Top 10 phim doanh thu cao nhất 2024 - Ảnh: Disney/Warner Bros/Universal/DreamWorks/Legendary/Illumination
Việc phần tiếp theo của các thương hiệu phim lớn lọt top 10 phim doanh thu cao nhất là chuyện không hiếm, song tỉ lệ 9 trên 10 như năm nay nêu lên một hiện trạng đáng lo ngại sẽ thay đổi xu hướng phát hành phim những năm tới.
Phim ăn theo bá chủ top 10 phim doanh thu cao nhất 2024
Theo số liệu của Box Office Mojo, phim thành công lớn nhất năm nay là Inside Out 2, phần tiếp theo của series Inside Out ra mắt sau 7 năm.
Bom tấn hoạt hình của Disney kết thúc đường đua tại các rạp chiếu với doanh thu đáng mơ ước 1,69 tỉ USD, gần như gấp đôi doanh thu của người tiền nhiệm (858 triệu USD).
Hoạt hình Inside Out 2 là phim đầu tiên trong năm 2024 chạm mốc doanh thu tỷ USD và giữ vị trí dẫn đầu từ đó - Ảnh: Disney
Một phim khác của Disney là Deadpool & Wolverine bám theo sát nút với doanh thu 1,33 tỉ USD.
Phần phim đưa tên "lính đánh thuê lắm mồm" và Wolverine về nhà chung MCU (Vũ trụ điện ảnh Marvel) giúp các ông lớn tại Hollywood lấy lại niềm tin với thể loại siêu anh hùng sau những quả bom xịt khổng lồ như The Flash; Shazam! Fury of the Gods; Wonder Woman 1984...
Đứng tiếp vị trí số 3 là Kẻ trộm mặt trăng 4 với 969 triệu USD, nâng giá trị của toàn bộ thương hiệu Despicable Me lên hơn 5 tỉ USD, điều này đồng nghĩa với việc khán giả sẽ còn gặp gia đình Gru và các chú Minion dài dài trong nhiều năm nữa.
Wicked chính là chú "cừu đen" lẻ loi trong top 10 năm nay, phần tiếp theo của phim sẽ ra mắt năm 2025 - Ảnh: Universal
Lần lượt ở vị trí thứ 4 và 5 là Dune: Part 2 - phần tiếp theo trong chuỗi 3 phim chuyển thể từ sách của nhà văn Frank Herbert (714,4 triệu USD) và Moana 2 (606 triệu USD).
Moana 2 là một chiến thắng khác của ông lớn Disney, từ khi mất ngôi vương studio thành công nhất năm ngoái vào tay Universal thì "nhà chuột" đã trở lại top 1 với sự thành công của ba phim bom tấn trong danh sách này.
Nếu không nhờ có sự xuất hiện của Wicked (đứng thứ 9) - phim chuyển thể từ vở nhạc kịch cùng tên hiện đang làm mưa làm gió phòng vé cuối năm - thì toàn bộ top 10 đều là các phần hậu truyện.
Danh sách top 10 phim doanh thu cao nhất năm cụ thể như sau:
1. Inside Out 2 - 1,69 tỉ USD
2. Deadpool & Wolverine - 1,33 tỉ USD
3. Despicable Me 4 - 969 triệu USD
4. Dune: Part Two - 713 triệu USD
5. Moana 2 - 606 triệu USD
6. Godzilla x Kong: The New Empire - 571 triệu USD
7. Kung Fu Panda 4 - 547 triệu USD
8. Venom: The Last Dance - 472 triệu USD
9. Wicked - 465 triệu USD
10. Beetlejuice Beetlejuice - 451 triệu USD
Hollywood hồi phục nhờ các hậu bản
So với năm ngoái, không có phim nào đến từ Trung Quốc có tên trong top 10, khác với 2023 có hai bom tấn là Địa Cầu Lưu Lạc 2 (top 9) và Mãn giang hồng (top 7) góp mặt.
Các phim có kịch bản gốc như Barbie hay Oppenheimer cũng biệt tích khỏi danh sách.
Nhìn rộng ra top 20, họa chăng chỉ có phim hài, tình cảm It End With Us (350 triệu USD, đứng 16) và The Wild Robot (323 triệu USD, đứng 18) tuy nhiên cả hai đều chuyển thể từ tiểu thuyết đình đám, không thể gọi là kịch bản gốc hay câu chuyện độc đáo.
Năm 2025, những phim được mong đợi nhất vẫn là các phim siêu anh hùng, phần tiếp theo của các series lớn hoặc bản làm lại - Ảnh: Warner Bros/Disney
Với những phim bom tấn ra mắt năm được mong đợi nhất 2025 như: Captain America 4; Avatar 3; Wicked 2... chắc hẳn tình hình này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa.
Tuy việc kiếm lời từ những phim ăn theo có lợi cho ngành công nghiệp điện ảnh (vốn đã phục hồi 75% so với trước COVID, theo thống kê của Đại học California), chúng lại vô hình trung khiến các dự án phim có kịch bản gốc mới mẻ khó tìm kiếm nhà đầu tư.
Mỉa mai thay, một trong những nhà làm phim lên tiếng chỉ trích vấn đề này là George Lucas, người sáng tạo ra một trong những thương hiệu thành công và có nhiều phim ăn theo nhất lịch sử là Star Wars.
"Những câu chuyện họ kể trong phim phim quá cũ, các hãng phim lớn đã mất hết trí tưởng tượng và sự độc đáo, tất cả những gì họ làm là 'xào' lại phim cũ" - cha đẻ Star Wars nhận định trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Brut Officiel của Pháp.
Những nhà làm phim kỳ cựu của Hollywood như Martin Scorsese (trái) hay Geogre Lucas đều cho rằng đây là một phong trào có phần "độc hại" với điện ảnh - Ảnh: AFP
Trước đó, nhà làm phim huyền thoại Martin Scorsese đã cảnh báo các đồng nghiệp về vấn đề này.
Ông cho rằng khán giả thế hệ mới chỉ muốn cảm giác giải trí đơn thuần như đi công viên cùng với cảm giác hoài niệm từ các thương hiệu gắn bó với họ nhiều năm.
Dù có xót xa, các tín đồ điện ảnh có vẻ cũng "sống quen với khổ rồi", chừng nào phần đông người tiêu dùng còn chi mạnh cho những Avengers hay Fast & Furious thì các "ông lớn" thâu tóm các hãng phim sẽ còn "xào nấu" những phim này dài dài.
Nhìn lại bức tranh doanh thu phòng vé Việt
Tình hình phòng vé Việt Nam có vẻ lại trái ngược khi những câu chuyện mang kịch bản gốc như Mai; Lật mặt 7 hay Làm giàu với ma lên ngôi...
Tuy Lật mặt 7 thuộc thương hiệu phim trăm tỉ của đạo diễn Lý Hải, các phần phim đều có nội dung tách biệt, có thể coi là một dòng phim tuyển tập (anthology) của Việt Nam.
Top 3 phim có doanh thu cao nhất Việt Nam đều là kịch bản gốc, kể câu chuyện tách biệt chứ không phải tiền truyện, hậu truyện - Ảnh: ĐPCC
Trước đây, cũng từng có những thương hiệu phim nhiều phần nổi bật nằm trong top những phim có doanh thu cao nhất lịch sử Việt Nam như: Hai Phượng (130 tỉ đồng); Chị chị em em 2 (121 tỉ đồng); Gái già lắm chiêu 3 (165 tỉ)...
Nhưng hầu như các series này đều thất bại ở những phần phim ăn theo như Thanh Sói - tiền truyện của Hai Phượng (22 tỉ đồng); Gái già lắm chiêu 5 (55 tỉ đồng, bị Bố già, một phim có kịch bản gốc đánh bại)...
Hai năm sau đại dịch COVID 19, nhiều nhà làm phim cũng có hướng đi mới trong việc xây dựng thương hiệu là tạo ra các vũ trụ điện ảnh, có thể kể đến một số cái tên thành công như vũ trụ linh dị dân gian Việt Nam của nhà sản xuất Võ Thanh Hòa (Quỷ cẩu; Linh miêu) hay Vũ trụ kinh dị Việt Nam với phim khởi đầu là Ma da.