Trước khi có ca khúc tên là Gloria, đã có một bài thơ gọi tên Oath. Quá trình chuyển đổi từ cái này sang cái kia có thể đã không bao giờ xảy ra nếu thiếu 40 USD và một nốt trầm lớn, tạo nên một trong những mở màn vĩ đại nhất của nền âm nhạc Mỹ.

Thế nhưng, cũng chính sự mở màn này từng khiến Patti Smith một thời vênh vang tự hào phải nghĩ đi nghĩ lại trong nhiều năm sau đó và cuối cùng, tìm thấy một minh triết giản dị về tình yêu thương.

Hai nửa lai lịch

Có những loại hạt cần ủ rất lâu, đợi tới đúng mùa mới trồi lên. Gloria của Patti Smith cũng giống như vậy. Phát hành vào năm 1975 nhưng một nửa lai lịch của nó phải quay ngược về những năm 1960.

Vào giữa thập niên này, ban nhạc rock The Doors cảm thấy cần bổ sung những tài liệu khác vào để làm dày thêm loạt ca khúc gốc nhỏ bé của mình. Những lựa chọn thường khác lạ như Whiskey Bar đậm chất opera của Kurt Weill hãy những bản blues kinh điển như Back Door Man Who Do You Love. Tuy vậy, đôi khi họ cũng chơi những bản garage rock khi cover nhạc của ban nhạc rock Ireland Them, đặc biệt nổi bật là Gloria.

Một Patti Smith đầy phóng túng, tuổi trẻ khi phát hành “Gloria”

Phiên bản của Them không có mấy ca từ. Giọng ca chính của nhóm, đồng thời là tác giả của ca khúc, Van Morrison, chỉ ngâm nga, hát lên vài câu tình cờ nảy lên trong đầu ông. Ở phiên bản của The Doors, nhờ cấu trúc đàn hồi của ca khúc, họ có thể lan man, ứng biến bao nhiêu tùy thích. Patti Smith đã nghe phiên bản này. Say sưa sự đơn giản nhẹ nhàng, bà cảm thấy đây là phương tiện hoàn hảo để đưa ra lời phản hồi về bối cảnh punk đang đà đi lên, bằng ngôn ngữ của chính mình.

Phần "ngôn ngữ" - nửa lai lịch còn lại của Gloria - lại bắt đầu với một bài thơ có tên là Oath. Đó là nụ hôn tạm biệt với tuổi thơ được nuôi dạy theo giáo lý của Smith, với những câu như: "Đấng Christ, tôi xin chào tạm biệt Ngài" hay "Adam không đặt bùa mê lên tôi". Nhưng phần khiêu khích nhất của sáng tác tới từ lời mở đầu: "Đấng Christ chết vì tội lỗi của ai đó chứ không phải của tôi".

Smith đã biểu diễn Oath trong những buổi đọc thơ ngày đầu của mình vào tháng 2/1971. Khi đó, bà mở màn cho nhà thơ Gerard Malanga - người được Andy Warhol bảo trợ - trước những khán giả như Allen Ginsberg, Jim Carroll, Sam Shepard, và nhiều ngôi sao sáng khác của nền thơ tiên tiến. Mặc dù Lenny Kanye - người Smith đã gọi điện sau khi đọc một câu chuyện ông viết cho tạp chí Jazz and Pop - thường đệm guitar cho các buổi đọc thơ của bà, Smith đã diễn Oath một mình. Mãi về sau, Kayne mới tham gia, thêm vào những tiếng phản hồi bùng nổ để tăng thêm sự căng thẳng.

Mặc dù Smith tiếp tục biểu diễn Oath cả solo lẫn cặp đôi trong vài năm nữa, nhưng hẳn bà vẫn thấy nó còn thiếu gì đó. Thế nên, trong cả tập thơ đầu tay của bà, Seventh Heaven (1972), và cả thứ hai, Witt (1973), Oath đều không xuất hiện. Người ta chỉ có thể biết tới bài thơ nếu trực tiếp tới một buổi đọc thơ - và ngay cả như vậy, họ cũng dễ dàng bỏ lỡ vì nó chỉ dài tổng cộng 60 giây.

Mãi đến năm 1975, Oath mới được phát hành, ở một hình dáng khác hẳn. Bài thơ cùng ca khúc chủ lực của ban nhạc Them là Gloria đã hợp nhất vào một khoảnh khắc ngẫu hứng vào năm 1974.

Thông điệp giản dị và vĩ đại nhất

Thường chơi nhạc ở một số hộp đêm nhỏ, Smith khi đó đã có một ban nhạc 3 người và đã thực hành cái họ gọi là "thực địa", cất tiếng nói của riêng mình.

"Ban đầu chỉ có Lenny (Kanye) và tôi. Rồi chúng tôi mời một dương cầm thủ nữa là Richard Sohl" - Smith nhớ lại vào năm 2006 - "Chỉ giản dị có ba chúng tôi thôi nên chúng tôi đã chọn những ca khúc rất đơn giản. Thường là những ca khúc chỉ có ba hợp âm, để tôi có thể ứng biến chúng".

Một ca khúc đơn giản mà trẻ con cũng chơi được là Gloria thường được họ chọn chơi. Họ thậm chí còn tuyển thêm tay guitar thứ hai bằng cách yêu cầu ứng viên chơi Gloria 40 phút hay hơn để xem ai trụ lại sau cùng. Ivan Kral đã trụ được và gia nhập ban nhạc sau đó.

gloria-patti-smith-2-16767160792741175934411.jpg

Theo thời gian, quan điểm của Smith cũng dần thay đổi

Tuy nhiên, một ngày nọ, ca khúc đã phát triển lên thành một thứ khác hẳn. "Chúng tôi mua một cây bass của Richard Hell giá 40 USD vào một ngày nào đó trong năm 1974" - Kaye nhớ lại- "Chúng tôi đang trong phòng tập và Patti (Smith) muốn thử chơi. Bà ấy búng một nốt Mi thật to: Bùm! Bà đọc một chút "Chúa Jesus chết vì tội lỗi của ai đó chứ không phải của tôi". Và như thế, sự chuyển hóa của Gloria dường như là một quá trình tự nhiên. Đặc biệt vì thời mới bắt đầu, chúng tôi không nghĩ nhiều về những gì sẽ làm".

Kể từ thời điểm Smith đánh nốt Mi đó, Gloria không còn là một bản cover với những tiêu chuẩn khắt khe. Hơn một nửa ca từ ở phiên bản cuối là của Smith và ngay cả khi vay mượn một chút từ Van Morrison, bà cũng thường viết lại hoàn toàn.

Từ hạt giống ban đầu, Gloria đã nảy mầm lớn mạnh. Smith bắt đầu thêm ca từ mới tới khi chỉ còn sáu câu trong Oath trụ lại.

Họ bắt đầu chơi trực tiếp ca khúc vào cuối năm 1974. Sau một lần chơi trực tiếp trên đài phát thanh vào năm 1975, tới gặp nhóm ở hậu trường là nhà sản xuất Clive Davis với bản hợp đồng 7 album với hãng đĩa mới của ông là Arista. Nhờ thỏa thuận đó, Smith thu âm album đầu tiên của mình, Horses, với tâm thế "Trong đĩa của tôi, tôi cố gắng bộc lộ bản thân mình càng nhiều càng tốt", và do đó, hạn chế các bản cover. Nhưng Gloria không thể coi là một bản cover, nó phản ánh Smith tới mức sẽ là ca khúc mở màn.

Album Horses phát hành vào ngày 13/12/1975. Một tháng sau, Gloria tiếp tục được tung ra dưới dạng đĩa đơn. Ca khúc lập tức gây xôn xao, với hàng tấn lời khen ngợi (tờ New York Times gọi nó là "phi thường") Khán giả đã đặc biệt chú ý tới Gloria. Tất nhiên, một phần vì câu mở đầu của nó. Đây là tiếng nói vô thần? Phản chiếu tinh thần "Chúa đã chết" của Nietzsche? Hay chỉ đơn giản là kiểu khiêu khích quen thuộc trong punk rock?

Hoàn toàn không. Ngay từ thời biểu diễn Oath, Smith đã giải thích: "Khi tôi nói những điều không hay về Chúa, tôi không có ý đó. Chỉ là tôi mang tới cho mọi người một góc nhìn mới, một cách mới để nhìn nhận mọi thứ. Tôi thích nhìn mọi thứ từ 10 hay 15 góc độ khác nhau".

Tới hơn 30 năm sau, bà vẫn kiên định với cái nhìn đó. "Mọi người liên tục tới chỗ tôi và nói: "Bà là người vô thần. Bà không tin vào Chúa Jesus". Và tôi đáp: "Tất nhiên là tôi tin vào Ngài"… Chỉ là tôi muốn giải thoát cho Ngài. Tôi 20 tuổi khi viết những câu đó, như một tuyên ngôn về tuổi trẻ. Nói cách khác là tôi không muốn chỉnh tề, nhưng tôi không muốn Ngài phải lo lắng cho tôi, phải chịu trách nhiệm cho những việc sai trái hay khám phá ngày trẻ của tôi" - bà nói - "Tôi muốn được tự do. Vì vậy, nó thật sự chỉ là một tuyên ngôn về tự do".

Thật ra, quan hệ của Smith với lời ca từ đã thay đổi mãi mãi vào tháng 1/1977 dù khi đó bà đang không hát nó. Khi diễn mở màn cho Bob Seger, bà bị ngã từ sân khấu cao hơn 4m và gãy một số đốt sống cổ. Sau vụ tai nạn có thể khiến bà bỏ mạng, Smith nghĩ lại: "Tôi ngã ngay khi đang nói "bàn tay Chúa, tôi cảm thấy ngón tay". Và tôi thật sự thấy có ngón tay đẩy mình. Tôi đã thử thách Chúa khi biểu diễn và trong mọi thứ… Tôi cảm thấy như đây là cách Ngài nói: "Con cứ đập liên hồi vào cửa của ta và ta sẽ mở cánh cửa đó, để con ngã vào"".

Sau khi trở lại, bà ít hát Gloria. Và vào tháng 9/1979, khi diễn hòa nhạc lớn chưa từng của mình- và là cuối cùng trước khi nghỉ 16 năm - bà đã đổi ca từ thành: "Chúa Jesus chết vì tội lỗi của ai đó. Có khi là của chính tôi?" Những năm về sau nữa, dù câu đầu đã được hoàn lại như cũ, suy nghĩ của Smith đã thật sự thay đổi: "Tôi đã đánh giá lại Chúa Jesus và nhận ra Người truyền tới cho chúng ta thông điệp giản dị và vĩ đại nhất: Hãy yêu thương nhau, để Chúa có thể tới với mọi người, cho mọi người cảm giác của một cộng đồng, để không bao giờ phải cô đơn nữa".

Dù sao, bà vẫn cảm thấy may mắn vì đã sớm phát hành Gloria bởi sau này, các nghệ sĩ lớn khác - như Prince hay Jimi Hendrix - không cho phép bà đưa thơ tôn giáo của bà chèn vào nhạc của họ nữa! Còn Van Morrison nghĩ gì? Dù bản thân là người có thể lấn cấn với những thứ có mùi gây hấn như thế, ông thừa nhận: "Nhưng nếu nó giống như Patti Smith làm, tôi có xu hướng chấp nhận…".

Rất nhiều nghệ sĩ sau đó đã hết lời ca ngợi Gloria, thậm chí coi "Mở màn của Gloria là một trong những khoảnh khắc vĩ đại nhất của âm nhạc Mỹ" - như Zack de la Rocha nói khi giới thiệu Smith vào Đại sảnh danh vọng Rock and Roll. Rolling Stone bình chọn Gloria đứng thứ 97 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại.

"Tôi đã đánh giá lại Chúa Jesus và nhận ra Người truyền tới cho chúng ta thông điệp giản dị và vĩ đại nhất: Hãy yêu thương nhau, để Chúa có thể tới với mọi người, cho mọi người cảm giác của một cộng đồng, để không bao giờ phải cô đơn nữa" - Patti Smith.

Patti Smith và tứ tấu Kronos đoạt giải Âm nhạc Polar 2011

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022