỗ Bảo cho biết dự tính trong năm 2025 sẽ làm chuỗi các chương trình biểu diễn quy mô nhỏ ở các thành phố. Mỗi buổi đón 200 đến 400 khách, ngoài trời hoặc trong nhà. Anh chia sẻ: "Chỉ là tôi đến chơi, đệm hát cho 1-2 ngôi sao và mời 1-2 ca sĩ giỏi nhất ở địa phương đấy. Coi như buổi gặp những người yêu mến âm nhạc của mình ở vùng đấy, ký tặng giao lưu với những bạn mua sách có thể sẽ đến. Rất rất khó nhưng sẽ cố gắng làm. Mình sẽ phải tìm rất nhiều người đồng hành".

Thay vì xin tài trợ cho dự án, nhạc sĩ mong muốn tìm "bạn đồng hành". "Những nhà cung cấp địa điểm, phương tiện vận chuyển… tìm thấy trong dự án của mình niềm vui và lợi ích thì mời họ cùng phối hợp. Hành trình này nếu được ghi lại dưới dạng tư liệu hành trình tôi tin sẽ hấp dẫn khán giả," Đỗ Bảo nói.

XEM THÊM CÁC TIN TỨC GIẢI TRÍ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022