Không thể phủ nhận có một làn sóng trong Vpop đang khai thác mạnh mẽ chất liệu dân tộc vào trong sản phẩm và có những hiệu quả nhất định. Có nhiều cách khai thác và sử dụng vào trong sản phẩm âm nhạc, MV Gối gấm của Phương Mỹ Chi mới ra mắt cho thấy một cách khai thác riêng.

1. Gối gấm là sản phẩm kết hợp giữa Phương Mỹ Chi và DTAP. Đây là một trong những ca khúc nằm trong album Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi đã phát hành tháng 9/2023. Cùng trong album này, Phương Mỹ Chi đã phát hành 2 MV Vũ trụ có anhĐẩy xe bò. Trong đó, Vũ trụ có anh khá bất ngờ khi được khán giả một số nước trong khu vực đón nhận.

Và lần này, MV Gối gấm ra mắt ngày 25/6/2024, tính đến 1/7, sau gần 1 tuần phát hành trên kênh YouTube của nữ ca sĩ với 580 nghìn người theo dõi, MV thu về hơn 620 nghìn lượt xem, 29 nghìn lượt thích, hơn 2100 bình luận và đứng số 17 trong danh mục âm nhạc thịnh hành.

Có thể nói Gối gấm là tổng hợp những dữ liệu liên quan đến yếu tố văn hóa, truyền thống, tất cả được "chế biến", lắp ghép vào nhau trong phần nhạc và lời cũng như phần hình để trở thành một MV hoàn chỉnh. Thông qua giới thiệu của ê-kíp thực hiện, có thể thấy một vài "dữ kiện" chính như sau:

Phương Mỹ Chi với trang phục áo dài dân tộc cùng hình ảnh con cò trong MV "Gối gấm"

MV khai thác chất liệu văn học, lấy cảm hứng từ thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, lấy cảm hứng từ truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê viết năm 1971, đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 (tập 2); khai thác chất liệu lịch sử, lấy cảm hứng từ hình tượng nữ tướng Triệu Thị Trinh.

MV cũng khai thác chất liệu nghệ thuật dân tộc, cụ thể là âm hưởng của hò xứ Nghệ; khai thác chất liệu của điệu Múa chén nằm trong Nghệ thuật cung đình Huế… Bên cạnh đó có thể kể thêm chất liệu văn hóa dân gian với hình tượng con cò; lối chơi chữ; khai thác chất liệu trang phục dân tộc với chiếc áo yếm, bà ba, áo dài…

Sở dĩ có những từ lắp ghép, chế biến như nói ở trên là bởi những chất liệu này chỉ được khai thác nhằm tạo nguồn cảm hứng và được "ứng dụng" vào MV có thể là ở phần hình hay phần âm nhạc (âm hưởng âm nhạc hoặc lời ca).

2. Là một ca khúc mang chất liệu dân gian kết hợp với nhạc điện tử, vai trò của Phương Mỹ Chi trong Gối gấm không chỉ là ca sĩ thể hiện mà còn góp cùng vào việc sáng tạo lời ca. Trong khi tác giả chính của ca khúc kiêm nhà sản xuất âm nhạc là DTAP.

Tên ca khúc được giới thiệu là Gối Gấm (em với rối rắm). Thú thực, mới nhìn vào, việc có thêm phần mở ngoặc kia khiến cho cảm giác đầu tiên đúng là có vẻ "rối rắm", thậm chí có phần tối nghĩa. Nhưng đó có thể là cảm giác của người thế hệ trước đối với việc dùng chữ theo kiểu riêng của các bạn trẻ hiện nay. Phương Mỹ Chi chia sẻ với đề bài là đồ vật, nên trong lúc nằm ngủ cô nảy ra ý tưởng "viết về cái gối, rồi chơi vần với chữ rối". Có thể, cách dùng chữ này là ẩn ý nói về người con gái dù trong nhung lụa vẫn có những tâm tư riêng.

mvm-1719907658663829793715.jpg

Hình ảnh giới thiệu MV "Gối gấm" của Phương Mỹ Chi là sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc với màu sắc hiện đại

Việc DTAP đứng chung trong sản phẩm đảm bảo chất dân gian của Phương Mỹ Chi sẽ được hiện đại hơn, hợp xu hướng âm nhạc của giới trẻ hơn. Đương nhiên, sự kết hợp này sẽ dẫn đến cách thể hiện của Phương Mỹ Chi khác đi rất nhiều so với sở trường của cô mà khán giả đã quen tai. Dẫu thế, nó mang đến cho Phương Mỹ Chi cũng như khán giả của cô một sự mới mẻ. Cách làm này nên khích lệ, vì nếu các nghệ sĩ làm tốt, sẽ có nét riêng biệt, chứ không bị trộn lẫn, hòa tan khi hòa chung vào âm nhạc đại chúng của giới trẻ bên ngoài biên giới Việt Nam.

Trong ca khúc, phần mở đầu Phương Mỹ Chi thể hiện mấy câu hò xứ Nghệ. Nếu xét ở góc độ đúng màu sắc âm nhạc thì chưa thật sự ra chất, nhưng chỉ xét ở hiệu quả âm nhạc chung của một nhạc phẩm hiện đại thì phần thể hiện này nghe ngọt ngào, bắt tai. Có thể phần thể hiện này đã khiến Phương Mỹ Chi mất nhiều thời gian để luyện tập. Trong toàn bài, âm hưởng dân tộc pha trộn giữa Trung bộ với Nam bộ hiện hữu khá rõ trong giai điệu âm nhạc và cách thể hiện của nữ ca sĩ.

Giai điệu Gối gấm cũng khá đẹp, mang màu sắc tươi vui và bắt tai. Lời ca duy trì lối gieo vần trong sáng tác. Chẳng hạn, "Năm khắc chờ, năm khắc tương tư/ Người ơi đã về chưa? Người ơi đã về chưa rứa?". Hay: "Ngày nào còn chung gối gấm/ Giường còn một mình em với rối rắm/ Ngày nào còn yêu lắm lắm/ Giường còn mình em ca nốt thăng trầm". Hoặc: "Ôi thấm rồi, lòng chàng sâu như sông thăm thẳm/ Ôi thấm rồi, lòng chàng không thể hiểu được tình thâm".

"Phần mở đầu Phương Mỹ Chi thể hiện mấy câu hò xứ Nghệ. Nếu xét ở góc độ đúng màu sắc âm nhạc thì chưa thật sự ra chất, nhưng chỉ xét ở hiệu quả âm nhạc chung của một nhạc phẩm hiện đại thì phần thể hiện này nghe ngọt ngào, bắt tai..." - nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quang Long.

3. Vẫn phải khẳng định màu sắc dân gian Nam bộ là sở trường, là đúng chất nhất đối với Phương Mỹ Chi, nhưng việc "khai phá" những cái mới là vẫn là điều mà những người trẻ ham mê sáng tạo nên làm. Theo đó, với hướng đi như đang áp dụng, điều đầu tiên cần nhìn nhận, Phương Mỹ Chi và ê-kípđang rất quyết liệt mở rộng thêm phạm vi thể loại âm nhạc và mong muốn sẽ đến với phân khúc âm nhạc thị trường có nhiều khán giả hơn. Điều này là một nỗ lực có thể không dễ dàng nhưng rất đáng khích lệ với một nghệ sĩ trẻ.

Hơn nữa, hướng đi này nếu thành công, sẽ không chỉ mang lại lợi ích về sự nổi tiếng, có thêm khán giả, có thêm lợi ích về kinh tế mà nó còn đóng góp cho sự phát triển chung của âm nhạc đại chúng. Và những gì Phương Mỹ Chi đang đi cùng với những thành quả bước đầu nhận được thông qua 3 sản phẩm gần đây cho thấy đó là một hướng đi có ý nghĩa của Phương Mỹ Chi.

longm-17199077306401420850009.jpg

Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Nói được nói rộng hơn về cách khai thác chất dân gian trọng một sản phẩm hiện đại dành cho đại chúng. Ở trường hợp Gối gấm, việc khai thác chất liệu dân gian pha trộn giữ Trung bộ với Nam bộ nếu là một chủ ý thì rất nên khuyến khích. Việc khai thác hò xứ Nghệ vào ca khúc với mục đích tôn vinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng là một hành động đáng làm.

Đối với một sản phẩm âm nhạc đại chúng, việc khai thác chất liệu dân gian dù ít cũng đã là rất tốt. Cho nên, không nhất thiết Phương Mỹ Chi phải thể hiện đậm đặc chất xứ Nghệ trong câu hò. Ở góc độ khác, thậm chí không cần khai thác âm nhạc quê hương nữ sĩ mà khai thác vùng miền khác cũng không giảm đi giá trị về mặt văn hóa cũng như ý nghĩa tôn vinh hay tri ân. Chẳng hạn như Hồ Xuân Hương, về nguồn gốc của bà được cho là quê gốc (quê cha) ở Nghệ An, nhưng bà được sinh ra và phần lớn cuộc đời gắn bó với Thăng Long - Hà Nội. Cho nên, xứ Nghệ được lớn lên trong bà qua lời kể của cha, còn văn hóa Thăng Long và dân gian Bắc bộ lớn lên trong bà qua những năm tháng gắn bó.

Người viết nhân bài viết nêu vấn đề này ra chỉ với mục đích gợi mở cho các nghệ sĩ trẻ hãy thoải mái sáng tạo, khai thác chất liệu dân gian mà không cần phải nệ thuộc một cách tuyệt đối vào những suy nghĩ đã thành nếp.

4. "Trước nghe những bài dân ca hay bolero Phương Mỹ Chi thấy dễ thương, thích cái nét trong trẻo. Vô tình lướt mạng thấy Chi ra thêm video Gối gấm, thì ra Chi nay đã định hình được phong cách âm nhạc của mình. Yêu lắm những nghệ sỹ trẻ dám thể hiện và đưa tình yêu quê hương, đất nước, con người vào văn hóa nghệ thuật như thế" - tài khoản @huyencao1551- một khán giả trung niên để lại bình luận.

"Sự hòa quyện giữa giọng ca ấm áp và giai điệu mượt mà của bài hát này đã tạo ra một trải nghiệm nghe nhạc đầy cảm xúc" - TK @2WinEDM bình luận. Một tài khoản khác cũng chia sẻ: "Thích cái cách bạn í đưa những chất liệu của Việt Nam vào âm nhạc" (TK @mongyou01).

Dám giảm bớt cái sở trường, tăng cường cái mới, tìm đường mở hướng cho cái mới, dần biến cái mới thành sở trường. Đó là hướng đi đầy khó khăn nhưng nếu đến được đích thì niềm hạnh phúc sẽ nhân lên. Những nghệ sĩ dám dấn thân tìm hướng mới, tạo ra giá trị mới cần và xứng đáng nhận được sự ủng hộ của khán giả.

Ê-kíp chính MV "Gối gấm"

Executive Producer: Phan Anh

Artist: Phương Mỹ Chi

Creative Director: Ben Pham (The Dummies' Classroom)

Director: Nguyen Hai Nguyen (The Tripod Guys)

Music Producer: DTAP

Songwriter: Phương Mỹ Chi

Lyricists: Kata Trần (DTAP), Phương Mỹ Chi

Arranger: Tùng Cedrus (DTAP)

Mixing Engineer: SDOG (INUS)

Recording Studio: Out of Space (Powered by DTAP)

Starring: An Đen - Ngân Chi

Nhà nghiên cứu văn hoá: La Quốc Bảo

Cố vấn chữ Nôm: Lương Hoài Trọng Tính

Executive Producer: Ngo Mai Phuong (The Dummies' Classroom)

Producer: Hoang Thanh Phuong

D.O.P: Thinh Pham (The Tripod Guys)

Điểm 8,0

Bất ngờ từ cô gái hát dân ca 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022