Trong dòng chảy sôi động của phim truyền hình Việt, Cha tôi người ở lại – bộ phim phát sóng trên VTV3 – nổi bật lên như một điểm lặng hiếm hoi. Không ồn ào, không drama kịch tính hóa, bộ phim chậm rãi mở ra trước mắt người xem một hành trình trưởng thành đầy xúc cảm, được dệt nên từ tình thương, mất mát và sự tha thứ.

n2-1745765422175-1745765422619862779089.jpg

Gia đình - không chỉ là huyết thống

Ngay từ tựa đề, Cha tôi người ở lại đã hé mở chủ đề cốt lõi: Những người cha không rời bỏ, những người tình nguyện trở thành gia đình của những đứa trẻ không chung huyết thống. Bộ phim kể câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc về ba đứa trẻ – Nguyên, Việt và An – được hai người cha, ông Bình và ông Chính, nuôi nấng.

Điều khiến Cha tôi người ở lại khác biệt là cách phim định nghĩa lại ý niệm về gia đình: Không phải từ mối quan hệ máu mủ, mà từ sự sẻ chia, chở che và đồng hành. Gia đình trong phim là nơi vết thương được chữa lành bằng tình yêu thương vô điều kiện – một thông điệp giàu tính nhân văn, đặc biệt có sức nặng trong xã hội hiện đại, nơi giá trị gia đình đôi khi bị xô lệch bởi guồng quay vật chất.

n1-1745765423525-17457654236551074769952.jpg

Đáng chú ý, phim cũng phản ánh mâu thuẫn sắc nét: Trong khi những người không chung huyết thống lại đùm bọc nhau như ruột thịt, thì những người mang danh"thân thích" lại gây tổn thương sâu sắc cho máu mủ của họ. Mẹ Nguyên đã bỏ con từ nhỏ, rồi sau này quay về dùng máu mủ để ràng buộc và làm tổn thương cậu. Bố Việt cũng từng từ bỏ con trai, nhưng khi trở lại, lại dùng mọi thủ đoạn ích kỷ để làm khổ cậu bé. Qua đó, phim đặt ra câu hỏi đanh thép: Phải chăng, tình thân không nằm ở danh nghĩa, máu mủ, mà ở sự tử tế và yêu thương thật lòng?

Kịch bản Việt hóa tinh tế

Là phiên bản làm lại từ bộ phim Trung Quốc nổi tiếng Lấy danh nghĩa người nhà (2020), Cha tôi người ở lại đã có một cuộc "Việt hóa" thành công. Đạo diễn NSƯT Vũ Trường Khoa cùng ê-kíp biên kịch đã giữ nguyên tinh thần nhân văn của bản gốc, đồng thời tinh chỉnh khéo léo cho phù hợp với tâm lý, văn hóa và bối cảnh Việt Nam.

Những chi tiết quen thuộc như quán ăn nhỏ, mối quan hệ láng giềng thân thiết hay phong cách sống dung dị của các nhân vật đều được lồng ghép tự nhiên, khiến người xem cảm thấy gần gũi, chân thực. Nhịp phim ban đầu có phần chậm rãi, đôi khi tạo cảm giác lê thê, nhưng từ những tập giữa trở đi, mạch phim được siết chặt, cảm xúc dâng lên tự nhiên, cuốn khán giả theo hành trình cảm xúc của từng nhân vật.

n4-1745765424630-17457654247172049413034.jpg

Diễn xuất: Sự cộng hưởng tinh tế giữa các thế hệ

Không thể phủ nhận rằng sức mạnh lớn nhất của Cha tôi người ở lại đến từ diễn xuất đồng đều và giàu cảm xúc của dàn diễn viên.

  • avatar1744858814915-1744858815366649491646-0-0-750-1200-crop-17448591110931818744954.jpg

    Cha tôi, người ở lại đóng máy sau 7 tháng, Ngọc Huyền khóc nức nở

NSƯT Thái Sơn trong vai ông Bình mang đến hình ảnh người cha nghiêm khắc, cứng cỏi nhưng sâu thẳm là một trái tim dịu dàng. Với lối diễn tiết chế, ánh mắt nhiều hơn lời nói, anh truyền tải trọn vẹn nỗi đau, sự day dứt và tình yêu dành cho các con nuôi của mình. Trong gia đình, ông Bình vừa là người cha nghiêm khắc, mà cũng giống như người mẹ dịu hiền chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ, bảo bọc đàn con.

NSƯT Bùi Như Lai (ông Chính) lại đối lập với hình ảnh ông Bình, với phong thái điềm đạm, bao dung, đôi khi hơi nuông chiều bọn trẻ. Sự mềm mại của ông Chính tạo nên thế cân bằng hoàn hảo, khiến những cảnh đối thoại giữa hai người cha luôn đong đầy cảm xúc, đôi khi lại khiến khán giả bật cười vì sự dí dỏm, hóm hỉnh mà không cần lời thoại dài dòng.

n5-1745765425454-17457654255621620778219.jpg

Trong thế hệ diễn viên trẻ, Ngọc Huyền (vai An) thực sự là một phát hiện đáng giá. An của Ngọc Huyền vừa có sự non nớt của một cô gái mới lớn, vừa mang nỗi cô đơn sâu thẳm của một đứa trẻ lớn lên giữa những mất mát. Ánh mắt biết nói, sự tự nhiên trong cách thể hiện những cảm xúc mâu thuẫn đã giúp nhân vật An trở nên sống động và đầy thuyết phục.

Trần Nghĩa (Nguyên) và Thái Vũ (Việt) cũng hoàn thành tốt vai trò của mình. Trần Nghĩa, với phong thái trầm lặng, ánh mắt lúc nào cũng như cất giấu bí mật, khiến khán giả không khỏi đồng cảm với những giằng xé nội tâm của anh. Trong khi đó, Thái Vũ mang đến chút sinh khí, chút nổi loạn, làm cân bằng bức tranh cảm xúc của bộ phim.

n3-1745765426603-1745765426663322637179.jpg

Khi sự chân thật chạm tới trái tim khán giả

Cha tôi người ở lại có thể không phải là bộ phim gây sốt, làm bủng nổ MXH, nhưng nó sở hữu sức lan tỏa chậm rãi mà bền bỉ. Phim chạm đến những vùng cảm xúc nguyên sơ nhất của mỗi người: Nỗi đau mất mát, khát khao được yêu thương, nỗi sợ bị bỏ rơi, và niềm tin vào tình thân bất diệt.

Điều đáng quý là bộ phim không né tránh những góc khuất tâm lý nhân vật, không "đẹp hóa" một cách phi lý, mà để cho mỗi nhân vật được sai lầm, vấp ngã và học cách tha thứ – trước tiên là tha thứ cho chính mình.

Với Cha tôi người ở lại, VFC và đạo diễn Vũ Trường Khoa đã tạo nên một tác phẩm vừa vặn: Một bộ phim gia đình đủ sâu sắc để suy ngẫm, đủ ấm áp để yêu thương, và đủ tinh tế để lưu dấu trong lòng khán giả. Bộ phim nhắc nhở chúng ta rằng, có những câu chuyện không cần ồn ào, không cần "drama", chỉ cần chân thật, đủ để chạm vào trái tim người xem.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022