Giọng ca trữ tình Tuấn Hiệp vừa "chơi lớn" khi cho ra mắt album đĩa than "Như gió heo may", đánh dấu sự kết hợp lần đầu tiên của mình với pianist Vincent Nguyễn.
Nói như Tuấn Hiệp, ở thời đại nhạc số này, sự lựa chọn của anh có thể coi là đi ngược dòng. Nhưng, anh vẫn đi vì luôn lựa chọn độc hành trên con đường nghệ thuật.
Nam ca sĩ đã có chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa, TTXVN.
"Cuộc đời người nghệ sĩ bao giờ cũng có 1 khoảng trống"
* Lựa chọn thực hiện và ra mắt album "Như gió heo may" trong thời điểm này, anh có lo lắng gì không?
- Tôi nghĩ đây là sản phẩm mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng muốn thực hiện cho mình, vì làm đĩa than là hướng tới định dạng âm nhạc có chất lượng cao cấp nhất rồi. Cũng từ đầu, khi xác định thực hiện album bằng đĩa than, tôi đã chuẩn bị rất kỹ nên không lo lắng gì.
Sản phẩm này ra đời từ sự trau dồi của tôi trong suốt 20 năm đi hát, bao gồm chuyên môn của mình và định hướng người nghe. Tôi thực hiện sản phẩm này tử tế bằng chính trái tim và khả năng của mình.
Ca sĩ Tuấn Hiệp
* Vì sao lại là đĩa than? Nó phù hợp với dòng nhạc anh theo đuổi hay còn có lý do nào khác?
- Đĩa than không "mặc định" cho dòng nhạc nào cả, nhưng lại đòi hỏi phải được nghe bằng bộ dàn máy cao cấp, khó sử dụng. Vì thế, người nghe nhạc bằng đĩa than phải có đam mê với cuộc chơi về âm thanh này.
Tất nhiên, khi lựa chọn làm đĩa than, tôi cũng xác định luôn đối tượng nghe đĩa của mình là những ai. Họ là những người khó tính về cách thưởng thức và đặc biệt là những người có tài chính, tri thức. Do vậy, khi thiết kế bìa đĩa, ghi tên tác giả - tác phẩm, tôi cũng phải rất chỉn chu. Làm đĩa than hát cho một nghệ sĩ đã là khó, mà để sản phẩm đến tay khán giả, cũng phải để người mua thấy được sự tôn trọng.
* Anh đã lựa chọn biên tập, phối khí các tác phẩm trong album này như thế nào?
- Tôi chọn những tác phẩm được sáng tác cùng giai đoạn của những nhạc sĩ như Nguyễn Ánh 9, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Vũ Thành An và một số tác giả khác để tạo nên một không gian âm nhạc có tính nhất quán khi cùng thời kì, cùng nền tảng. Điều này cũng giúp định hướng người nghe.
Khi kết hợp với anh Vincent Nguyễn, phần phối khí của album cũng được thực hiện tối giản hóa. Thường là chỉ có giọng hát của tôi và tiếng piano của anh, phong cách đơn giản, hơi hướng pha chút nhạc jazz theo sở trường của anh ấy. Ngoài ra, còn có một số nhạc công người Mỹ cùng tham gia trong album.
Đĩa than "Như gió heo may"
* Được biết, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là tác giả có mối gắn kết sâu sắc với anh. Anh có thể nói gì về những tác phẩm của ông trong album này?
- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của tôi. Như ông nói, chúng tôi là bạn tri kỉ. Tôi từng chông chênh mất mấy năm sau khi ông mất. Đó là một khoảng lặng dài. Chỉ đến khi sang Mỹ biểu diễn, tôi mới có động lực trở lại với trạng thái bình thường trong âm nhạc.
Đĩa này tôi chọn 2 bài của ông là Cô đơn và Tình yêu đến trong giã từ, phù hợp với không gian âm nhạc của album và cũng là những chia sẻ từ cảm nhận của tôi trong mối quan hệ với nhạc sĩ. Đó là: Cuộc đời của người nghệ sĩ bao giờ cũng có 1 khoảng trống trong trái tim. Tôi luôn cảm thấy trong nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có sự khắc khoải cô đơn, không thể chia sẻ với ai - kể cả với tôi là người mà ông đã chia sẻ rất nhiều.
Cũng nói thêm là khi tôi hát Tình yêu đến trong giã từ trong CD Bơ vơ phát hành năm 2010, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã rất thích. Nên một lần nữa, tôi vẫn hát lại ca khúc này trong album Như gió heo may, nhưng tác phẩm đã được làm mới với tiết tấu rumba.
* Còn những gửi gắm của anh với khán giả khi họ nghe album này là gì?
- Người nghe nhạc bây giờ không chỉ khó tính, mà dòng nhạc này cũng khó tính kén chọn người nghe, nên mọi khen chê tôi luôn tôn trọng. Mình muốn được khán giả đón nhận thì trước hết phải biết trân trọng, giữ gìn giọng hát của mình và mỗi khi ra một sản phẩm là phải thể hiện được sự tôn trọng đến người nghe.
"Bứt phá của tôi là tôi thường làm những điều các nghệ sĩ khác không làm, và làm trước những việc họ ít làm" - ca sĩ Tuấn Hiệp.
"Bằng phẳng và không trắc trở"
* Gia đình không có ai theo nghệ thuật. Liệu khi theo đuổi con đường này, tài chính có phải là khó khăn duy nhất với anh không?
- Đúng là ở thế hệ của tôi, không phải ai cũng có điều kiện đi học nhạc. Khi đó tôi còn nghĩ Nhạc viện là nơi chỉ tuyển con em những người có điều kiện nhưng vào rồi mới thấy, nhiều bạn còn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Mẹ tôi vốn hát rất hay. Có thể tôi theo gen mẹ, tố chất âm nhạc cũng đã có sẵn trong con người mình rồi. Song, bố mẹ chỉ muốn tôi trở thành kỹ sư nông nghiệp nên theo nghệ thuật, tôi phải tự trang trải hết tất cả. Mà nghề này đòi hỏi cả thanh và sắc nên ngoài chi phí học tập, còn cả việc ăn mặc đẹp...
* Thế nên ngoài đi hát, anh từng mở phòng trà. Phải chăng anh cũng muốn thể hiện mình là người đa tài?
- Không ai đùa với cơm áo gạo tiền đâu! Tôi mở phòng trà vẫn là để kiếm tiền. Tôi vẫn trêu anh em trong nghề là sự thông minh của nghệ sĩ chưa chắc đã bằng sự ấu trĩ của doanh nhân (cười).
Ca sĩ Tuấn Hiệp và nhạc công Vincent Nguyễn (Nguyễn Công Phương Nam) với album đĩa than "Như gió heo may"
*Nhưng anh mở phòng trà thời điểm đó khá thành công…
- Thành công là sự may mắn thôi. Cũng không hẳn tôi thành công về phòng trà vì khi kinh doanh lĩnh vực này, mình phải làm cả bar và nhà hàng, nghĩa là 3 trong 1. Và khi làm thì phải gạt hết những giá trị nghệ thuật bản thân mới tập trung điều hành được công việc. Còn nếu vẫn giữ chất "nghệ" trong người thì cứ 10 người làm, 11 người lỗ. Thế nên, tôi thường nói: ghét ai, cứ khuyên người ta mở phòng trà.
* Anh không có ý định mở lại mô hình hoạt động này nữa?
- Khi vào TP.HCM tôi cũng mở nhà hàng và làm nhiều thứ. Quán mở ra bao năm cũng nhờ khách quen tìm đến. Nhưng nghĩ lại, làm nhà hàng nghĩa mình phải đi bán sức khỏe. Mà ở tuổi này rồi, giữa tiền và sức khỏe, tôi chọn sức khỏe thôi.
* Với cá tính và sự lựa chọn của mình, đã bao giờ anh mất đi các cơ hội trong đời chưa?
- Trong nghề ai cũng biết tôi là người trực tính. Cuộc đời tôi chưa bao giờ phải gọi điện hay đánh tiếng đến bầu sô để mời mình đi hát. Có thể đây cũng là dại khờ. Nhiều khi uyển chuyển thì tốt. Nhưng cũng rất là may khi có những nghệ sĩ tên tuổi yêu quý tôi như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Phú Quang.
Tôi vẫn nhớ câu chuyện của mình với nhạc sĩ Phú Quang từ thời mình còn trẻ. Đấy là lần tôi được chú mời đi ăn trưa để tham gia vào một dự án âm nhạc. Khi đó, được một nhạc sĩ lớn như vậy mời là tôi hồi hộp lắm, đến điểm hẹn từ 9h sáng dù giờ hẹn là 11h. 11h30 tôi gọi thì ông bảo ông đang đến nhưng tôi đợi đến tận 13h30 mà vẫn không. Tôi tự ái, nói với ông: "Cháu xin phép chỉ chơi với chú còn không có công việc". Sau này tôi biết thời điểm đó ông hay quên.
Dù không nhận hát cho chương trình của ông nhưng tôi vẫn chơi với ông và thường trêu ông. Có lần, ông khoe có bài mới, bảo tôi đến phòng thu nghe thử. Ông hát xong, mình trêu: "Chú mà đổi từ "Sơn Trà" thành "sông Hồng" là thành bài về Hà Nội hay luôn". Ông mắng rồi bảo "Thôi không thu nữa, chú cháu mình đi ăn".
Tôi muốn làm âm nhạc vui như vậy, chứ không mưu cầu, không nắm bắt cơ hội để nổi tiếng. Nên tôi làm âm nhạc cũng bằng phẳng, không trắc trở. Cái được là cuộc vui nào của tôi cũng có anh em bạn bè!
* Trong những chia sẻ, tôi thấy anh chọn "đủ là hạnh phúc". Nhưng với một nghệ sĩ, bứt phá, thậm chí dám liều cũng là điều cần thiết. Anh nghĩ sao?
- Bứt phá của tôi là tôi thường làm những điều các nghệ sĩ khác không làm, và làm trước những việc họ ít làm. Tôi có thể nói mình là ca sĩ trẻ làm nhạc xưa đầu tiên ở Hà Nội, từ CD Mắt biếc.
Lúc đó, tôi mời Lệ Quyên hát bolero khi cô ấy đang hát nhạc trẻ, mời Tùng Dương khi cậu ấy đang hát dân gian đương đại. Cả hai lúc đầu đều "giãy lên": Em không hát được đâu. Đến làm hòa âm phối khí cho CD này cũng vậy, nhạc sĩ Hồng Kiên hay Hồ Hoài Anh đều bảo: Anh không biết nhiều về nhạc xưa. Thế rồi Tùng Dương đã có bài hit Mùa Thu cho em từ CD này.
Quyết tâm làm nghề của tôi là như vậy. Mình phải có định hướng cho bản thân mới làm được điều nổi bật. Bây giờ thì tôi lại đi ngược với trào lưu nhạc số hiện tại khi không có YouTube và lại phát hành đĩa than đó!
* Trân trọng cảm ơn anh!
"Như gió heo may"
Album Như gió heo may gồm 2 phần: phần 1 khởi đầu từ Nỗi lòng người ra đi; qua những trăn trở trong tình yêu Chỉ chừng đó thôi, Tình yêu đến trong giã từ; khép lại bằng Hà Nội ngày tháng cũ - mảnh đất gắn với những ngày đầu tiên trong sự nghiệp ca sĩ Tuân Hiệp.
Phần 2 diễn tả những bước đường phiêu du của người nghệ sĩ tới những miền đất mới trong Paris có gì lạ không em, cùng những nỗi niềm riêng trong cuộc đời Tương tư 4, Bài không tên cuối cùng và khép lại bằng ca khúc kinh điển về nỗi lòng của người nghệ sĩ Cô đơn.