Trong mỗi gia đình, các mối quan hệ thường phức tạp và đôi khi chứa đựng những mâu thuẫn không dễ giải quyết. Đối với tôi, một trong những tình huống khó xử nhất chính là việc phải đối mặt với sự thâm hiểm từ phía mẹ chồng.
Tin tôi đi! Khi đã đi lấy chồng rồi thì hãy thấy hạnh phúc khi mẹ chồng bạn là người có cái gì không vừa ý là nói thẳng vào mặt. Kể cả bà không khéo mồm hay khó tính và xoi mói thì vẫn sướng hơn gấp vạn lần 1 bà mẹ chồng lúc nào cũng cười kiểu mẫu nhưng không biết trong đầu bà suy nghĩ những cái gì.
Mẹ chồng tôi chính là kiểu người như vây!
Mẹ chồng tôi là giáo viên về hưu, thậm chí còn từng giữ chức hiệu trưởng 1 trường học nho nhỏ. Bà là người học cao hiểu rộng nhưng cũng chính vì vậy mà suy nghĩ của bà thâm sâu khó lường.
Thời mới về làm dâu, cứ thấy mẹ chồng bảo "không sao", "không vấn đề gì" là tôi yên tâm lắm, cứ tưởng mẹ dễ tính, thương con dâu mới về lạ nước lạ cái. Thế nhưng không phải, sau những nụ cười nhẹ nhàng đầm ấm đó thì tôi được nếm đủ mùi khốn khổ khốn nạn!
Không ít lần bà lên kế hoạch tính toán để vợ chồng tôi hiểu lầm nhau. Mục đích cuối cùng chỉ là tìm mọi cách để vợ chồng tôi bỏ nhau, đơn giản vì bà không ưa tôi, 1 đứa cứng rắn, không chịu khuất phục và khá là tinh ý với những chiêu trò của bà. Chỉ là nói thật thì tôi không chấp, càng không muốn để vào đầu vì tôi không ham hố gì tranh đấu mẹ chồng nàng dâu, vốn dĩ vợ chồng tôi cũng ở riêng nên hầu như ít va chạm, chính vì vậy mà nhiều chuyện tôi biết nhưng vờ như không biết.
Bên cạnh đó thì cũng có những chuyện, mẹ chồng tôi biết và cũng vờ như không biết. Bà biết rõ rằng tôi dị ứng với hải sản, nhưng có vẻ như bà cố tình phớt lờ điều đó, bởi mỗi lần chúng tôi ghé thăm, bữa cơm lại tràn ngập tôm cua cá, những thứ tôi không thể chạm vào.
Tôi đã thử mọi cách để khắc phục tình trạng này nhưng bà cũng nghĩ ra đủ chiêu trò để tiếp tục những việc làm đó. Tôi cố tình mua thêm đồ ăn ngoài và khéo léo nói rằng dạo này cả nhà ăn nhiều thì bà âm thâm mang cất hết vào tủ lạnh rồi mang thêm hải sản ra. Tôi chọn đến sớm để tự nấu thì bà yêu cầu nấu theo thực đơn của bà... Nói chung 1 khi người ta đã muốn đối đầu thì cái gì cũng có thể nghĩ ra để nắn gân nhau được.
Lần nào cũng như lần nào, tôi ngồi bên bàn ăn mà không thể thưởng thức bất cứ một món nào. Trong khi mọi người sôi nổi thưởng thức từng miếng thì tôi chỉ có thể ngồi nhìn. Thôi được, không ăn cũng không sao, thời buổi này không ai chết đói được, miếng ăn với tôi nói thật lòng là không quá nặng nề nên tôi lựa chọn việc ngồi nhìn mọi người ăn uống vẻ hầu chuyện. Hôm nào buồn mồm nhạt miệng quá thì tôi gọi 1 cốc trà sữa về rồi lại tiếp tục ngồi ngắm bàn ăn. Nói thật là tôi không buồn 1 chút nào, tôi không ăn được thì để chồng con ăn chứ có làm sao đâu.
Thế nhưng cái cây hướng nội muốn yên ổn là tôi đây không được những cơn gió lốc kinh hoàng của mẹ chồng tha cho. Thấy tôi không ăn gì thì những lời "trách móc nhẹ nhàng" bắt đầu vang lên như một điệu nhạc không hồi kết: "Cái con này nó đỏng đảnh nhỉ", "Cầu kỳ quá khó sống lắm", "Kén ăn như thế chỉ khổ chồng con"...
Cứ thế, bữa cơm gia đình - nơi lẽ ra phải là không gian của tình thân và sự ấm áp - lại trở thành chiến trường của những lời lẽ không được chọn lọc. Nhiều lần chồng tôi phải lên tiếng bênh vợ nhưng chỉ cần anh đướng về phía tôi 1 chút tôi thì mẹ chồng sẽ lăn đùng ra ăn vạ ngay lập tức.
Có lẽ tôi sẽ không bao giờ hiểu được lý do thực sự đằng sau những hành động của bà. Nhưng một điều chắc chắn: Việc phải ngồi giữa bàn tiệc mà không thể tham gia đã khiến tôi cảm thấy hơi khó chịu và cũng thấy mọi người mất vui lây.
Tình huống này không chỉ tạo ra khó khăn cho tôi mà còn ảnh hưởng đến chồng tôi. Anh ấy bị giằng xé giữa vợ con và hiếu nghĩa, không biết nên bênh vực vợ hay phải giữ hòa khí với mẹ. Điều này càng làm tôi cảm thấy áy náy, vì không muốn là nguyên nhân của sự căng thẳng trong gia đình.
Trong một thế giới lý tưởng, bữa cơm gia đình là nơi tất cả mọi người cùng nhau chia sẻ niềm vui, sự ấm áp và tình cảm thân thiết. Nhưng đối với tôi, đó lại là một thử thách, một bài toán không lời giải, khi tôi phải đối mặt với việc mẹ chồng tôi không hiểu hoặc không muốn hiểu về những khó khăn của tôi.
Tôi không cầu kỳ, tôi không đỏng đảnh, cũng chẳng õng ẹo gì cả. Tôi chỉ là một con người bình thường, với một tình trạng sức khỏe không cho phép tôi thưởng thức một số loại thức ăn. Sự chấp nhận và thông cảm cho tôi chẳng lẽ lại tốn công tốn sức đến như vậy sao?