Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được Tổng cục Thống kê công bố hôm 6/1 cho thấy dân số Việt Nam tiếp tục già hóa. Cụ thể, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên hiện gấp 1,25 lần so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (gấp 1,5 lần) so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.
Chỉ số già hóa là tỷ số giữa dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm. Tại Việt Nam, chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh trong 10 năm trở lại đây, nguyên nhân do sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng lên. Dự báo chỉ số già hóa có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có chỉ số già hóa cao nhất cả nước (tương ứng là 76,8% và 70,6%). Tây Nguyên là nơi có chỉ số già hóa thấp nhất so với các vùng còn lại trên cả nước (37,0%).
Tháp dân số Việt Nam năm 2019-2024. Ảnh: Tổng cục thống kê
Tháp dân số được chia thành hai phần bởi đường cao từ đáy tháp lên đỉnh tháp, trong đó phần phía bên phải biểu thị dân số nữ và phía bên trái biểu thị dân số nam. Có sự thu hẹp ở phần đáy tháp (hai thanh của nhóm tuổi 0-4 và 5-9) của năm 2024 so với năm 2019, cho thấy mức sinh giảm sau 5 năm. Đặc biệt, năm 2024, nhóm tuổi phần đỉnh tháp tiếp tục được mở rộng hơn so với 2019, tức là dân số già của nước ta tiếp tục gia tăng.
Ông Mai Xuân Phương, nguyên Vụ phó Truyền thông - Giáo dục (Cục Dân số) cũng nhìn nhận già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Song hành với giai đoạn cơ cấu dân số vàng, hiện tượng già hóa dân số nước ta đang diễn ra nhanh và đang đặt ra các thách thức. Trong khi mức sinh tiếp tục ghi nhận giảm liên tục trong 5 năm qua là thách thức để duy trì mức sinh thay thế, nhằm đảm bảo nguồn lực lao động trong tương lai. Bên cạnh đó, già hóa dân số nhanh đòi hỏi chuyển đổi chính sách bảo hiểm xã hội và phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp với dân số già hóa.
"Tương lai một đứa trẻ phải chăm sóc 6 người già", ông Phương nói, phân tích thêm trẻ con một hiện được bao bọc bởi cha mẹ và 4 ông bà nội ngoại, song khi trưởng thành phải gánh vác chăm sóc cùng lúc 6 người cao tuổi bởi không có anh chị em hỗ trợ. Đây là một trong nhiều gánh nặng mà đứa trẻ phải đối mặt trong tương lai.
Còn ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) đánh giá công tác dân số đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có già hóa dân số. Già hóa dân số đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Già hóa dân số cũng làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn...
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao nhưng sức khỏe yếu, trung bình 14 năm sống trong bệnh tật. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, sa sút trí tuệ. Chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhóm người này cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.
Để ứng phó với già hóa dân số, ngành y tế nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, củng cố và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội cho người lao động, đặc biệt bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là một trong những biện pháp "lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ".
Lê Nga