"Các mô hình chatbot AI chưa tác động đến thu nhập, hoặc số giờ làm được ghi nhận trong bất kỳ nghề nghiệp nào", hai nhà kinh tế Anders Humlum và Emilie Vestergaard của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) nêu trong nghiên cứu công bố cuối tuần trước. Humlum là Phó giáo sư tại Đại học Chicago (Mỹ), còn Vestergaard là nghiên cứu sinh tiến sĩ kinh tế tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch).

Minh họa về khả năng AI "cướp" công việc của con người. Ảnh: ChatGPT/OpenAI
Kết luận này được đưa ra sau khi nhóm khảo sát 25.000 người lao động tại 7.000 không gian làm việc, tập trung vào loạt ngành nghề được cho là dễ bị AI thay thế như kế toán, chuyên gia hỗ trợ khách hàng, cố vấn tài chính, chuyên gia nhân sự, chuyên gia hỗ trợ công nghệ, nhà báo, chuyên gia pháp lý, chuyên gia tiếp thị, nhân viên văn phòng, nhà phát triển phần mềm và giáo viên. Thông tin chủ yếu được thu thập tại Mỹ và Đan Mạch - hai nước có tỷ lệ áp dụng AI tương đương nhau.
Nhóm nhận thấy nhân viên sử dụng AI tại nơi làm việc chỉ tiết kiệm được trung bình 3% thời gian. Họ cũng không được trả cao hơn khi chỉ 3-7% năng suất tăng thêm nhờ AI được chuyển thành tiền lương. Có nghĩa, những nhân viên chuyên sử dụng AI trong công việc vẫn chưa cải thiện đáng kể cả về năng suất lẫn thu nhập.
"Dù việc áp dụng AI đang diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh các công ty đầu tư mạnh vào khai thác tiềm năng công nghệ, tác động kinh tế của nó vẫn còn nhỏ", nhóm tác giả viết.
Tuy nhiên, Humlum cho biết kết quả nghiên cứu không có nghĩa những phát hiện trước đó về khả năng tăng năng suất của AI là sai, chỉ là chưa đầy đủ. Theo ông, hầu hết nghiên cứu khác tập trung "chính xác vào một số nghề nghiệp có thể tiết kiệm thời gian lớn nhất" thay vì tính tổng thể.
"Tạo phần mềm, viết code, viết bài tiếp thị, tuyển dụng nhân sự là những nhiệm vụ AI có thể đẩy nhanh. Nhưng với cuộc khảo sát nghề nghiệp rộng hơn, chúng tôi thấy mức độ ảnh hưởng khi ứng dụng AI nhỏ hơn nhiều", ông nói. "Tôi có thể dùng AI để giảm thời gian soạn email, nhưng thời gian tiết kiệm đó sẽ được dùng làm gì, có được chuyển sang một công việc khác hiệu quả hay không là vấn đề".
Theo những người tham gia khảo sát, 80% thời gian tiết kiệm nhờ trí tuệ nhân tạo được họ dùng để tinh chỉnh kết quả do AI tạo hoặc nghĩ cách làm mới. 10% cho biết đã sử dụng chúng để nghỉ giải lao hoặc giải trí. Hầu hết không đề nghị nhận thêm việc dù AI giúp họ đẩy nhanh tiến độ.
Báo cáo của NBER ra đời sau nhiều nghiên cứu về tiềm năng của AI, gồm mối lo ngại công nghệ này sẽ "cướp việc" của con người. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF năm ngoái, đối với các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến như Anh, Đức, Mỹ, khoảng 60% việc làm ảnh hưởng bởi AI với một nửa trong đó theo hướng tiêu cực. Số liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đầu năm nay cho thấy, trong 5 năm tới, nhiều việc làm có thể bị cắt giảm vì trí tuệ nhân tạo tại hàng trăm doanh nghiệp lớn.
Trong tọa đàm cuối năm ngoái, "cha đỡ đầu AI" Yoshua Bengio và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nhiều công việc, nhưng không "cướp" việc. AI cần được coi là "đồng minh", không phải mối đe dọa, giành việc của con người. Nhưng thay vì đứng yên, mỗi người cần học hỏi và thích nghi để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường lao động, gồm những hiểu biết cơ bản về AI, học máy, khoa học dữ liệu, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề và phân tích để làm việc hiệu quả với các hệ thống AI.
Bảo Lâm tổng hợp
- AI đang tác động đến công việc của những ai?
- CEO Microsoft: AI đảm nhiệm 30% việc viết mã lập trình
- Công ty gây chú ý vì muốn tạo AI thay thế hầu hết công việc
- CEO OpenAI: Lập trình viên phải học dùng AI hoặc mất việc